menu_open
Vun đắp tình yêu di sản văn hóa Huế từ hoạt động trải nghiệm
14/11/2022 9:36:58 CH
Xem cỡ chữ:
Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung trong một chương trình dã ngoại tại Hoàng cung triều Nguyễn (Ảnh: Bảo Minh)
Các em học sinh mang áo dài ngũ thân tham quan, học tập tại khu di sản Huế là một hoạt động thiết thực giúp các em học sinh có cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, vun đắp tình yêu đối với di sản, truyển thống văn hóa, trân trọng đối với những giá trị quý báu của dân tộc.
Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung trong một chương trình dã ngoại tại Hoàng cung triều Nguyễn (Ảnh: Bảo Minh)

Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc trưng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau (Di sản vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Di sản tư liệu: Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế). Với khối lượng và hàm lượng di sản văn hóa như vậy, cùng với định hướng phát triển Thừa Thiên Huế là một trong số các đô thị lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế, bên cạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ văn hóa, thì đây cũng là một nội dung trọng tâm đã và đang được lồng ghép, triển khai gắn với hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh trên địa bàn tỉnh về các giá trị di sản văn hóa Huế. Thông qua hoạt động ký kết hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo (tháng 11/2019) và gần đây nhất là với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Huế (tháng 8/2022), kế hoạch về khung chương trình Giáo dục Di sản - Văn hoá - Nghệ thuật triển khai trong các trường học trên địa bàn tỉnh, thành phố Huế từng bước được triển khai một cách sâu rộng, phong phú, tạo sự hứng thú trong các nhà trường cũng nhưng từng em học sinh các cấp. Thông qua nhiều hình thức học tập lồng ghép trải nghiệm phù hợp cho từng đối tượng học sinh các cấp từ bậc mầm non tới Trung học phổ thông, các em học sinh có cơ hội gần hơn để tiếp xúc, tìm hiểu và khám phá các giá trị văn hóa Huế một cách trực quan, sinh động. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phạm Đình Phong, giáo dục di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường. Để phát huy tích cực, các mô hình cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các nhà trường cần tạo điều kiện, bố trí thời gian để học sinh tham gia; còn đơn vị quản lý di tích cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, để có thêm nhiều chương trình hấp dẫn, lý thú, khơi dậy tình yêu di sản trong giới trẻ.

Thời gian qua, ngành giáo dục và ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp hữu hiệu đế đưa di sản vào trường học như truyền dạy Ca Huế, thành lập các CLB Ca Huế và các CLB nhạc cụ dân tộc tại các trường học, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tham quan, tìm hiểu di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, các buổi giao lưu trải nghiệm biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa Huế tại các trường học…  Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có chính sách miễn vé tham quan di tích đối với học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nên đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các giờ ngoại khóa để học sinh tìm hiểu về di sản văn hóa.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức nhân cách và truyền thống văn hóa Huế cho học sinh, với các nội dung chính: xây dựng giáo trình hỗ trợ giáo dục lịch sử văn hóa và con người Huế; tổ chức trải nghiệm di sản và tập huấn giáo viên về tích hợp giảng dạy lịch sử văn hóa và con người Huế… Đồng thời, trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo dục địa phương chiếm 20%  thời lượng nội dung và là chương trình chính khóa.


Học sinh trường Tiều học Trần Quốc Toản mang áo dài tham gia quảng diễn tại Festival Huế 2022, không chỉ trải nghiệm, các em là một phần của lễ hội

Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh các trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế khi tham quan học tập sẽ được tìm hiểu về lịch sử các vị vua chúa nhà Nguyễn, các khu lăng tẩm và các điểm di tích thuộc di sản Huế; Được tìm hiểu các tiết mục nhã nhạc, múa hát cung đình, một số nhạc cụ trong hệ thống nhạc cung đình xưa và thưởng thức các tiết mục do các diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình biểu diễn. Bên cạnh đó, tham quan, tìm hiểu các cổ vật cung đình triều Nguyễn đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và khám phá những bức tranh tường độc đáo tại Cung An Định, được trải nghiệm các chương trình nghệ thuật, trò chơi cung đình… Ngoài ra, còn có các tiết học về giáo dục lịch sử, di sản, nghệ thuật, văn hoá truyền thống theo thời khoá biểu thống nhất cho từng trường.

Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại; từ đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của thế hệ trẻ. 

Dưới đây là một số hình ảnh học sinh mặc áo dài ngũ thân tham quan Đại Nội Huế (Ảnh: Bảo Minh):

Video Youtube:

Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>