menu_open
Cửu đỉnh- Di sản trường tồn
02/08/2021 2:10:42 CH
Xem cỡ chữ:
Khi đến Đại Nội (Huế), đứng trước bộ Cửu đỉnh, người ta cảm thấy tự hào về di sản văn hóa và lịch sử Việt Nam. Cửu đỉnh biểu thị ước mơ về sự trường tồn mãi mãi của triều đình nhà Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc đặt tên gọi cũng như tầm vóc và các họa tiết chạm nổi trên mỗi đỉnh. Năm 2012, Cửu đỉnh được công nhận bảo vật Quốc gia.

Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện với án thờ các vua bên trong Thế Tổ miếu.  

1. Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh bằng đồng, gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt trước sân Thế Tổ miếu (bên trong Hoàng Thành, Huế), sau lưng Hiển Lâm Các.

Với ý muốn “làm vật báu truyền lại đời sau”, tháng 10 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng ban chỉ dụ, ra lệnh cho Nội các cùng bộ Công đôn đốc công việc đúc Cửu đỉnh. Tháng 5 âm lịch năm Bính Thân (1836), phần thô của 9 đỉnh đúc xong. Nhưng phải mất gần 8 tháng sau, Cửu đỉnh mới được chính thức hoàn thành. Buổi đại lễ diễn ra vào ngày 1/3/1837 dưới sự chủ trì của vua Minh Mạng.

Trên mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của Vua sau khi mất được đưa vào thờ tại Thế Miếu: Cao đỉnh (“Cao” miếu hiệu của vua Gia Long) được đặt ở chính giữa rồi tiếp đến hai bên trái, phải là Nhân đỉnh (“Nhân” là miếu hiệu của vua Minh Mạng), Chương Đỉnh (“Chương” là miếu hiệu của vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (“Anh” là miếu hiệu của vua Tự Đức), Nghị đỉnh (“Nghị” là miếu hiệu của vua Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (“Thuần” là miếu hiệu của vua Đồng khánh), Tuyên đỉnh (“Tuyên” là miếu hiệu của vua Khải Định); còn Dũ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp tượng trưng cho vua nào thì cách mạng tháng Tám đã xóa bỏ vĩnh viễn vương triều nhà Nguyễn.

Chín đỉnh được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, mỗi đỉnh đều được đặt trên một phiến đá lớn rất vững vàng, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Tổ miếu. Riêng Cao đỉnh được đặt nhích về phía trước 3m với hàm ý để tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên của triều đại.

cửu đỉnh Huế

Cửu đỉnh Huế trong bưu ảnh thời xưa.  

2. Theo nhiều nhà nghiên cứu, bộ báu vật này được chế tác bởi các nghệ nhân bậc thầy về đúc đồng thời nhà Nguyễn. Kỹ thuật khắc nổi những họa tiết, hoa văn tinh tế với những hình ảnh sống động trên bộ Cửu đỉnh đòi hỏi các nghệ nhân phải kiên trì và có sự am hiểu nhất định.

Chiếc cao nhất tới 2,5m, chiếc thấp nhất 2,3m. Chu vi vòng lưng từ 4,64m tới 4,72m. Trọng lượng chiếc nặng nhất 2.061kg, chiếc nhẹ nhất 1.935kg. Các cặp quai trên miệng đỉnh không hoàn toàn giống nhau, cặp đúc vuông, cặp đúc tròn, cặp xoắn theo kiểu dây thừng. Chân đỉnh cũng khác nhau, có bộ uốn theo kiểu chân quỳ, có bộ đúc thẳng...

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cửu đỉnh như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. Các nghệ nhân thời xưa đã thể hiện một cách khái quát nhưng rất súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Tất cả hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt.

Vì lẽ đó, Cửu đỉnh được coi là bộ sách địa chí của Việt Nam, với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện một tư tưởng hoà bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên Cửu đỉnh ở 3 chiếc đỉnh lớn nhất. Đó là hình ảnh của Đông Hải (Biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), và cả các vùng biển Nam Hải (biển phía nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái Lan - khắc trên Chương đỉnh).Trên hình là Đông Hải (Cao đỉnh): Vùng biển phía đông đất nước.

3. Gần 2 thế kỷ trôi qua với nhiều biến thiên thăng trầm, đến nay Cửu đỉnh vẫn được bảo vệ nguyên vẹn hình dáng như ban đầu. Điều đáng quý nữa, di sản này đều là những bản nguyên gốc và duy nhất, từ khi ra đời đến nay chưa từng phải sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Một chi tiết nữa, từ khi khánh thành đến nay, Cửu đỉnh vẫn nguyên vị trí.

Theo TS Lê Thị An Hòa - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách tỉ mỉ. Khuôn đúc là khuôn độc bản, sau khi hoàn thành chế tác, các khuôn đúc đều bị phá bỏ để tránh sự sao chép. Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, trung tuần tháng 6 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trình Bộ VHTTDL xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

“Qua nghiên cứu các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, thì bộ Cửu đỉnh ở Huế là độc bản. Mặc dù nhiều nước có nghệ thuật đúc đồng nhưng riêng bộ Cửu đỉnh này và các hình ảnh được chạm nổi trên nó, thì chỉ có duy nhất ở Huế. Bộ Cửu đỉnh có tất cả các tiêu chí để trở thành Di sản tư liệu của thế giới”, TS Lê Thị An Hòa nhận xét.

Trong khi đó, ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định: “Cửu đỉnh là dạng “độc bản, duy nhất”, không thể thay thế. Đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn; là một cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ của tiền nhân và tầm cao nghệ thuật…”.

Hình ảnh biển đảo của nước ta được chạm khắc rõ ràng trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn. Trong 9 đỉnh, có 3 đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất có khắc biển đảo nước Việt, gồm: Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Cùng với hàng loạt tài liệu Hán Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tống Phước Anh
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>