menu_open
Những địa điểm đẹp để chụp ảnh với hoa tại Huế
03/04/2017 11:08:34 SA
Xem cỡ chữ:
Là mảnh đấy miền Trung nắng gió nhưng xứ Huế được thiên nhiên bạn tặng cho lượng mưa dồi dào, đất đai trù phú quanh năm được bồi đắp từ dòng sông Hương thơ mộng. Bởi vậy, du lịch Huế vào mùa nào, du khách cũng đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vô khối các loài hoa, thân thuộc đến nỗi đã trở thành tên gọi gắn liền với từng địa danh tại Cố đô. Dưới đây là một số gợi ý cho mọi người khi tới Huế.

Hoa cải Kim Long

Vào độ cuối tháng 12 Âm lịch cho đến tận tháng 2, 3, khắp cánh đồng Kim Long trải đầy hoa cải, vàng rực rỡ.

Hoa cải Kim Long được người dân trồng và giữ trên cánh đồng để lấy giống sau khi đã thu hoạch để bán, vì vậy nếu tới đây chụp hình, bạn chỉ cần đi cẩn thận, không làm hư hại cây giống của họ thì sẽ được đón tiếp rất niềm nở, nhiều lúc là được chụp hình miễn phí.

Hoa ngô đồng

Hoa ngô đồng Đại Nội Huế

Hoa ngô đồng là một loài hoa vương giả, xưa kia chỉ dành cho các bậc vua chúa thưởng lãm vì sự quý hiếm lẫn ý nghĩa đặc trưng.


Ngô đồng trong đêm

Vào độ tháng 3, tháng 4 hằng năm, Đại Nội Huế đẹp hơn bao giờ hết vì sắc hoa ngô đồng. Hoa ngô đồng không rực rỡ, chỉ nhẹ nhàng một sắc tím pha hồng và có hương thơm dịu nhẹ. Hoa nở thành từng chùm và rất dễ rụng, tuy nhiên cho đến lúc hoa rụng xuống, sắc tím đó vẫn không phai mà tạo thành một thảm hoa với sắc màu kiêu sa, đầy hoài niệm.

Hiện nay, người ta đã bắt đầu nhân giống để bảo tồn loài hoa quý này, nhưng cũng chỉ một số nơi mới có hoa ngô đồng mọc tập trung như: khuộn viên điện Cần Chánh, vườn Cơ Hạ - Đại Nội Huế, công viên Thương Bạc và công viên Tứ Tượng.

Điệp anh đào Quốc Học

Vào độ tháng 2, sân trường Quốc Học Huế lãng mạn hơn với sắc hồng của loài hoa Điệp anh đào. Đẹp đến nỗi học sinh Quốc Học gọi thời điểm điệp anh đào nở là "mùa mây hồng".


"Mây hồng" trong khuôn viên Quốc Học


Điệp anh đào còn có tên gọi đỗ mai.

Hoa tạo nên một không gian lãng mạn, thơ mộng, không chỉ là nơi chụp hình quen thuộc của những bạn trẻ mà còn lưu vào ký ức của biết bao thế hệ học trò Quốc Học.


Muồng hoa đào An Cựu

Muồng hoa đào có màu hồng phấn pha trắng, mắt, nhị hoa có màu vàng, nhụy cong. Hoa thường nở từng chùm và mọc kín cành cây thành từng dải dài đẹp hút mắt.

Chụp hình với mùa hoa muồng hoa đào

Muồng hoa đào nở hoa vào tháng 5. Dọc hai bờ sông An Cựu “nắng đục mưa trong”, muồng hoa đào được trồng rất nhiều, tạo nên một vẻ thanh mát, lãng mạn “rất Huế”. Đứng từ cầu Kho Rèn, Nam Giao nhìn về hai con đường Phan Đình Phùng và Phan Chu Trinh để ngắm hoa hoặc ghi lại những hình ảnh đẹp, thật không còn gì đẹp bằng.

Hoa phượng cầu Trường Tiền

Không biết tự bao giờ, hình ảnh cây hoa phượng bên chân cầu Trường Tiền đã đi vào thơ, nhạc, trở thành hình ảnh đặc trưng về Huế trên các phong bì, tem thư… và trong cả ký ức của những ai đã, đang và cả chưa từng ở Huế.

Trên con phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, vào mỗi mùa thi đi qua, những tà áo dài nữ sinh lại có dịp tung tăng để ghi lại những hình ảnh đẹp, cùng cây cầu nổi tiếng và tất nhiên, trong đó có cả cây hoa phượng rực một màu đỏ tươi như không bao giờ cũ.

Hơn cả một loài hoa, hoa phượng soi bóng bên cầu Trường Tiền như một chứng nhân lịch sử, là chốn hẹn hò, là nơi lưu giữ những buồn vui, hoài niệm… Bởi vậy, đây là “điểm đến lý tưởng” bất thành văn cho những người muốn “giữ chút gì rất Huế”.

Ở Huế, hoa phượng còn được trông rất nhiều nơi như đường Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn dọc sông Hương, công viên Thương Bạc... nhưng không nơi nào có sức cuốn hút như hoa bên chân cầu Trường Tiền được.

Bằng lăng đường Trường Chinh

Tháng 4 đến, tháng 5 về, khắp các ngả đường xứ Huế đều rộ một màu tím bằng lăng.

Ngõ Huế

Bằng lăng tím từ trung tâm thành phố, rẽ nhánh qua vòng xuyến đi về đường Hà Nội, đường Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Quý Đôn; Bằng lăng uốn khúc quanh những con đường nhỏ như Trương Định, Hoàng Hoa Thám, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Đức Thắng… rồi kéo dài tít tắp suốt con đường Trường Chinh, đi về tận An Cựu City rồi rẽ qua đường Nguyễn Tất Thành, vẫn bát ngát một màu tím Huế.

Bằng lăng nở trong lặng lẽ, đến lúc người ta để ý thì màu tím đã ngập kín hết những con đường Cố đô. Bằng lăng nở đâu cũng đẹp, ngày xưa Huế có con đường Lý Thường Kiệt với những hàng bằng lăng cổ thụ, nhưng nay, chỉ còn con đường Trường Chinh là còn giữ được thuần một loài cây: bằng lăng.

Sen Hoàng Thành

Hoa sen thì ở đâu cũng có, nhưng đến với Huế, sen Hoàng Thành vẫn giữ được một vị trí quan trọng. Sen trong Đại Nội, sen quanh hộ thành và cả sen Tịnh Tâm, tất cả đều rất đẹp, một vẻ đẹp sang trọng, tinh khiết, thanh cao…

Hoa sen từ tháng 5 đến tháng 8 ở hồ Tịnh Tâm, quanh Hoàng Thành, lăng Tự Đức... Đặc biệt, ở hồ Tịnh Tâm và Đại Nội Huế có cả sen trắng lẫn sen hồng rất đẹp.

Những con đường phượng vàng

Phượng vàng rất phổ biến ở Huế. Vào độ tháng 4, tháng 5, khắp các ngả đường đều vàng rộ những thảm hoa phượng vàng buông rơi trong gió. Chính những lúc như thế, bạn sẽ tự có những câu trả lời nhất định cho mình vì sao xứ sở nắng gió miền Trung này lại sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ... nổi tiếng nhiều đến vậy.


Muồng Hoàng Yến

Muồng hoàng yến còn có tên gọi là Bò cạp vàng, Osaka, Muồng hoàng hậu, Mai dây…

Ở Huế, muồng hoàng yến mọc điểm xuyết cùng với các loài cây khác, tạo nên những nhấn nhá đẹp mắt với màu vàng tươi tắn, kiêu kỳ. Tuy nhiên cũng có những con đường được trồng nhiều muồng hoàng yến như Phan Bội Châu (đoạn giao cắt với đường Nguyễn Huệ đến chợ Bến Ngự), đường Tôn Đức Thắng, đường Hai Bà Trưng, khuôn viên khách sạn Best Western Premier Indochine và trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Huế, luôn thu hút những người đam mê nhiếp ảnh.

 

Muồng hoàng yến cũng nở rộ cùng thời điểm với hoa bằng lăng.

Phong lan Huyền Không Sơn Thượng

Cách thành phố Huế khoảng 14km, Huyền Không Sơn Thượng từ lâu được xem là một điểm đến đậm chất thiền tại Huế. Nép mình giữa bốn bề núi non tại thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), ngôi chùa nhỏ nhắn được bao bọc với vô kể các loại hoa, trong đó đặc sắc nhất là phong lan.

Lộc vừng, súng là những loài hoa đẹp ở Huyền Không Sơn Thượng

Nhưng đặc sắc nhất là những giò phong lan độc đáo

Huyền Không Sơn Thượng sở hữu hàng trăm lại phong lan với những màu sắc đặc biệt. Chụp hình cùng phong lan là một sở thích chung của các du khách khi đến với chốn thâm sơn này.

Hoa gạo

Cây hoa gạo ở Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) - 06 Lê Lợi, Tp. Huế

"Tháng 3 hoa gạo cháy sau lưng". Đúng độ, hoa gạo bung nở trong lặng lẽ, rực sáng một góc trời Cố đô. Tuy nhiên, có một vài điểm bạn không nên bỏ lỡ chụp hình nếu có cơ duyên đến Huế vào tháng 3 như: Cung An Định, chân cầu Dã Viên, Thư viện Tổng Hợp Thừa Thiên Huế và Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế...

Hoa gạo bên chân cầu Dã Viên (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Liễu cung An Định

 

Trong khuôn viên Cung An Định, nổi bật nhất là những hàng liễu đỏ rực rỡ tháng 3. Được chụp ảnh với hành lang thiên nhiên này giống như thiên đường vậy.

Ngoài những loài hoa trên, chúng ta vẫn có thể kể đến hồng mai (Nhất Chi Mai) vào tháng 3, 4 ở các khu suối nước nóng như Thanh Tân, Mỹ An và các chùa; hoa tường vy vào tháng 4, 5 ở đường Lê Ngô Cát; hoa phượng tím ở đường Nguyễn Trường Tộ giữa 2 trường Quốc Học và Hai Bà Trưng; hoa Vô Ưu ở chùa Thiên Mụ...

Hoa Vô Ưu mọc trong khuôn viên chùa Thiên Mụ (Ảnh: Ngọc Bích)

Cánh đồng hoa hướng dương ngoại ô thành phố Huế

Không cần phải đến tận Nghệ An để chụp ảnh với cánh đồng hoa hướng dương. Hiện nay, tại Huế cũng có một cánh đồng hoa hướng dương cũng đẹp không kém, đó là Nông trại hữu cơ Bạch Dương của tiến sỹ Nguyễn Văn Đức - giảng viên trường Đại học Nông Lâm Huế cùng các học trò trồng nên.

Cánh đồng hoa hướng dương ở Huế nở rộ vào tháng 3, thu hút đông đảo người dân Huế tới tham quan, chụp ảnh (Ảnh: Hồ Cầu/ TTXVN)

Cánh đồng hoa hướng dương này thuộc xã Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế (Ảnh: Võ Thạnh/VnXpress)

Hy vọng rằng những gợi ý trên sẽ giúp mọi người khám phá Huế theo một góc độ riêng nhưng vẫn là Huế: thơ và mộng.