menu_open
“Cổ tích của ba”: Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ
Xem cỡ chữ:
 “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân.  Ảnh: netabooks.vn
Quyển sách nhỏ, có lẽ là một thể loại mới - tản văn cho thiếu nhi - “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân chào bạn đọc vào lúc thời tiết Huế chắc cũng ở mức nắng nóng nhất của mùa hè. Phượng "thắp lửa" trên cây. Trời càng nóng, sắc phượng càng rực rỡ. “Cổ tích của ba” đến vào dịp hè, dù học trò có đi học thêm đủ thứ thì vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc. Và như thế “Cổ tích của ba” là một món quà chào hè 2023 của Nhà Xuất bản Trẻ cũng như của tác giả.
 “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân.  Ảnh: netabooks.vn

Tôi ngắm mãi tranh bìa của Đinh Ngọc Duy, một hình ảnh như là mặc định về mùa hè của trẻ em nông thôn ngày trước. Một chú bé cưỡi trên lưng trâu, tay cầm nhánh cỏ xanh dang rộng thật là hào hứng, miệng cười toe. Chú trâu ánh mắt tinh nghịch, đầu ngóng lên như đang tham gia vào trò chơi cùng chú bé. Hình ảnh ấy bây giờ quá hiếm hoi, bởi nhà nông nay đã có máy cày, máy gặt, máy đập lúa, rơm cũng được cuốn tại ruộng, nhiều nhà làm nông không còn nuôi trâu, bò nên trẻ em sau buổi học không còn í ới rủ nhau lùa trâu ra đồng ăn cỏ. Vì thế “Cổ tích của ba” là những câu chuyện kể về một thời tuổi thơ vừa gần mà cũng vừa xa của tác giả Phi Tân. “Cũng trên những chuyến đò đi hết nửa ngày sông nước như thế cùng các con, tôi đã kể về những câu chuyện ấu thơ của mình. Đó là những câu chuyện có thật phía bờ xanh cổ tích...”

Trước “Cổ tích của ba”, Phi Tân đã có ba quyển tản văn được bạn đọc yêu thích “Ngoại ô thương nhớ”, “Bên sông Ô Lâu” và “Về Huế ăn cơm”, nội dung là những câu chuyện kể về kỷ niệm thời thơ ấu và đời sống nông thôn ở vùng quê, văn phong là của một người có nhiều trải nghiệm sống. Vậy nên tôi đã tự hỏi tác giả sẽ kể gì trong “Cổ tích của ba”, những câu chuyện ấy dành tặng điều gì cho thiếu nhi và cho cả những người lớn đang làm cha, làm mẹ hôm nay. Cứ mường tượng ông ba cao lớn, có phần dềnh dàng và rất thương chiều con ấy, ngồi kể những câu chuyện “xưa” của mình, tôi hình dung chắc tác giả cũng sẽ cười rất nhiều, rồi trầm ngâm nhớ, bởi ký ức của tuổi thơ bao giờ cũng trong trẻo, hồn nhiên, nhiều tinh nghịch và cũng chân thật nhất.

Kể chuyện trẻ con thì nhớ nhất vẫn là những trò chơi. Ngoại trừ những buổi chăn trâu và các trò chơi trên lưng trâu thì trẻ em thành thị hay nông thôn đều chơi nhiều trò khá giống nhau như đi tìm tổ chim, chơi vụ, tán lon, đá cá, bắt chuồn chuồn, trèo cây, hái trái, tắm sông... Những câu chuyện kể của Phi Tân trong cuốn sách này hợp thành một bản hòa ca về một thế giới tuổi thơ với những trò chơi con nít và đặc biệt là rất nhiều tình cảm.

Những câu chuyện trong “Cổ tích của ba” gợi một bài học quý giá, rằng, môi trường sống là rất quan trọng trong việc nuôi dạy một đứa trẻ phát triển tốt về thể chất và tinh thần, nâng cao sự hiểu biết và cả tính thiện trong mỗi đứa bé. Trong “Cổ tích của ba”, Phi Tân và bạn bè của mình đã được sống trọn vẹn trong thế giới tự nhiên, xung quanh “lũ bí, bầu, mướp ngọt, mướp đắng”, là được đi theo ba trong bữa xẻ rồn để “hái trái muồng chín có màu tím đen ăn vô có vị ngọt thanh, trái mủ chó nhai giòn dù hơi chát”; là được thấy những “cá, cua, ếch, nhái cũng thi nhau bò ra khỏi hang hốc”; là được hít mùi cỏ hăng bùn... (Bờ xanh cổ tích). Gần gũi với thế giới tự nhiên nên con người cũng rất tự nhiên nảy sinh tình thương đối với loài vật, cây cỏ ruộng đồng, mới có chuyện anh nông dân tên Thịnh khóc thảm thiết gọi tên con Vồ khi nó chết (con trâu tên Vồ) (Trâu làng), mới hiểu vì sao không được bắt chim cuốc vì đó là loài chim thân thiết với nhà nông và tiếng kêu của nó nghe tội lắm” (Bờ xanh cổ tích).

Con cái thì ai cũng thương ba, thương mạ, nhưng thương nhất vẫn là mạ. Tình thương của những đứa trẻ con nhà nghèo dành cho mạ luôn gắn với món ăn mạ nấu, quà bánh mạ mua từ chợ về, áo quần mới vào dịp tết. Tự những đứa trẻ sẽ thương mạ mình theo hình ảnh mà em nhớ nhất. Với Phi Tân thì “mạ tôi, ngoài công việc nội trợ và đồng áng hàng ngày, mạ còn có thêm nghề buôn rau. Bà đi khắp làng mua rau về bán hai chợ Đại Lược và Mỹ Chánh (Quảng Trị). Món quà cho anh em Phi Tân là miếng bánh dừa, miếng mít chín, con tò he hay bộ áo quần mới. Những ai là “đứa trẻ” sinh cùng thời Phi Tân (6X, 7X) đọc “Cổ tích của ba” sẽ hiểu niềm hạnh phúc chờ mạ đi chợ về “vào những buổi chiều tà, anh em chúng tôi thường rủ nhau ra đứng ở ngã ba đầu xóm nhìn về phía sông Ô Lâu chờ mạ đi chợ về. Mạ về, đôi triêng gióng kĩu kịt trên vai và chúng tôi lon ton chạy theo mạ về nhà” (Mạ về phiên chợ cuối năm).

Không phải là chuyện kể “xưa thật là xưa”, xa hàng mấy trăm năm với tiên, với bụt nhưng tác giả Phi Tân vẫn xếp những câu chuyện thời nay của mình thành “Cổ tích của ba”, bởi lẽ miền xanh tuổi thơ ấy mãi là miền cổ tích trong tâm hồn của bất cứ đứa trẻ nào nếu được sống trong hòa ái với thế giới tự nhiên và trong yêu thương của ba, mạ. Ở đó, ba, mạ là ông bụt, là bà tiên. Trẻ con không sợ ba mạ nghèo mà sợ nhất là bạo lực hay chứng kiến bạo lực gia đình. Điều cốt yếu để tạo nên miền cổ tích là yêu thương chứ không phải sự nghèo nên cái cảnh anh em Phi Tân “cùng nằm ngắm bầu trời qua những lỗ thủng trên mái tôn vào những đêm trăng sáng” (Mái nhà xưa) là một ký ức đẹp trong lòng tác giả.

Một người tóc điểm hoa râm kể chuyện nên không có câu chữ thần tiên, cũng như những ký hiệu của trẻ con thời công nghệ 4.0. “Cổ tích của ba” ngôn ngữ và tư duy nhiều suy tư, chiêm nghiệm, là tập tản văn dành cho nhiều lứa tuổi. 

Xuân An