menu_open
Tiên chúa Nguyễn Hoàng "tìm ra" và trùng kiến chùa Thiên Mụ và Sùng Hóa không phải là sự tình cờ
06/09/2016 3:16:29 CH
Xem cỡ chữ:
Thiên Mụ và Sùng Hóa, hai ngôi quốc tự ra đời sớm nhất tại Đàng Trong, không chỉ là điểm quy hướng tâm linh của cộng đồng mà còn là nơi thường diễn ra các quốc lễ, các nghi lễ Phật giáo quan trọng kể từ đầu thế kỷ XVII.

Chùa Thiên Mụ trong chương trình Huyền thoại Sông Hương. Ảnh: Trương Vững

Hơn 4 thế kỷ trôi qua, quốc tự Thiên Mụ còn đó nhưng Sùng Hóa đã đi vào quên lãng. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, vừa là người làm công tác quản lý trong lĩnh vực bảo tồn di sản, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có cuộc trò chuyện, chia sẻ cùng cộng tác viên Tạp chí Liễu Quán (LQ) về những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, bảo tồn xung quanh hai ngôi quốc tự này. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

LQ: Sùng Hóa và chùa Thiên Mụ - hai biểu tượng văn hoá tâm linh tiêu biểu gắn liền với bước đầu mở cõi của Tiên chúa Nguyễn Hoàng tại xứ Đàng Trong, được ông đặc biệt chú ý ngay từ khi đặt chân lên mảnh đất này. Vậy phải chăng ngay từ buổi đầu vào trấn nhậm Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã nhìn thấy ở Phật giáo những đặc điểm ưu việt, và ông muốn tìm ở Phật giáo một hệ lý luận dẫn đường?

TS. Phan Thanh Hải: Theo tôi, việc Tiên chúa Nguyễn Hoàng “tìm ra” và cho trùng kiến chùa Thiên Mụ, chùa Sùng Hóa hoàn toàn không phải là một sự tình cờ.

Thuận Hóa khi Nguyễn Hoàng mới vào trấn nhậm là vùng đất là vùng đất vô cùng phức tạp, nổi danh là xứ “Ô châu ác địa”, nơi tập hợp đủ mọi thành phần xã hội, từ cư dân lưu tán từ miền Bắc vào, lực lượng ủng hộ nhà Mạc, thành phần trộm cướp, tội phạm trốn chạy để né tránh sự truy đuổi của triều đình nhà Lê và một bộ phận cư dân bản địa vốn có văn hóa, tín ngưỡng hoàn toàn khác. Vì vậy, chính sách cai trị ban đầu của Nguyễn Hoàng chủ yếu là pháp trị kết hợp với những biện pháp an dân. Với chính sách ấy ông đã ổn định được tình hình và biến Thuận Hóa trở thành “nơi đô hội lớn”.

Sau hơn 40 năm trấn trị ở đất Thuận Hóa (từ năm 1558), lãnh ấn Tổng trấn hai xứ Thuận Quảng (từ năm 1570) mà thực chất là toàn bộ vùng đất phía Nam của Đại Việt từ Quảng Trị trở vào, Nguyễn Hoàng hiểu rất sâu sắc vùng đất mà ông cai trị cần một hệ tư tưởng như thế nào là phù hợp, để an dân, để cố kết các tầng lớp trong xã hội, cùng hướng về một mục tiêu chung. Và Phật giáo là hệ tư tưởng phù hợp nhất vào thời điểm ấy. Với tư tưởng bác ái, nhân văn, Phật giáo Đại Thừa tỏ ra đặc biệt phù hợp với xã hội Đàng Trong hồi bấy giờ. Sau gần 8 năm ở miền Bắc giúp vua Lê chúa Trịnh đánh dẹp nhà Mạc, Nguyễn Hoàng cũng thấy rõ dã tâm của chúa Trịnh và sự rệu rã, băng hoại của xã hội Đàng Ngoài với tư tưởng chính thong là Nho Giáo. Chính vì vậy mà sau khi vượt thoát trở về đất Thuận Hóa vào năm 1600, Nguyễn Hoàng đã tìm mọi cách để củng cố vùng Thuận Quảng, mưu đồ cơ nghiệp lâu dài cho dòng họ. Ông đã có chuyến thị sát toàn bộ vùng đất mình cai trị và “tìm ra” vùng đất bên bờ sông Hương làm nơi xây dựng thủ phủ Đàng Trong sau này. Việc cho xây dựng chùa Thiên Mụ (năm 1601) ở thượng nguồn và chùa Sùng Hóa (năm 1602) ở phía hạ lưu chỉ là việc “đánh dấu” khu vực quan trọng nhất cho con cháu về sau. Đó chính là địa bàn chính của thủ phủ-đô thị Kim Long- Phú Xuân sau này. Chùa Thiên Mụ được dựng lên là để “tụ linh khí, bền long mạch” theo lời chỉ dẫn của bà Tiên nhà trời. Có một điều thú vị ở đây là, sau 3 vòng hoa giáp (tức 36 năm, tính từ 1601-1636) và qua 3 đời (từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Lan), thì linh khí mới hội tụ đầy đủ, vùng đất trên mới trở thành thủ phủ của Đàng Trong! Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan chính thức chọn vùng đất Kim Long dưới chân chùa Thiên Mụ để xây dựng thủ phủ của họ Nguyễn, đây cũng là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của đô thị Huế. Điều này càng chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn và tầm nhìn xa trông rộng của Tiên chúa Nguyễn Hoàng.

 
Bản vẽ cảnh chùa Thiên Mụ bằng tranh mộc bản minh họa của Bộ Công triều Nguyễn, 1844

LQ: Dưới thời Nguyễn Hoàng, kể cả khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời đô từ Dinh Cát-Ái Tử vào định đô tại Phước Yên (1626), mọi sinh hoạt Phật giáo tiêu biểu đều diễn ra tại quốc tự Sùng Hóa chứ không phải quốc tự Thiên Mụ. Tuy nhiên các đời chúa về sau, vai trò của Sùng Hóa không còn được chú ý, thay vào đó là Thiên Mụ. Chùa Sùng Hóa dần bị lãng quên và đến nay hầu như không để lại dấu tích gì của một thời hưng thịnh. Vậy chúng ta đã có những nghiên cứu gì, và phát hiện được những di chỉ nào về quốc tự Sùng Hóa qua công tác khảo cổ và nghiên cứu tư liệu?

Không ảnh tổng thể chùa Thiên Mụ - 1994

TS. Phan Thanh Hải: Đúng là trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII, sau khi được xây dựng, nhiều sinh sinh hoạt Phật giáo chủ yếu tại khu vực Thuận Hóa đã được tổ chức tại chùa Sùng Hóa, khi ấy, cả Thiên Mụ và Sùng Hóa đều là quốc tự. Tôi cũng chưa lý giải được vì sao, ngay cả sau năm 1636, khi thủ phủ đã chuyển về Kim Long ngay dưới chân chùa Thiên Mụ thì ngôi chùa này vẫn chưa phải là nơi tổ chức các sinh hoạt chính của Phật giáo Đàng Trong. Cũng có thể do nó quá gần phủ chúa nên không tiện cho vấn đề an ninh, và mặt khác chùa Sùng Hóa ở vào vị thế tiện lợi giao thông và có khoảng cách an toàn hơn (hồi đó giao thông đường thủy, đi bằng thuyền là chủ yếu). Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết.

Nói như vậy không có nghĩa là chùa Thiên Mụ hồi ấy chưa phải là một ngôi chùa quan trọng, bởi đối với họ Nguyễn, đây là ngôi chùa gắn liền với sự phát tích của dòng họ, được chúa Tiên cho xây dựng. Cũng có thể ban đầu, nó còn đóng vai trò là ngôi chùa riêng dành cho phủ chúa. Cũng xin nói thêm là, trong quá trình khảo sát các thủ phủ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từ Ái Tử đến Phú Xuân, tôi thấy hầu như thủ phủ nào cũng gắn liền với một ngôi chùa Phật giáo.

Năm 1665, chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Và từ cuối thế kỷ XVII trở đi, sau khi thủ phủ chuyển về đất Phú Xuân, chùa Thiên Mụ lại thay thế hẳn vị thế của chùa Sùng Hóa và chiếm vị trí quốc tự hàng đầu của Đàng Trong. Năm 1695, tại chùa Thiên Mụ, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tổ chức đại chay đàn để hòa thượng Thích Đại Sán hành lễ.  Và như chúng ta đều biết, đến năm 1710, chúa cho đúc đại hồng chung lớn nhất xứ Đàng Trong (nặng 3285 cân) cho chùa Thiên Mụ; năm 1714 lại cho đại trùng tu chùa và biến nó trở thành ngôi chùa có quy mô to lớn, tráng lệ chưa từng có. Sau đó chúa còn sai người qua tận Trung Quốc mua hơn ngàn bộ kinh Phật đặt tại lầu Tàng Kinh trong chùa…

Còn số phận chùa Sùng Hóa cũng rất lạ kỳ, không những chỉ đánh mất vị thế mà sau đó hầu như không được quan tâm. Ngôi chùa này tàn lụi theo thời gian và gần như mất hẳn dấu tích. Đây cũng là một bí ẩn của lịch sử cần được giải mã.

LQ: Với quốc tự Thiên Mụ, những dấu tích của các lần trùng tu hiện chúng ta chỉ biết được từ thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu về sau (qua các văn bia và di vật để lại). Vậy từ Nguyễn Phúc Chu trở về trước diện mạo kiến trúc và quy mô chùa Thiên Mụ như thế nào, có sử liệu nào ghi lại?

Nghiên cứu phục hồi 1 ô trang trí ở cổ diềm điện Đại Hùng

TS. Phan Thanh Hải: Đúng như vậy! Căn cứ vào sử liệu thì chúng ta chỉ có thể biết được quy mô và diện mạo kiến trúc của chùa Thiên Mụ sau lần đại trùng tu thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa, năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần trùng tu chùa, nhưng quy mô thế nào thì sử liệu không nói rõ. Trong sách Hải ngoại kỷ sự, hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán cũng có nhắc đến chùa Thiên Mụ khi ông “hoằng dương chánh pháp” ở đây, nhưng hầu như không có mô tả về kiến trúc cụ thể của chùa. Chỉ có sau lần đại trùng tu năm 1714 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu thì quy mô, diện mạo kiến trúc của chùa mới được mô tả khá đầy đủ. Lúc này chùa có đến hàng chục công trình: Điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, Hai bên là lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà Tri Vị, nhà Thiền Đường, điện Đại Bi, điện Dược Sư, rồi phòng tăng, nhà thiền…Phía sau lại có vườn Tỳ Gia  (trong các bản dịch sách trước hay dịch là Côn Gia) trong đó có nhà phương trượng đến mấy chục sở. Bản thân chúa Nguyễn Phúc Chu sau khi tổ chức đại lễ khánh thành đã từng ăn chay và ở suốt một tháng trong khu vườn này. Những thông tin về lần đại trùng tu trên đã được chúa cho khắc vào bia đá dựng tại chùa, cũng được ghi chép trong nhiều sử liệu. Có lẽ sinh động nhất là hình ảnh của chùa Thiên Mụ được vẽ trên đồ sứ ký kiểu hồi ấy.LQ: Năm 2003 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nhận tu bổ và trùng tu tổng thể chùa Thiên Mụ; Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thi công với 18 hạng mục từ tháp Phước Duyên, điện Đại hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, cổng tam quan, lầu chuông trống, bờ kè la thành, điện chiếu sáng, hệ thống chống cháy... Vậy trong đợt trùng tu đó, chúng ta dựa trên những thông tin kiến trúc từ văn bia của chúa Nguyễn Phúc Chu hay theo quy hoạch kiến trúc như văn bia đời Thiệu Trị mô tả?

Thi công trùng tu tháp Phước Duyên

TS. Phan Thanh Hải: Từ năm 2003-2006, chùa Thiên Mụ đã được đại trùng tu với 18 hạng mục công trình khác nhau. Có lẽ sau hàng trăm năm rồi mới có một lần trùng tu lớn và toàn diện như vậy. Lần trùng tu này do Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và nhà chùa tiến hành với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Dẫu nghiên cứu rất kỹ lịch sử chùa Thiên Mụ trong đó có các tư liệu từ thời chúa đến thời các vua Nguyễn (bao gồm cả hệ thống văn bia), nhưng khi trùng tu chùa, chúng tôi chủ yếu căn cứ vào hiện trạng kiến trúc đang tồn tại. Đây là việc làm phù hợp với Luật Di sản Văn hóa và những công ước quốc tế về bảo tồn mà Việt Nam đã tham gia. Chúng ta cũng biết là chùa Thiên Mụ đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, thay đổi nên quy hoạch và diện mạo kiến trúc của ngôi chùa trong các thời kỳ lịch sử không giống nhau là lẽ đương nhiên. Nhưng có một điểm có thể khẳng định là từ sau lần đại trùng tu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu trở đi, thì chùa đã ảnh hưởng rất rõ lối kiến trúc cung đình với kiểu bố trí theo một trục trung tâm cùng các công trình đối xứng hai bên. Dĩ nhiên là từ thời Nguyễn trở về sau thì điều này càng thể hiện rõ hơn.

LQ: Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên) cao 21m, gồm 7 tầng ở phía trước chùa. Tháp giờ đã trở thành một kiến trúc độc đáo trong kiến trúc chùa cổ Việt Nam. Trong đợt trùng tu năm 2006 đơn vị thi công đã hoàn thành việc chỉnh lại tháp do bị nghiêng khoảng 6-7 độ. Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về kết quả trùng tu tháp Phước Duyên cũng như các hạng mục quan trọng khác của cùa Thiên Mụ trong đợt trùng tu này?         

TS. Phan Thanh Hải: Rõ ràng tháp Phước Duyên (tên ban đầu là Từ Nhân) xây dựng năm 1844 thời vua Thiệu Trị là một công trình kiến trúc độc đáo và rất đẹp. Ngày nay nó đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của cố đô Huế. Nhưng dù xây dựng bằng vật liệu kiến cố là gạch đá và sắt thép nhưng trải qua thời gian lịch sử, ngôi tháp 7 tầng với chiều cao 21 mét này cũng đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Tháp bị nghiêng khoảng 7 độ, một số thanh sắt làm khung cốt đã rỉ sét, mất khả năng chịu lực, thân tháp bị nứt một số đường khá lớn, các mảng trang trí bằng pháp lam bên ngoài bị mất, hư hỏng..vv.. Để trùng tu ngôi tháp này, chúng tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng những nguyên nhân gây ra hư hại cho công trình để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Trong quá trình trùng tu, một mặt chúng tôi gắng bảo tồn các yếu tố nguyên gốc, mặt khác cũng áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới để gia tăng khả năng chịu lực, chịu gió bão cho công trình. Công trình đã được xử lý phần nghiêng lún. Các tấm pháp lam trang trí đã được thay mới nhưng được chọn lựa rất kỹ và có sự nhất trí cao của nhà chùa. Đặc biệt, ngôi tháp này cũng được lắp đặt hệ thống chống sét để đảm bảo an toàn vì trong lịch sử, ngôi tháp này cũng đã từng bị sét tấn công.

Nghiên cứu phục hồi con giống bằng Pháp lam

Đối với đình Hương Nguyện, là công trình vốn đặt ở phía trước tháp Phước Duyên, nhưng được dời ra phía sau, đặt trên nền điện Địa Tạng, sau khi nó bị cơn bão năm Thìn (1904) làm sụp đổ, chúng tôi đã có sự nghiên cứu công phu để vừa trùng tu phần kiến trúc, vừa lắp đặt lại hệ thống liên ba, đố bản trên đó có khắc các bài thơ của vua Thiệu Trị. Rất may là chính nhờ có bài thơ này mà các cán bộ nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra quy luật sắp đặt và đã sắp xếp trả về đúng nguyên bản của công trình.

Đối với điện Đại Hùng, ngôi điện chính của chùa, do trong lần trùng tu trước đây đã sử dụng bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt sắt, không phù hợp với giá trị to lớn của một ngôi đại danh lam, chúng tôi đã thay thế lại toàn bộ bằng bộ khung gỗ với chất lượng tốt nhất có thể. Trong quá trình trùng tu, không chỉ đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng tôi và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng đã hết sức nỗ lực mà các quý thầy ở chùa Thiên Mụ cũng không ngại vất vả, khó khăn, luôn làm việc hết mình và tạo nên sự phối hợp rất hiệu quả. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý về sự phối hợp trong công tác trùng tu các di sản văn hóa.

 
 Chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương

LQ: Những cổ vật quý giá của chùa Thiên Mụ có từ xưa như tượng Phật bằng đồng, khánh đồng được đúc năm 1677 và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu (một Phật tử thọ Bồ tát giới) đề tặng năm 1714. Đặc biệt, Đại Hồng Chung (chiều cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, nặng hơn 2.000kg) vừa được công nhận bảo vật quốc gia. Đây là điều đáng mừng, cũng là trách nhiệm nặng nề trong công tác bảo vệ, phương hướng giữ gìn trong thời gian tới không chỉ đối với cổ vật mà còn về quang cảnh chung bởi dẫu sao chùa Thiên Mụ là một điểm tham quan trọng yếu của du khách khi đến Huế?

TS. Phan Thanh Hải: Đúng vậy. Chùa Thiên Mụ không chỉ hấp dẫn du khách bốn phương bằng  cảnh trí tuyệt đẹp, bằng những giá trị lịch sử hiếm có mà còn bởi những cổ vật hết sức quý giá. Chiếc khánh đồng đúc năm 1677 là một bảo vật tuyệt đẹp với giá trị nghệ thuật rất cao. Tấm hoành phi do chính tay Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu hiệu Thiên Túng Đạo Nhân đề tặng từ năm 1714, sau khi trùng tu chùa cũng là một cổ vật bằng gỗ hiếm có. Đặc biệt, Đại Hồng Chung được đúc từ năm 1710, nặng 3285 cân (hơn 2000kg), trên có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu vừa qua đã được Nhà nước ta công nhận là Bảo vật quốc gia (hiện nay cố đô Huế mới chỉ có 3 bảo vật quốc gia là bộ Cửu Vị Thần Công, bộ Cửu Đỉnh và Đại Hồng Chung của chùa Thiên Mụ). Những cổ vật trên đã góp phần quan trọng làm tăng thêm các giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của chùa Thiên Mụ, nhưng cũng đặt ra vấn đề cần phải bảo vệ, giữ gìn chúng thật cẩn thận cho đời nay và cho mai sau. Cũng tương tự như vậy, vấn đề bảo vệ môi trường cảnh quan của ngôi chùa cũng hết sức quan trọng, bởi đây cũng là một nhân tố làm nên vẻ đẹp và giá trị vô song của cổ tự này.

Chùa Thiên Mụ là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của cố đô Huế. Hàng năm có cả triệu lượt khách đến thăm viếng chùa Thiên Mụ, vì vậy giải quyết cho tốt các vấn đề giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại đây cũng không hề dễ dàng, nó đòi hỏi sự cộng tác và nỗ lực của cả chính quyền, các doanh nghiệp khai thác du lịch, dịch vụ, người dân và nhà chùa. Cũng như mọi người dân Huế, tôi mong chùa Thiên Mụ với ngọn tháp Phước Duyên cao vút, nổi bật bên dòng Hương Giang xinh đẹp sẽ mãi mãi là một trong những biểu tượng văn hóa bất diệt của mảnh đất này.

LQ: Xin cảm ơn ông đã dành cho Tạp chí Liễu Quán cuộc phỏng vấn này.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>