menu_open
Để cổ vật cung đình là phần hồn của Cố đô Huế - Kỳ 1: Cái khó của cổ vật
16/10/2015 3:02:50 CH
Xem cỡ chữ:
Quản lý khoảng 13 ngàn cổ vật và sử dụng không gian rộng lớn các di tích để trưng bày, nên quần thể di tích Cố đô Huế - dù như một bảo tàng khổng lồ vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với du khách và chưa thể hiện hết được giá trị của cổ vật.

 

Du khách xem tư liệu trưng bày trong cung Diên Thọ (Đại Nội)



12/16 điểm di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế sử dụng cổ vật để trưng bày nội thất nhằm tái hiện phần nào linh hồn không gian di tích. Tuy nhiên, việc trưng bày cổ vật đơn điệu, thiếu những phụ đề cung cấp thông tin liên quan, hệ thống thiết bị hỗ trợ trưng bày chưa xứng tầm với cổ vật… là hạn chế của hiện trạng trưng bày cổ vật cung đình Huế. 

Cách trưng bày bị động

Nhiều năm qua, việc trưng bày giới thiệu, thuyết minh cổ vật ở khu di sản Huế được Trung tâm BTDTCĐ Huế chú trọng hơn và được thực hiện theo nhiều hướng khác nhau, như: tái hiện cảnh quan; giới thiệu nhân vật, kiến trúc; triển lãm chuyên đề và trưng bày bảo tàng. Trải qua những thăng trầm lịch sử, tuy số lượng cổ vật của nhà Nguyễn còn lại không nhiều, nhưng Cố đô Huế vẫn được coi là nơi bảo lưu đầy đủ nhất những dấu ấn về một triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, với ngai vàng, sập gụ, tủ chè, tranh thơ ngự chế, các bộ sưu tập đồ sứ, đồ bạc, đồ đồng, đồ pháp lam. Trong số đó, nhiều hiện vật là đặc biệt quý giá và độc bản.
Trong các điểm di tích được trưng bày cổ vật, tập trung nhiều nhất ở Đại Nội, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cung An Định và các lăng: Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Gia Long… Để tăng thêm sức hấp dẫn của các điểm đến, Trung tâm BTDTCĐ Huế liên tục có sự thay đổi và mở rộng không gian trưng bày tại các điểm di tích. Tuy nhiên, do không gian các di tích rộng, lực lượng bảo vệ lại mỏng nên việc bảo quản cổ vật vẫn có những rủi ro.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, vấn đề lớn nhất liên quan đến cổ vật cung đình Huế hiện nay là không gian trưng bày và sự an toàn cho các hiện vật. Ngoài sự thiếu an toàn nói trên, việc tận dụng các di tích làm không gian trưng bày bảo tàng thật sự đã bộc lộ những điểm yếu rõ rệt. Nếu ở những bảo tàng mới được xây dựng đem đến cho người tổ chức nhiều cơ hội sáng tạo, thì những bảo tàng di tích của Huế buộc người tổ chức phải trưng bày cổ vật phụ thuộc vào tính chất công trình. Vì vậy, người tổ chức trưng bày cổ vật luôn bị động trong việc sắp xếp, bố trí hiện vật bởi không thể can thiệp được vào bản thân di tích. Điều này hạn chế năng lực sáng tạo của người tổ chức trưng bày, cũng như các khả năng triển khai những giải pháp về hệ thống thiết bị phụ trợ tối ưu. Do vậy, việc trưng bày cổ vật tại các điểm di tích Cố đô Huế chỉ mang tính bổ sung, minh họa cho mối quan hệ phù hợp giữa di tích và di vật.



Du khách xem tự liệu trưng bày trong cung Diên Thọ (Đại Nội)
 
Trong điều kiện kỹ thuật hiện đại hiện nay, nhiều điểm đến, như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng linh hoạt ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao vào hoạt động trưng bày để cải thiện tình trạng thiếu hấp dẫn, thì với quần thể di tích Cố đô Huế, hướng đi này tuy đã hình thành nhưng vẫn còn dè dặt và chưa trở thành kế hoạch chiến lược trong lĩnh vực bảo tàng. Chị Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế nói rõ: “Để có sự phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cung đình Huế, việc sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ cao ở khu di sản Huế cần tiếp tục nghiên cứu để có sự lựa chọn an toàn, phù hợp với hình thức, chất liệu và màu sắc truyền thống của di sản Huế”.

Du khách dần ghi nhận

Là một quần thể di tích bao gồm nhiều loại hình công trình khác nhau, lưu giữ được hàng ngàn cổ vật gắn liền với nếp sinh hoạt cung đình xưa nên công tác trưng bày cổ vật ở các điểm di tích Huế cũng luôn được đổi mới để tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến. Gần đây, Trung tâm BTDTCĐ Huế có những cải tiến trong hoạt động trưng bày, tổ chức theo hình thức kết hợp giữa thiết kế mỹ thuật và xếp đặt hiện vật; vừa sử dụng nguồn hiện vật gốc, vừa sử dụng hiện vật phục chế, kèm theo phụ đề minh họa nhằm gợi mở cho du khách những nét sinh hoạt xưa. Ngoài không gian của điện Long An – bản thân là một cổ vật vô giá, Trung tâm BTDTCĐ Huế còn đầu tư cải thiện điều kiện chiếu sáng nội thất và tổ chức trưng bày lại các hiện vật, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách hơn.
Trước năm 2013, mỗi năm Bảo tàng CVCĐ Huế chỉ khiêm tốn đón khoảng 20-22 ngàn lượt khách đến thăm. Từ tháng 4/2013, thời điểm áp dụng vé gộp tham quan Hoàng Cung (gồm 2 điểm: Đại Nội và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), lượng khách đến với bảo tàng ngày càng nhiều hơn. Mặc dù lượng khách tour thăm điểm đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phụ thuộc rất nhiều vào các văn phòng tổ chức tour của các hãng lữ hành, nhưng từ đầu năm đến nay đã có hơn 84 ngàn lượt khách đến tham quan tại Bảo tàng. Cao điểm như tháng 6/2015, có đến hơn 12 ngàn lượt khách đến thăm.
Đón chào du khách nụ cười thân thiện, chị Huỳnh Thị Bích Nhàn - thuyết minh viên tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cởi mở: Cùng với việc thay đổi bộ sưu tập đồ sứ sang trưng bày chuyên đề mới về công tác hành chính qua cổ vật, chúng tôi đang từng bước giới thiệu các hiện vật theo phương pháp thuyết minh diễn giải song ngữ để mỗi du khách đều có thể cảm nhận sâu hơn những hiện vật được trưng bày. Ngoại trừ những đoàn phụ thuộc kế hoạch tour, còn nữa thì bình quân mỗi khách dừng chân ở đây khoảng 30 phút. Nhiều khách nước ngoài đi lẻ lưu lại rất lâu và họ xem cụ thể từ hiện vật.
Trong khi các thành viên đoàn dành thời gian với những bộ sưu tập trong điện Long An, thì anh Lê Quang Huy - hướng dẫn viên Công ty TNHH TravelIndochina Việt Nam, cũng rảo bước quanh các tủ trưng bày cổ vật. Anh cho biết, đoàn khách hôm nay là một trong số những đoàn “may mắn” được anh dẫn vào thăm Bảo tàng vì còn ít thời gian có thể tranh thủ được. Đa số khách quốc tế anh dẫn đều rất thích dừng lại ở các điểm trưng bày, ở Bảo tàng cũng như trong các di tích khác. Về sự hài lòng của chính mình, Lê Quang Huy ngắn gọn: “Tôi làm nghề hướng dẫn du lịch hơn 11 năm rồi, đến đây cũng rất nhiều lần rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy chán cả. Về cổ vật cung đình thì Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã là số 1. Ở đây, nhiều cổ vật được trưng bày khoa học và thường xuyên có sự thay đổi, điều đó khiến người xem ít cảm thấy nhàm chán”.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>