Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp
Nằm cách kinh thành Huế khoảng 20km về hướng tây, Lăng vua Gia Long là một di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993. Lăng vua Gia Long hay Thiên Thọ Lăng (天授陵), là lăng mộ của Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn.
Hoàng đế Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, là vị hoàng đế sáng lập ra nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông lên ngai vàng năm 1802, sử dụng niên hiệu là "Gia Long" và trị vì đất nước đến khi qua đời năm 1820. Cũng dưới thời vua Gia Long, Quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng vào năm 1804.
Lăng vua Gia Long thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến, nay thuộc địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quần thể lăng vua Gia Long được cho có vị trí phong thủy đẹp nhất trong những lăng vua triều Nguyễn.
Quá trình xây dựng lăng diễn ra trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm” (theo L. Cadière).
Lịch sử xây dựng Lăng vua Gia Long rất phức tạp, vì ở đây không phải chỉ có lăng vua Gia Long, mà lại có cả một quần thể lăng tẩm của nhiều thành viên trong gia đình và dòng họ của nhà vua. Quần thể lăng tẩm ấy nằm rải rác trên địa bàn rộng lớn thuộc làng Định Môn. Tất cả được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau và trước sau cách nhau gần hai thế kỷ (thế kỷ XVII - XIX).
Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công.
Lăng vua Gia Long hoành tráng, nhưng đơn giản như cuộc đời của một võ tướng. Mật độ kiến trúc tương đối thưa. Các công trình được trải ra theo chiều ngang. Rộng rãi mênh mông, nhưng ở đây không có lầu đài đình tạ và cũng không xây dựng la thành. Núi đồi chung quanh giăng ra như một vòng thành thiên nhiên bao bọc tạo nên quy mô bề thế cho khu lăng tẩm. Đơn giản nhất là khu mộ táng thi hài vua và hoàng hậu. Hai nấm mộ bằng đá nằm song song, cách nhau chỉ một gang tay, có cùng khuôn khổ và kích thước, bên trên đều có hai mái chảy xuôi trông như những mái nhà mà thời gian đã nhuộm đen thành màu than đá. Không một nét chạm trổ, sơn son thếp vàng, tất cả chỉ là những tấm đá thanh phẳng lỳ, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoàn liêu này một không khí tĩnh mịch và uy nghiêm. Hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện tình cảm thủy chung cao đẹp giữa vua và hoàng hậu đã từng vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến. Đó là điểm độc đáo của Lăng vua Gia Long mà không tìm thấy ở lăng vua Nguyễn nào khác.
Có một đặc điểm đáng chú ý là tất cả những con rồng ở các tầng sân, bậc thềm ở lăng vua Gia Long đều được đắp bằng vôi gạch chứ không chạm bằng đá như ở các lăng khác về sau.
Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”.
Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:
Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.
Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”, bởi người ta cho rằng: “Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản” (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa.
Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, du khách thả bước dưới bóng thông tươi mát để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn - vua Minh Mạng.
Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Các công trình kiến trúc thành quách, cung điện thời Gia Long thể hiện bản chất của một ông vua có tài về chinh chiến và tổ chức đất nước. Đây là mô thức lăng tẩm đầu tiên ở Huế, để sau đó các vua kế nhiệm tham khảo và phỏng theo để xây lăng của mình. Lăng Gia Long góp phần thể hiện phong cách của một ông vua khai sáng triều đại.
Đến thăm Lăng vua Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng; hay đi đường bộ chừng 16km rồi qua bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số đường rừng thì bắt gặp hai trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng. Trước đây, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng vua Gia Long.
Theo gợi ý của L. Cadière từ hơn 60 năm trước đây, du khách nên viếng lăng Gia Long vào buổi chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Lấp lánh trong nắng vàng là những bóng thông xào xạc, vi vu đang soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Chính lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Phong cảnh xinh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Sự khắc khổ tĩnh lặng của cái chết hòa với sự sinh động, nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong sự tĩnh lặng tuyệt vời của vũ trụ.
Đến thăm lăng, du khách được thả mình trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như vinh nhục của ông vua đầu triều Nguyễn.