menu_open
Đồi Vọng Cảnh
31/07/2024 12:00:00 SA
Xem cỡ chữ:
Đồi Vọng Cảnh - điểm dừng chân lý tưởng để thưởng ngoạn cảnh sắc Cố đô.
Địa chỉ: 102 Huyền Trân Công Chúa, Thủy Biều, Thành phố Huế
Thời gian hoạt động: Cả ngày
Giá: Miễn phí

Giới thiệu:

Cùng với Sông Hương, Núi Ngự, Đồi Vọng Cảnh đã đi vào thơ ca, đi vào tâm thức của những người yêu Huế khi nhắc đến mảnh đất Cố đô. Không quá cao để gây khó khăn cho khách bộ hành, không quá xa cho những ai chưa biết lối, đúng như tên gọi "Đồi Vọng Cảnh", đây là điểm đến hàng đầu để ngắm nhìn xứ Huế mộng mơ với non xanh nước biếc, cảnh sắc hữu tình, là nơi được mệnh danh ngắm hoàng hôn đẹp nhất tại Huế.

Vẫn giữ vẻ trầm lặng, bình yên như những gì bất cứ ai cũng nghĩ về Huế, từ Đồi Vọng Cảnh đi tiếp đường Huyền Trân Công Chúa sẽ tới hàng loạt những di tích lăng tẩm các đời vua nhà Nguyễn cùng lăng các hoàng hậu và hoàng tử, vì thế nơi đây được coi là điểm dừng chân lý tưởng tại toàn bộ khu vực trung tâm văn hóa lịch sử phía Tây Nam thành phố Huế để thư giãn, tìm kiếm những giây phút thong dong cùng người thân, gia đình, bạn bè và cho chính mình.

Nét đặc trưng:

Đồi Vọng Cảnh là một ngọn đồi cao 43m ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén được thiết lập từ thời xa xưa ở phía đối ngạn. Tên gọi Vọng Cảnh được các hoàng đế triều Nguyễn xưa đặt nên và thường xuyên lui tới để thưởng ngoạn. 

Ở quanh quất cách đồi Vọng Cảnh khoảng năm bảy trăm mét là lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Tự Đức, lăng vua Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), lăng bà Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long), v.v... đủ minh chứng cho sự trân trọng của Nhà Nguyễn dành cho ngọn đồi này.

Cách đồi Vọng Cảnh khoảng 300m về phía hạ lưu là Nhà máy nước Vạn Niên.

Đường đi đồi Vọng Cảnh tương đối bằng phẳng và dễ đi với rừng thông tỏa bóng mát hai bên đường, càng lên cao bạn sẽ cảm nhận được làn gió mát vi vu thổi bên tai.

Đứng trên đồi Vọng Cảnh, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương. Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và đẹp nhất của dòng sông Hương nổi tiếng để từ đó đi vào thơ ca nhạc họa. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là như vậy.

Hướng dẫn đường đi:

Để đi tới Đồi Vọng Cảnh, từ trung tâm Thành phố Huế, mọi người có thể tìm đường đi tới đường Lê Ngô Cát, chạy hết đường Lê Ngô Cát sẽ có đường Huyền Trân Công Chúa giao cắt, tiếp tục rẽ trái vào đường Huyền Trân Công Chúa rồi chạy xe thẳng đường này khoảng 4km là tới khu vực đồi, mất khoảng 15 phút chạy xe. Ở dưới chân đồi Vọng Cảnh có nhiều điểm giữ xe, nên dù đi phương tiện nào cũng đều thuận tiện, nhưng phương tiện phổ biến mất vẫn là xe máy. Gửi xe xong là mọi người đã có thể tản bộ lên Đồi Vọng Cảnh để "chữa lành" rồi!

Hướng dẫn trải nghiệm:

Tham quan Đồi Vọng Cảnh Huế vào lúc nào?

Thời điểm lý tưởng nhất để đến tham quan đồi Vọng Cảnh là bình minh và hoàng hôn. Vào buổi sớm mai, nhiệt độ trên Đồi Vọng Cảnh có chút se se lạnh, khung cảnh xung quanh được bao phủ một làn sương mỏng, tạo nên cảnh sắc mơ màng của đồi thông trong sương sớm.

Vào buổi chiều tà, đặc biệt vào những ngày trời có nắng, bầu trời hoàng hôn rực lên những sắc màu rực rỡ phả vào dòng sông Hương như một tấm gương phản chiếu, họa cùng cảnh sắc đôi bờ với những mái nhà lác đác, lẩn khuất trong những dãy tre xanh với khói bếp lam chiều; thi thoảng có những con đò ngược xuôi trên sông Hương như điểm chấm phá dấy lên sức sống cho một cảnh sắc tĩnh tại như tranh vẽ.

Cũng có nhiều người lên Đồi Vọng Cảnh để ... ngắm trăng vào các dịp Nguyên Tiêu, ngày rằm và cho rằng không đâu ngắm trăng đẹp như ở Vọng Cảnh.

Nên mang theo gì khi đến Đồi Vọng Cảnh?

Với mục đích chính là "ngắm cảnh", khi đến với Đồi Vọng Cảnh, mọi người có thể mang theo các vật dụng để giúp "lên hình" đẹp nhất với mũ, nón, hoa, thú cưng,... thậm chí là các bộ bàn ghế xếp và một ít hoa quả, nước uống,... để có thể ngồi ngắm cảnh lâu hơn và có cho mình không giam "chữa lành" thêm đặc biệt. 

Nếu là người đơn giản, bạn không cần mang theo gì vì ở các khu vực xung quanh hiện nay có bán đồ ăn nhanh, nước giải khát tiện lợi để phục vụ khách tham quan, thưởng cảnh. Ngoài ra, do phải đi bộ từ chân đồi lên đỉnh đồi nên mọi người cần chuẩn bị giày thể thao/giày dép đế thấp để quá trình di chuyển được thuận lợi hơn.

Và để không bỏ lỡ cho mình những khoảnh khắc đẹp cùng thiên nhiên, gợi ý một chiếc máy ảnh cá nhân và bỏ túi một vài hướng dẫn chụp ảnh đẹp phù hợp với phong cách của mỗi người cũng là một điểm nên lưu ý.

Video Youtube:

Bản đồ:

Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>