menu_open
Lễ dựng nêu ở một nhà người Huế
02/02/2022 2:14:53 CH
Xem cỡ chữ:
Thời Nguyễn, vào cuối năm âm lịch, thường từ ngày 23 hoặc ngày 25 tháng Chạp, triều đình làm lễ đóng gói ấn tín (phong ấn) rồi dựng nêu (Thướng tiêu), bắt đầu kỳ nghỉ tết kéo dài trong khoảng hai tuần, đến ngày mùng 7 tháng Giêng, sau lễ hạ nêu, mở gói ấn tín, công việc năm mới mới thực sự bắt đầu.

Lễ dựng nêu trong Hoàng cung cũng chính là tín hiệu báo ra để dân gian biết triều đình bắt đầu nghỉ tết, người dân theo đó cũng làm lễ dựng nêu, chuẩn bị đón tết về.

“Tết từ trong ấy ban ra”…

Cho đến nay tục dựng nêu đón tết vẫn được một số gia đình người Huế duy trì. Gia đình của GS.TS Thái Kim Lan ở dưới chân chùa Thiên Mụ, thuộc vùng đất cổ Kim Long vẫn giữ được mỹ tục này.

Năm nay, nhà GS. Kim Lan tổ chức dựng nêu vào ngày 27 tháng Chạp. Dịch giã còn phức tạp nên bà chỉ mời những người bạn thân thiết, vốn rất gắn bó với phong tục truyền thống và yêu văn hóa đến dự.

Đúng 8 giờ sáng, bên cây nêu là một cây tre xanh già rất dài được róc sạch sẽ, chỉ chừa một túm lá trên ngọn, một án thờ nhỏ được bày biện trang nghiêm giữa trời, nhà sư trẻ Pháp Như trổ tài thư pháp với những câu đối của gia chủ mới cảm tác, rồi thành kính viết câu niệm chú “Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” lên dải lụa đỏ dùng làm phướn.

Một nhà sư khác được gia chủ mời tới làm lễ, sau khi ông thành kính niệm chú trước án thờ, gia chủ được mời vào hành lễ, trình tự hầu như không khác gì nghi lễ dựng nêu trong cung, chỉ khác là mang màu sắc Phật giáo, cũng vốn là cái gốc của tục dựng nêu ngày tết. Cùng lúc đó chùm chuông gió và phướn lụa được buộc vào đầu ngọn tre, rồi cây nêu được nhóm thanh niên hè nhau dựng lên thật thẳng, chôn chặt gốc để tránh gió làm đổ. Lễ thành. Chủ khách hoan hỉ cùng nhau chụp ảnh, ghi hình lưu niệm rồi quây quần bên mấy mâm bánh bánh trái truyền thống đã bày sẵn dưới mấy cây nhãn cổ thụ. 

Năm nay, ngoài bánh ngũ sắc (bánh màu pháp lam), món bánh rất quý mà gia chủ đã công phu chuẩn bị còn có bánh nậm, bánh lọc từ Sịa gửi vào, ngon lạ. Khu vườn rộng hơn mẫu ta (5000m2) rộn rã tiếng cười nói, khí xuân ngập tràn.

Trong màu xanh của cây lá lấp lánh ánh vàng của hoàng mai, màu nâu trầm của mái ngói cổ, và nổi bật vẫn là cây nêu cao vút với dải phướn rực đỏ ...

Xuân đến thật rồi. Một mùa xuân thật tươi tắn, quyến rũ trong nét đẹp truyền thống. Và ở Huế, luôn có sắc thái riêng.

“Huế luôn luôn mới”.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đã phát hiện và trao cho Huế slogan này ngót 40 năm trước. Và mỗi khi sống chậm lại để chờ đợi một mùa xuân mới, ta lại càng nhận rõ điều này.

Chào mùa Xuân!

TS. Phan Thanh Hải
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>