menu_open
Độc đáo làng nặn tượng ông Công, ông Táo tại xứ Huế
29/01/2016 9:25:26 SA
Xem cỡ chữ:
Để có những bức tượng ông Công, ông Táo đến với từng góc nhà, gian bếp, nhằm góp thêm chút hương xuân cho tết cổ truyền của người dân, từ những ngày đầu tháng 12 âm lịch, công việc của thợ làm nghề nặn tượng tại xứ Huế lại trở nên tấp nập và bận rộn hơn.

Để hiểu rõ về làng nghề “độc nhất vô nhị” này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mục sở thị tại thôn Địa Linh nằm kề phố cổ Bao Vinh, thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), nơi nổi tiếng với nghề làm ông Công, ông Táo bằng đất nung rất độc đáo, xưa nay không ai không biết. Đây là nơi hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm ông Táo với nhiều ý nghĩa trong phong tục của người Việt ở xứ Huế.

Theo tín ngưỡng của người Việt, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp của mỗi gia đình. Dù nhà khá giả hay nghèo khó, đến 23 tháng Chạp hằng năm đều làm lễ cúng để đưa ông Táo về trời báo cáo những chuyện trong đời sống, nhất là chuyện bếp núc. Đi kèm sẽ là bộ ba tượng ông Táo mới được thay lên bếp.

Chính vì thế, mỗi mùa tết về, từ những ngày đầu tháng 12 âm lịch cho tới giữa tháng Chạp, tại các lò nung ở làng Địa Linh lại hối hả sản xuất hàng vạn bức tượng ông Công, ông Táo. Và sau đó, các nhà lò sẽ tắt lửa hoàn thiện sản phẩm để cung cấp ra thị trường phục vụ người mua.

Nếu được tận mắt chứng kiến cả quá trình làm ra một bức tượng ông Táo mới biết được sự vất vả và kỳ công của bàn tay người thợ như thế nào. Từ việc lấy đất, làm đất, in khuôn cho tới nung thành phẩm, những nghệ nhân này cũng phải đổ mồ hôi ròng rã mấy tháng trời. Đất làm ông Táo thường được chủ lò dặn lấy chỗ sạch, thường là đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất và phải mua trước mùa mưa lũ hằng năm.


Muốn có bức tượng ông Công, ông Táo những người thợ thôn Địa Linh phải chọn đất sét vàng và sạch.

Theo kinh nghiệm của những người thợ lâu năm ở đây cho hay, công đoạn khó và vất vả nhất cả quá trình đúc tượng là làm đất. Đất mua về phải được nhồi thật nhuyễn, lọc sạch sạn thật tỉ mĩ trước khi lên khuôn. Khuôn để tạo hình tượng ông Công, ông Táo được làm bằng gỗ. Để quá trình tạo hình tượng không hư hỏng, mang tính thẩm mĩ, người đúc cần phải thường xuyên làm sạch các hoa văn họa tiết được khắc bên trong khuôn đúc.


Trong các khâu, công đoạn nhồi đất là công đoạn khó khăn và vất vả nhất.

Khi mới đúc tượng, đất thường rất dẻo và chưa cố định về hình dạng. Lúc này, người thợ phải cẩn thận gia công lại bằng tay, đặt nhẹ xuống đất hoặc thanh gỗ để tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng. Sau đó tượng được phơi nắng đến lúc ráo mới cho vào lò nung, và công đoạn xếp tượng vào lò nung cũng quan trọng không kém, nên đòi hỏi kinh nghiệm cũng như tính cẩn thận.

Theo đó, một mẻ tượng trước khi thành phẩm thường được nung và làm nguội trong 2 ngày. Khi ra thành phẩm thì quét sơn, vẽ màu lên tượng để tăng tính thẩm mĩ.


Những hình tượng được người thợ đem đi phơi ráo, sau đó mới cho vào lò nung.

Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tượng được sơn các màu khác nhau, nhưng đa phần các ông Táo được sơn màu đỏ thẫm hòa hơi loãng. Sau đó, dùng tay tì mạnh cọ và quét đi quét lại nhiều lần để sơn thấm đều. Nếu người lành nghề mỗi ngày có thể quét khoảng một ngàn ông Táo.


Đa phần ông Táo được sơn màu đỏ thẫm pha hơi loãng.

Được biết, hiện trên thị trường thường có hai loại hình ông Táo, thứ nhất là ba ông Táo rời, lớn nhỏ đủ kiểu. Có bộ cao lớn có thể bắc soong, nồi nấu nướng hàng ngày. Thứ hai là bộ ông Táo liền nhau để thờ cúng trên gian bếp mà thôi.

Anh Hoàng Bá Bôn, một người thợ làm ông Táo chia sẻ: “Từ thời điểm tháng mười âm lịch đều đã có khách đặt trước để trữ hàng bán dịp Tết, nếu hàng đặt nhiều quá thì người ta sẽ đến tận nhà để lấy. Những mẻ hàng ra lò được chở đi bỏ mối khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam. Mỗi sản phẩm chính là tâm huyết và công sức từ đôi bàn tay người thợ làng Địa Linh làm nên”.


Sau khi sơn quét, ông Táo được đem đi phơi, do trời không nắng nên việc phơi ông Táo rất khó khăn.

Trước đây, hầu như trong làng Địa Linh nhà nào cũng làm ông Táo nhưng so với công việc nhọc nhằn mà hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp nên nhiều người đã “giải nghệ”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện ở thôn Địa Linh chỉ còn 5 hộ gia đình làm “ông Táo”, trong đó có 4 anh em là ông Võ Văn Nam, Võ Văn Đức, Võ Văn Dật và Võ Văn Hay còn bám trụ với nghề mà ông cha truyền lại để phục vụ cho nhu cầu của người dân “tiễn đưa các Táo về trời”.


Dù mới xuất hiện nhưng tượng ông Táo được sơn màu, vẽ kim tuyến đang được thị trường ưa chuộng.

Ông Võ Văn Nam, người đã có thâm niên hơn 30 năm đúc tượng ông Táo cho biết: “Ông Táo sau khi hoàn thành sẽ được các thương lái thu mua với giá từ 500 – 2.000 đồng/tượng, trừ tất cả các chi phí từ mua đất, bao bì và sơn, rồi đến cả ngày làm quần quật từ sáng đến tối tiền công được khoảng 50.000 đồng.

Bộ tượng ba ông Táo, qua một năm sẽ được thay mới trên bàn thờ trong các gian bếp một lần. Mặc dù vẫn chưa bị thất truyền nhưng để mưu sinh bằng nghề thì không đủ sống, phải làm thêm các nghề khác. Cái nghề gia truyền của ông cha để lại nên cũng cố gắng để gìn giữ, nhưng không biết các thế hệ con cháu sau này có còn giữ được hay không?”.


Ông Táo được xếp vào thùng để đưa đi bỏ sỉ cho các thương lái.

Cứ mỗi dịp xuân về, người dân xứ Huế lại chờ đón những bức tượng ông Công, ông Táo từ chính bàn tay của những người thợ Địa Linh xứ Huế. Để đến ngày 23 tháng chạp tiễn ông Táo cũ, đón ông Táo mới và đón một năm mới ấm áp với nhiều hy vọng hơn.

PHI HOÀNG - THỦY TIÊN

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>