menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search

Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp

Giới thiệu ấn phẩm mới của Tủ sách Huế: Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam và Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Xem cỡ chữ:
Hai ấn bản được giới thiệu đưa vào Tủ sách Huế
Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, sáng ngày 16/4, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã giới thiệu 02 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế, gồm "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" và "Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Hai ấn bản được giới thiệu đưa vào Tủ sách Huế

Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, đầu năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chọn hai ấn phẩm của ngành Văn hóa để tái bản có bổ sung, đưa vào Tủ Sách Huế, bao gồm "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam" và "Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Cuốn sách “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 10/2020, ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm đón nhận nồng nhiệt của các nhà nghiên cứu, độc giả trong nước. Trong lần tái bản này, cuốn sách đã được nghiên cứu, bổ sung thêm 6 bài viết mới cùng một số hình ảnh để cập nhật thông tin về tình hình triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam, đồng thời cũng bỏ bớt một số bài viết không còn phù hợp. 

Sau hơn một năm kể từ khi được Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao chủ trì nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam", Sở Văn hóa và Thể thao đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và có hiệu quả để quảng bá, tôn vinh và nâng cao thương hiệu Áo dài truyền thống Huế. Các loại hình Áo dài truyền thống của cố đô, đặc biệt là các loại cổ phục như áo ngũ thân tay chẽn, ngũ thân tay rộng, áo Nhật bình... đã có sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, không chỉ tại địa phương mà còn lan rộng trong toàn quốc, thậm chí còn tạo nên một xu thế mới về thời trang trong giới trẻ.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đang tích cực vừa xây dựng để hoàn chỉnh vừa triển khai Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" sau khi Đề cương đề án này được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 2065-QĐ/UBND ngày 19/8/2021). Đồng thời, Sở đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ về Áo dài ngũ thân truyền thống Huế (với hai tiêu chí: Nghề may đo và Tập quán sử dụng áo dài) trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022 (theo Quyết định số 1867/ QĐ-UBND ngày 19/8/2017 của UBND tỉnh); tháng 11/2019, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã biên soạn, xuất bản cuốn “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” nhằm giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật Ca Huế. Các chuyên mục gồm Ca Huế - Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật; Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế trong đời sống đương đại. Sau khi ra đời, cuốn sách “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đã thu hút được đông đảo bạn đọc. Qua những thư từ trao đổi gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao, bạn đọc đã đóng góp nhiều ý kiến hoan nghênh và mong muốn cuốn sách được phát hành rộng rãi hơn, đáp ứng được yêu cầu của các nghệ nhân, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên… muốn nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật Ca Huế. 

Việc được tái bản và lựa chọn đưa vào Tủ sách Huế bên cạnh việc bổ sung nguồn tư liệu quý đến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc trưng của Văn hóa Huế, đặc biệt trong công cuộc phục hưng chiếc Áo dài truyền thống và xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam cũng như tạo luận cứ khoa học vững chắc để xây dựng Bộ hồ sơ Nghệ thuật Ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Trong chương trình "Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022" được tổ chức tại Thư viện Tổng hợp tỉnh (số 29A Lê Quý Đôn, TP. Huế) còn có các hoạt động nổi bật như: Thi sắp xếp sách nghệ thuật, chủ đề “Đọc sách cho ngày mai”; Không gian trưng bày "Huế trong mắt em"; Mở cửa phòng đọc Thiếu nhi và khởi động “Tuần lễ đọc sách miễn phí”; Thi thuyết trình sách chủ đề “Huế trong tôi”... Hội sách thu hút 300 học sinh, sinh viên đến từ các trường học cùng nhiều người dân địa phương tham gia. 

Hoạt động nhằm nâng cao thói quen và kỹ năng đọc sách cho mọi tầng lớp nhân dân, bồi dưỡng tình yêu đối với sách và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Đây cũng là hoạt động góp phần tôn vinh giá trị của sách, người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá các giá trị di sản, văn hóa...; đồng thời khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, góp phần xây dựng xã hội học tập; tạo sân chơi bổ ích để giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm, niềm đam mê đối với sách của các nhà nghiên cứu, các tác giả và những người yêu sách; đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền phát triển Tủ sách Huế, đưa sách đến với cộng đồng.