menu_open
Chuyển đổi số thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng bền vững
Xem cỡ chữ:
 Du khách tham quan trụ sở UBND - HĐND TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Với mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch theo hướng thông minh, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng thông minh để tăng tốc, cất cánh trong thời gian tới.
 Du khách tham quan trụ sở UBND - HĐND TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đã phục hồi và trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số ngành du lịch chính là yếu tố góp phần quan trọng trong thành tựu này, là chìa khóa để phát triển du lịch nhanh và bền vững. 

Hướng tới tăng trưởng 2 con số

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2024, hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam. Con số này tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu ngành Du lịch đạt 850.000 tỷ đồng, tăng 23,8%. Lượng khách nội địa đạt 110 triệu lượt.

Đáng nói, để thích ứng với những thay đổi sau dịch COVID-19, ngành Du lịch đã có bước chuyển đổi số ngoạn mục theo hướng phục vụ đến tận từng khách hàng, cá nhân hóa các dịch vụ để có thể tăng độ trải nghiệm, hài lòng của khách.

Với nhiều tiện ích công nghệ mang lại, ngày nay, xu hướng khách du lịch sử dụng nền tảng số, website, mạng xã hội để tìm hiểu thông tin, lựa chọn đặt tour, phòng khách sạn, các dịch vụ vé máy bay, xe buýt, tàu hỏa, vé tham quan… ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ sự hỗ trợ của phương tiện số, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, sáng tạo, tiếp cận được rộng hơn, xa hơn, nhiều nguồn khách hơn. Đặc biệt, người đi du lịch cũng thường xuyên để lại bình luận, nhận xét, góp ý về các dịch vụ, du lịch, tăng cường chia sẻ rộng rãi các hình ảnh, video check-in tại các điểm du lịch. Sự tương tác này giúp ngành du dịch nắm bắt tốt hơn nhu cầu của khách để có những thay đổi nhằm nâng cao sự hài lòng của du khách. Chuyển đổi số nhìn từ góc độ du lịch mang đến nhiều hiệu quả rõ nét.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong khẳng định: Với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan, yếu tố để phát triển du lịch nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, phê duyệt, ban hành các Đề án Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Theo đó, năm 2024, Bộ tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách. Bộ đã nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá Nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch; Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du lịch thông minh. Đồng thời, Bộ đã ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số du lịch. Các địa phương trong cả nước, các đơn vị trong ngành du lịch nỗ lực triển khai 3 dự án: Số hóa di sản; Du lịch thông minh và Xây dựng Trung tâm điều hành. Bên cạnh đó, Việt Nam tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, nền tảng mạng xã hội đẩy mạnh ký kết hợp tác để kết nối du lịch thông minh trên toàn thế giới.

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu năm 2024, trên đà phát triển du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong tin tưởng, với chủ trương của Đảng, Nhà nước, điều hành của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và nguồn lực xã hội, chuyển đổi số du lịch sẽ có những chuyển biến mới. Ngành du lịch hoàn toàn đủ khả năng đạt tăng trưởng hai chữ số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh

Chia sẻ về chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời đại công nghệ, một ngành muốn có sự phát triển đột phá phải có không gian mới, cách tiếp cận mới, cách quản trị mới, công nghệ mới để thực hiện đổi mới đó. Không gian số, cách tiếp cận số, chuyển đổi số và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá. Ngành du lịch nên chuyển đổi số mạnh mẽ và kiên quyết, không nên coi chuyển đổi số là công cụ tự động hóa hoạt động du lịch mà là thay đổi cách làm du lịch, tạo nên nhiều giá trị mới cho khách du lịch.

Chuyển đổi số, công nghệ số chính là lời giải trong việc tạo ra một hệ sinh thái du lịch và sự kết nối chuỗi giá trị. Lên môi trường số, không gian của ngành Du lịch sẽ rộng lớn hơn rất nhiều. Ngành Du lịch sẽ dễ dàng kết nối với các lĩnh vực, các ngành, các sản phẩm cũng như các tỉnh, vùng khác để khái niệm du lịch được mở rộng. Ví dụ, có thể chuyển đổi từ tư duy điểm đến, quảng bá các địa điểm nổi tiếng thành tư duy sản phẩm, không chỉ xem gì mà còn ăn gì, mua gì, chơi gì… "Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng các nền tảng số, giải quyết các vấn đề lớn kéo dài của ngành du lịch và đặc biệt góp phần đổi mới mạnh mẽ ngành du lịch" Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Thời gian qua, nhờ những chủ trương, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số du lịch năm nay có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình du lịch thông minh, nhiều sản phẩm du lịch với hàm lượng công nghệ hiện đại được giới thiệu tại nhiều điểm đến du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, Trung tâm đã triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách, hướng tới áp dụng đồng bộ, thống nhất trong ngành. Trong đó, nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương, với nhiều cơ sở dữ liệu thành phần, như: doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, khu/điểm du lịch; triển khai hệ thống phần mềm báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch thực hiện báo cáo thống kê theo quy định tại các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt, triển khai ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” - nền tảng số tích hợp đa dịch vụ nhằm hỗ trợ toàn diện du khách với nhiều tiện ích như: Tra cứu thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng, mua vé tham quan, mua sắm hàng hóa, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng...

Ứng dụng công nghệ đã góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách và quảng bá vẻ đẹp các điểm đến đến với du khách trong và ngoài nước. Nhiều dự án triển lãm trực tuyến “Vibrant Vietnam” trên nền tảng số Bảo tàng văn hóa trực tuyến hàng đầu thế giới “Google Arts & Culture” đã được triển khai góp góp phần lan tỏa sức hấp dẫn của văn hóa, nghệ thuật, du lịch Việt Nam. Dự án “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 35 triển lãm trực tuyến và hơn 1.300 bức ảnh về điểm du lịch nổi tiếng, các di sản, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt Nam được các đơn vị phối hợp thực hiện. Các triển lãm này đã tôn vinh các thắng cảnh tự nhiên, di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận của các địa phương: Quảng Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Với những tiềm năng về tài nguyên, con người, văn hóa Việt Nam cùng đòn bẩy là hệ sinh thái du lịch thông minh kết hợp chuyển đổi số toàn diện, năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, du lịch Việt Nam, sẵn sàng cất cánh, hoàn thành các chỉ tiêu để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần quảng bá về một Việt Nam đầy quyến rũ mời gọi du khách quốc tế trải nghiệm, khám phá.

Theo baotintuc.vn