menu_open
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân
11/09/2021 8:32:28 SA
Xem cỡ chữ:
Nằm dưới chân núi Ngũ Phong (thuộc phường An Tây, thành phố Huế), Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (thường được người dân Huế quen gọi là Đền Huyền Trân hay Đền Huyền Trân công chúa) là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế, cũng là một điểm đến giáo dục lý tưởng về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" để nhân dân Thừa Thiên Huế ôn lại sự kiện lịch sử gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân và ghi nhớ công ơn với các bậc tiền nhân có công mở cõi, trong đó có Công chúa Huyền Trân.

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

Điểm đến tâm linh của Xứ Huế

Địa chỉ: 151 Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế
Điện thoại: 0234 389 5558
Website: trungtamhuyentran.thuathienhue.gov.vn

Lịch sử hình thành và xây dựng

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng vào năm 2006, đến năm 2007 thì hoàn tất và đi vào hoạt động nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế. Đây là công trình được xây dựng nhằm tri ân công lao mở cõi của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân (ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu).

Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông là kết tình hoà hiếu với lân bang, Huyền Trân Công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Món quà sính lễ mà Vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, châu Lý. Huyền Trân về làm dâu Chiêm Thành thì dân hai châu Hoan, Ái (Thanh Hoá, Nghệ An) cũng rầm rộ kéo nhau vào tiếp nhận hai châu Ô, châu Lý. Được đã sáp nhập vào nước Đại Việt, Châu Ô đổi thành châu Thuận, châu Lý đổi thành châu Hoá, nhân dân thường gọi chung là Thuận - Hóa (vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam ngày nay). Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị ngày nay) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay) thuộc Thuận Châu xưa. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Hóa Châu xưa.

Một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được nên sai tướng Trần Khắc Chung vờ sang viếng để cứu công chúa trở về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) sau khi về đến đất Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã quy y vào cửa Phật, có pháp danh là Hương Tràng.

Ngày mồng 9 tháng Giêng năm 1340, Bà ngọa bệnh rồi qua đời tại chùa Nộn Sơn (Nam Định), dân làng thương tiếc lập đền thờ bà bên cạnh chùa, bà được tôn gọi là Thần Mẫu. Trong thời gian tu hành, bà đã giúp dân các vùng lân cận dựng làng lập ấp. Tương truyền bà đã lập ra 36 ngôi làng ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì vậy cho đến nay, bà vẫn là một trong ba vị Thành hoàng được thờ tại xã An Ninh (làng Dành – nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bởi làng Dành chính là một trong những ngôi làng được bà góp sức dựng nên. Trải các triều đại bà được bao phong là Trung đẳng thần. Đến thời Nguyễn, bà được sắc phong là Trai tĩnh Trung đẳng thần vì có nhiều linh ứng và có công trong việc giữ nước giúp dân, đền thờ Bà được lập trên núi Ngũ Phong ở Huế.

Cứ vào dịp mồng 9 tháng Giêng hằng năm, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân diễn ra Lễ hội đền Huyền Trân công chúa để tri ân công đức của Bà vì sự phát triển của nước Đại Việt, thu hút hàng ngàn lượt người là du khách trong nước, quốc tế và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái.

Kiến trúc và nét đặc trưng

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân có diện tích rộng đến 28,5ha, là một quần thể kết hợp nhiều công trình kéo dài từ chân núi Ngũ Phong lên đến đỉnh, bao quanh là rừng thông và đồi núi điệp trùng.

Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đó là 3 bậc sân khá rộng được lát bằng gạch Bát Tràng, có cả hồ nước và cây cầu nhỏ bắc qua tương tự như cây cầu Trung Đạo được bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa trong kinh thành Huế; tiếp đến nữa là khu vực tam quan và trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tất cả các công trình đều nằm trên một trục thẳng.

Phía bên trong đền thờ có pho tượng mô phỏng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2.37m, được đúc bởi các nghệ nhân nổi tiếng của phường Đúc, Tp.Huế. Hậu điện có thờ Đoàn Nhữ Hài, người được cho đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, ông còn là vị quan của người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này được từ Chiêm Thành sáp nhập vào Đại Việt.

Trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trâncòn có nhiều công trình kiến trúc khác, như là: Tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m và được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1.6 tấn và cao 2.16m do những nghệ nhân phường Đúc chế tác. Tiếng chuông ngân lên như lan toả vào cõi nhân gian tĩnh lặng mang lại cho con người những phút giây thư thái và bình yên. Trên con đường đi lên Tháp chuông Hòa Bình, bạn sẽ còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi.

Bên cạnh đó, để tưởng nhớ vị sư tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – Đức Vua Trần Nhân Tông, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã tiến hành xây dựng hoàn chỉnh để nơi này trở thành một khu du lịch văn hoá tâm linh, một địa chỉ du lịch Thiền của quốc gia. Nơi đây còn có một số hạng mục công trình khác như: Nhà thư pháp; Nhà phong lan, Thiền đường, Thư viện để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông, Huyền Trân Công Chúa… cùng các nhân vật anh hùng khác dưới triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm qua các Triều đại, văn hoá Huế và lịch sử văn hoá kiến trúc của Chămpa…

Đỉnh cao cho sự khéo léo, tinh tế và tài hoa của những nghệ nhân Huế đó chính là đôi rồng chầu trước điện thờ vua Trần Nhân Tông. Đôi rồng chầu được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với chiều dài 108 mét. Con số 108 mét cũng là chiều cao của ngọn núi Ngũ Phong (so với mực nước biển).

Thưởng lãm

Bước lên 246 bậc cấp để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và tháp chuông Hòa Bình, từ đây, ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn bao quát cả thành phố Huế rất đẹp, nhất là vào buổi chiều tà. Ý nghĩa của cụm từ "Thế giới - Hòa Bình - Nhân loại - Hạnh phúc" cùng hình ảnh của 4 chùa: Giác Lâm, Thiên Mụ, Diên Hựu và chùa Trúc Lâm Yên Tử được in nổi trên quả chuông đem lại cho ta những chiêm nghiệm về sự hòa hợp và hội tụ.

Với những giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc và giá trị văn hóa đó, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là điểm đến lý tưởng để học tập, tham quan, nghiên cứu, để chiêm bái và để tự hào hơn về những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã để lại.