Nhìn lại hành trình 1 năm qua, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế cho biết: Năm 2024 đánh dấu một năm có nhiều thành tựu mang tính đột phá của TTBTDT Cố đô Huế, nhiều công trình kiến trúc trọng điểm đã hoàn thành trùng tu, phục hồi, nhiều công trình trong diện tiêu biểu được khởi công. Nhiều loại hình dịch vụ được triển khai, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ đã được áp dụng, góp phần đưa Di sản Huế đến gần hơn với nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, hình hài của một kinh đô xưa đã được tái hiện một cách rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế chia sẻ thông tin với đội ngũ báo chí và truyền thông tại chương trình
Công tác trùng tu, phục hồi di tích được tiến hành một cách bài bản, khoa học, tuân thủ các quy định, nguyên tắc bảo tồn di sản của UNESCO; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định của pháp luật liên quan. Các công trình sau khi hoàn thành trùng tu đều được các chuyên gia, dư luận trong và ngoài nước đánh giáo cao, tạo thành những điểm nhấn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, tiêu biểu như Điện Kiến Trung, Điện Thái Hòa, Hải Vân Quan…
Trong hoạt động biểu diễn và sân khấu hóa các nghi lễ cung đình, TTBTDT Cố đô Huế đã tổ chức hàng trăm chương trình biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể như Nhã nhạc, Múa và Tuồng cung đình, góp phần quảng bá rộng rãi âm nhạc cung đình Việt Nam – Di sản Thế giới.
Các hoạt động lễ hội đặc trưng trong khu di sản Huế là lực hút đối với du khách khi đến với Cố đô
Đồng thời, nhiều nghi lễ lớn được tổ chức thành công như lễ tế Xã Tắc, Nam Giao, Đàn Âm Hồn; lễ hội Điện Huệ Nam; lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát và tái hiện sân khấu hóa các nghi lễ cung đình tiêu biểu: Lễ Thiết Triều, Lễ Ban Sóc, Lễ Đổi Gác... Những hoạt động này không chỉ giúp quảng bá văn hóa, thu hút du khách mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản.
Đối với hoạt động nghiên cứu và xây dựng hồ sơ di sản, Trung tâm đã hoàn thành 04 hồ sơ khoa học công nhận Bảo vật Quốc gia, gồm: Chuông Ngọ Môn (1822), Phù điêu thời Minh Mạng (1829), Tượng rồng thời Thiệu Trị (1842), và Ngai Hoàng đế Duy Tân (đầu thế kỷ XX).
Đơn vị cũng hoàn thành hồ sơ Khâm Thiên giám và Phủ Phụ chính, bao gồm việc khoanh vùng bảo vệ, trình Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia. Hồ sơ Lễ tế Xã Tắc cũng đã được đề xuất công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, Trung tâm đang thực hiện hồ sơ di tích Kỳ Đài, bổ sung hồ sơ Văn Minh – Võ Hiển, đồng thời phối hợp thực hiện đề án Quy hoạch bảo quản, tu bổ Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Thành tựu nổi bật nhất là việc xây dựng hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” và bảo vệ thành công tại Hội nghị Mowcap lần thứ 10. Ngày 8/5/2024, di sản này chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trở thành niềm tự hào của Huế và Việt Nam, khẳng định vị thế với danh hiệu “Một điểm đến, 8 di sản”.
Ngoài ra, TTBTDT Cố đô Huế đã xây dựng hồ sơ Lễ hội Điện Huệ Nam trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 10/12/2024.
Chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các giải pháp số tạo nên môi trường du lịch thân thiện, hiện đại, an toàn và chất lượng cho du khách khi đến Huế
Kể từ năm 2024, TTBTDT Cố đô Huế có thêm nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức Festival Huế. Trung tâm đã tham mưu, phối hợp tổ chức thành công Festival Bốn mùa. Đặc biệt, Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển” đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo dấu ấn đặc sắc và lan tỏa trong lòng người dân và du khách, góp phần đem đến cho khán giả bữa tiệc nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, giàu văn hóa, qua đó thể hiện ước vọng về một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc. Qua đó, Trung tâm tiếp tục đà tăng trưởng về số lượng khách năm 2024 đến tham quan tại di tích Huế, nguồn thu từ bán vé tham quan cao hơn năm trước.
Tính đến 31/12/2024, Tổng lượng khách đến tham quan di tích Huế: đạt 2,770 triệu lượt (tăng 19,14% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó: Khách quốc tế: đạt 1,261 triệu lượt (tăng 19,65% so với cùng kỳ năm 2023; cụ thể tăng 206.991 lượt khách); Khách Việt Nam: đạt 1,509 triệu lượt (tăng 18,72% so với cùng kỳ năm 2023; cụ thể tăng 237.949 lượt khách); Tổng doanh thu: 422,238 tỷ đồng (tăng 18,63% so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể tăng 66,3 tỷ đồng); đạt 132,0% so với kế hoạch nhà nước giao.
Tăng cường hoạt động hợp tác đối ngoại để hồi hương cổ vật quý dưới thời Nguyễn
TTBTDT Cố đô Huế đồng thời chú trọng trong hoạt động hợp tác đối ngoại, tạo nên những nguồn lực mới, bổ sung, hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Huế; tăng cường công tác giáo dục di sản, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, Phòng Giáo dục Thành phố Huế triển khai chương trình “Di sản học đường” với chiến lược lâu dài nhằm tạo nên những thế hệ tương lai hiểu biết về di sản, yêu di sản và có ý thức bảo vệ di sản; triển khai đồng bộ nhiều ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số trong khu di sản với Hệ thống vé điện tử, App Di tích Huế, Cổng thông tin điện tử TTBTDT Cố đô Huế, Định danh cổ vật và ra mắt không gian triển lãm văn hóa, Thí điểm xây dựng nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch với mô hình trò chơi tại Hải Vân Quan và Đại Nội Huế,... qua đó gia tăng trải nghiệm và sự thuận tiện cho du khách khi đến tham quan di sản Huế.
Đưa giáo dục di sản vào trường học là một hoạt động mũi nhọn đang được TTBTDT Cố đô Huế nỗ lực thực hiện để gầy dựng tình yêu di sản cho thế hệ trẻ
Trong thời gian tới, TTBTDT Cố đô Huế tiếp tục nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách, góp phần khẳng định vị thế của Huế là điểm đến di sản hàng đầu trong nước và khu vực, xứng đáng là một “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” vươn mình mạnh mẽ với sức sống của một thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.