menu_open
Di tích kêu cứu - Kỳ 1: Nguy cơ thành phế tích
02/11/2015 8:30:53 SA
Xem cỡ chữ:
Thừa Thiên Huế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa; trong đó, cả trăm di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau lễ đón bằng công nhận, phần nhiều trong số ấy đang xuống cấp trầm trọng.

Hệ thống cửa đình làng An Cựu rệu rã

Không được chăm sóc, trùng tu, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh có nguy cơ trở thành phế tích. Đó là thực trạng đáng báo động.

Rệu rã chờ sập
Thừa Thiên Huế có khoảng 895 di tích; trong đó, có 86 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia (29 di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý) và 59 di tích cấp tỉnh. Phần nhiều trong số ấy đều đã xuống cấp tùy theo các cấp độ nặng nhẹ. 
Nhìn bên ngoài, đình làng An Cựu (số 99 kiệt 33 đường An Dương Vương) còn khá nguyên vẹn nhưng bên trong, ngôi đình này đã mục ruỗng. Hầu hết cấu kiện bằng gỗ đã bị ruỗng nát, một chiếc cột bị gãy ngang. Cả hệ thống án, kiệu thờ, bài vị... bằng gỗ tuyệt đẹp cũng bị xiêu vẹo, hư hỏng vì mục mối. Mái ngói bể, dột nát, trời mưa nước chảy lênh láng khắp đình. Hệ thống cửa rệu rã, phải nẹp lại nên trong đình luôn tối om. Ánh sáng duy nhất le lói là từ những tấm ngói đã bể trên mái. Hai ngôi nhà tả hữu dùng để họp hành, phục vụ cúng tế chỉ còn trơ mấy bức tường rêu phong.

Ông Trần Văn Sửu – Phó làng An Cựu đưa tay gõ vào cây cột bị mối ăn mục rỗng. Nhìn những miếng gỗ rã rơi xuống, ông thở dài: “Mối ăn cột “tọng bọng” hết rồi, chúng tôi phải nẹp bằng thép. Năm ngoái, cái kèo bị gãy, Hội đồng tộc trưởng của làng buộc phải chống sập nóc mái bằng hai ống sắt nhưng không ăn thua. Thỉnh thoảng, ngói, cột, kèo cứ rớt xuống, đòn tay cũng gãy từng khúc rất nguy hiểm. Cứ đà ni, tui sợ không qua được mùa mưa bão năm nay. Nếu sập là không tận dụng được gì khi trùng tu”.

Đình làng An Cựu là ngôi đình cổ ra đời từ thế kỷ thứ XVI và được trùng tu vào những năm 1906, 1957, 1970. Từng là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng trước và sau 1945, đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2008. Thế nên, người dân An Cựu càng đau lòng khi niềm tự hào, nơi thờ cúng thiêng liêng của họ đang đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ông Lê Văn Ngộ - Trưởng làng, Phó Ban quản lý di tích đình làng An Cựu cho biết: “Đình làng này bắt đầu xuống cấp cách đây hơn 10 năm, giờ xuống cấp đến 80% và cần được chống xuống cấp khẩn cấp. Hơn 7 năm nay, dân làng kêu cứu, Hội đồng tộc trưởng của làng đau đáu, biết bao lần làm đơn kiến nghị, đề xuất nhưng vẫn chưa được trùng tu”. Ông Sửu, ông Ngộ đều đã quá tuổi thất thập, tuổi già sức yếu nhưng mấy năm nay họ sốt ruột chạy đi kêu cứu cho di tích khắp nơi. Tuy nhiên, sức có hạn nên họ đành bất lực. 

Tương tự, đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng trên đường Bạch Đằng (phường Phú Hiệp) có gần 200 năm tuổi, nổi tiếng với lối kiến trúc và không gian độc đáo. Năm 1998, cụm di tích này được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Do sức tàn phá của thời gian và thời tiết khắc nghiệt, cả hai di tích nổi tiếng với kiến trúc cổ ba gian hai chái, lợp ngói âm dương tuyệt đẹp đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhất là đình làng trở nên nhếch nhác, rệu rã. Xung quanh đình là hai dãy phòng học của Trường tiểu học Ngô Kha cơ sở 3, sân đình được sử dụng làm sân trường. Bên trong, tường nứt, nền đúc bị vỡ loang lỗ, mái ngói bị dột nhiều chỗ, các kết cấu gỗ bị mục khiến kèo, xà, cột đều gãy, cửa hỏng không mở được… Vì thế, đình làng bị bỏ hoang như phế tích, mọi việc tế tự được chuyển về miếu Thành Hoàng.  

 

Theo ông Trần Quốc Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp, Trưởng ban quản lý di tích, việc trùng tu cứ thấp thỏm trong lòng người dân và chính quyền địa phương mà chẳng có tiền: “Khi di tích xuống cấp, chúng tôi đã gửi nhiều văn bản lên cấp trên kêu cứu. Với nhiều nỗ lực, chúng tôi đã mời đơn vị tư vấn lập hồ sơ trùng tu gửi ra Bộ VH,TT&DL xin kinh phí tu bổ nhưng chưa có phản hồi. Chỉ sợ lâu quá, không biết di tích có chờ nổi không. Đây là di tích rất có giá trị về kiến trúc, văn hóa, để mất đi thì không bao giờ tìm lại được”.

Bị xâm hại 

Được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991, nhưng suốt nhiều năm qua, di tích lăng mộ Tuy Lý Vương (đường Bùi Thị Xuân, phường Đúc) bị nhiều hộ dân xâm hại. Với tổng diện tích khoảng 5.600m2, mảnh đất thuộc khuôn viên di tích đã bị 10 hộ dân sống tại đây “chia 5, xẻ 7” để xây dựng nhà ở, trồng hoa màu... phá vỡ cảnh quan di tích, xâm hại nghiêm trọng đến lăng mộ và các công trình thuộc khu di tích. 

Liên quan đến việc này, đã có nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan cấp thành phố và cấp tỉnh. Từ năm 2012, UBND tỉnh cũng đã có kết luận yêu cầu cơ quan chức năng cương quyết xử lý đối với những hộ dân sử dụng đất nằm trong khu vực I của di tích. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên, do cách xử lý thiếu cương quyết nên đến nay, sự việc dường như chỉ “dậm chân tại chỗ” và ngày càng nghiêm trọng hơn khi người vi phạm tiếp tục mở quán nhậu, xây dựng bãi đỗ xe. 
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, Phó ban Chủ tự Phủ Tuy Lý Vương cho biết: “Không hiểu vì lý do gì mà dù UBND tỉnh đã có kết luận nhưng chưa được giải quyết, chẳng có hộ xâm phạm nào đi hết. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nếu không thì cũng khoanh vùng rõ ràng để chúng tôi làm hàng rào bảo vệ khuôn viên đất còn lại, nhất là trong khu vực I. Đây là di tích cấp quốc gia nên rất mong các cấp, ngành liên quan có biện pháp giải quyết dứt điểm theo Luật Di sản để bảo tồn nguyên vẹn khuôn viên của di tích”. 

Và lãng quên 

Chung cảnh ngộ, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ngã ba Ràng Bò - Cây đa Đá Bạc ở Phú Lộc cũng trong tình trạng bị xuống cấp và lãng quên. Bia chiến thắng Ngã ba Ràng Bò (xã Lộc Điền) là chứng tích lịch sử quan trọng, ghi dấu một thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong chặng đường đấu tranh giải phóng đất nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa xuân 1975. Tuy nhiên, thoạt nhìn không ai nghĩ nó là di tích cấp quốc gia khi những dòng chữ giới thiệu về địa điểm lịch sử này đã mờ hẳn, bia đã sứt mẻ, cũ kỹ… không tương xứng với giá trị, ý nghĩa của di tích.  
Tương tự, xung quanh di tích Cây đa Đá Bạc nhếch nhác khi người dân tập kết vật liệu xây dựng, bán quán nước. Thậm chí, năm ngoái, một hộ dân đã xâm hại di tích khi lén đổ đất trái phép trong đêm với ý định xây nhà hàng. May là chính quyền huyện Phú Lộc phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Không có biển giới thiệu, biểu tượng di tích, cũng không khoanh vùng bảo vệ nên nhiều người không biết đây là di tích quốc gia cần được bảo vệ.
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>