menu_open
Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An
24/10/2024 9:08:11 SA
Xem cỡ chữ:
 Đặng Thị Thu An bên tác phẩm của mình
Họa sĩ Đặng Thị Thu An là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ họa sĩ 8X đầy triển vọng của xứ Huế. Với những tác phẩm mang đậm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, đặc biệt khắc họa hình tượng người phụ nữ, tà áo dài, chị đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong nền hội họa đương đại Việt Nam.
 Đặng Thị Thu An bên tác phẩm của mình

Hơn 20 năm cầm cọ, chị đã tìm cho mình một con đường khác, bằng cách quan sát và chiêm nghiệm câu chuyện của những người phụ nữ có duyên gặp gỡ và trải nghiệm trong cuộc sống. Trong tranh của chị, người phụ nữ không bao giờ mang một vẻ đẹp cố định như chị chia sẻ: “Những người tôi tiếp xúc hàng ngày đều mang những cá tính khác nhau: Có người rất thùy mị, có người nổi trội và có người vừa dễ thương vừa kiêu kỳ. Do đó, không có lý do gì để bó buộc mình vào một hình tượng rập khuôn trong ngôn ngữ nghệ thuật mà là một dòng chảy liên tục, luôn biến đổi”.

Tác phẩm của Đặng Thị Thu An thường khắc họa những hình ảnh phụ nữ trong những khoảnh khắc tinh tế, thể hiện vẻ đẹp nội tâm thầm kín. Chị sử dụng màu sắc rực rỡ và những đường nét mềm mại để tạo nên vẻ quyến rũ và dịu dàng, đồng thời thể hiện những cảm xúc đa dạng từ niềm vui đến nỗi buồn. Điều này không chỉ thể hiện kỹ thuật vẽ, mà còn cho thấy sự sâu sắc trong tư duy nghệ thuật của chị.

Nhìn chung, tất cả các bức tranh của chị đều mô tả người phụ nữ trong trang phục áo dài hoặc trong dáng vẻ kiêu sa, hiền thục. Các nhân vật trong tranh đều mang phong cách cách điệu với những đặc điểm cơ thể thanh thoát, khuôn mặt thường có dáng vẻ hơi dài và nét vẽ mềm mại. Điều này tạo cảm giác phi thực, mang tính nghệ thuật cao, giúp truyền tải những ý niệm về vẻ đẹp, sự thiêng liêng và sự tĩnh lặng. Mỗi tác phẩm đều được chăm chút trong cách sử dụng màu sắc. Chúng đa dạng nhưng không hề chói lóa, từ tông màu ấm nóng như đỏ, vàng cho đến tông màu mát như xanh và hồng. Các màu sắc này vừa tạo sự tương phản mạnh mẽ, vừa hòa quyện với nhau để tạo ra một bố cục cân bằng và hài hòa.


Một trong những tác phẩm của Đặng Thị Thu An

Đặng Thị Thu An rất quan tâm đến yếu tố màu sắc trong tác phẩm: “Cá nhân tôi cũng thường sử dụng màu vàng trong tranh, nhưng khi người xem quan sát, họ sẽ nhận thấy rằng sắc vàng này không bị lạm dụng, mà vẫn giữ được nét cổ kính của Huế, đồng thời toát lên vẻ phóng khoáng”. Màu sắc không bị đọng lại, khi nhìn vào, ta cảm nhận được sự ấm áp của nó, hay thậm chí là sự huy hoàng của cả một triều đại. Sự hiện diện đáng kể của màu vàng được Đặng Thị Thu An sử dụng nó một cách có chủ đích, nhằm thể hiện tính sang trọng và tôn nghiêm của quá khứ vương triều Nguyễn lan tỏa trong bức tranh. Một đặc điểm khác là bố cục tranh coi trọng sự đối xứng và hài hòa, các nhân vật nữ trong tranh thường được đặt ở vị trí trung tâm, với các đường nét uốn lượn và mềm mại. Sự đối xứng và cân đối trong bố cục tạo nên sự thanh lịch và nhã nhặn.

Dường như chị đã tìm thấy giá trị riêng trong mỗi cô gái mà mình có thể khai thác và tận dụng để đưa vào tác phẩm nghệ thuật một cách sống động, phản ánh nội tâm khi nhìn nhận vẻ đẹp theo hướng hình thể. Như vậy, góc độ nhìn nhận các tác phẩm là không có giới hạn, nếu để người khác đánh giá hình tượng thiếu nữ bên trong mình, có lẽ cũng chỉ đúng một phần nào đó trong các tác phẩm chị đã thể hiện. Có thể nói, hình tượng phụ nữ đương đại mà chị theo đuổi không còn gò bó trong những định kiến cũ, mà vượt rào đưa đến những giá trị nhân bản, khai phóng.

Một trong những tác phẩm nổi bật của chị là “Ngũ sắc”, đã được vinh danh tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần VII (2018 – 2023), khẳng định tài năng và tầm nhìn nghệ thuật của chị. “Ngũ sắc” tập trung vào hình tượng phụ nữ, tà áo dài, những chú mèo và gam màu đầy tính tương phản, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Những người phụ nữ trong tranh được vẽ với dáng vẻ thướt tha, nhẹ nhàng và thần thái suy tư, sâu kín. Họ được thể hiện trong những màu sắc tươi sáng, tương phản mạnh như xanh lá cây, đỏ, vàng, hồng và xanh dương, mỗi người đều đi kèm với một chú mèo có màu sắc tương đồng. Các nét vẽ mềm mại, uyển chuyển tạo cảm giác bay bổng, cùng với những gam màu rực rỡ làm nổi bật vẻ đẹp của trang phục áo dài và người phụ nữ. Chúng tôi chú ý đến những chú mèo dường như đại diện cho tính cách vừa sinh động, vừa dịu dàng nhưng độc lập, tạo thêm chiều sâu cho tính cách nhân vật. Hình ảnh một con mèo với những hành động cào cấu, ve vuốt hay đi lại đều mang đến sự uyển chuyển, mềm mại và quyến rũ, điều này có thể liên tưởng đến vẻ đẹp của người phụ nữ.

Chị cho rằng: “Khi sử dụng hình ảnh con mèo, tôi thường nhân hóa chúng, không chỉ là một con mèo thực sự, mà qua đó, tính cách của mỗi người con gái sẽ được thể hiện một cách rõ nét. Tôi luôn thích sử dụng hình ảnh một đối tượng nào đó, sau đó nhân hóa chúng và kết hợp với những hình ảnh khác. Sự kết hợp giữa phụ nữ và loài mèo chính là một ví dụ điển hình cho cách tôi thể hiện ý tưởng này”. Nhìn chung, “Ngũ sắc” là một tác phẩm có tính sáng tạo cao về màu sắc, chi tiết và bố cục, đồng thời sở hữu giá trị thẩm mỹ sâu sắc, phản ánh vẻ đẹp truyền thống và hiện đại một cách tinh tế.

Họa sĩ Đặng Thị Thu An chia sẻ: “Tôi không chỉ khai thác đặc trưng của văn hóa, mà muốn tạo ra sự khác biệt trong sáng tạo. Tôi muốn sử dụng hình tượng con người mang hơi thở của thời đại mới. Khi ta sống trong một thời đại nhất định, chúng ta nên nhìn nhận từ góc độ của thời đại đó về nhiều vấn đề, trong đó bao hàm cả hình tượng nghệ thuật. Chúng ta có quyền sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa xưa, nhưng nếu cứ giữ mãi những kiểu tư duy bó hẹp, thì điều đó sẽ không còn phù hợp với thời đại mà chúng ta đang sống”.

Lê Vũ Trường Giang
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>