menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search

Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp

Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng)
Xem cỡ chữ:
Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng) là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế. Đây là nơi chôn cất vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Nguyễn tức vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm), ông trị vì được 36 năm từ 1847-1883, là vị vua ở ngôi lâu nhất của nhà Nguyễn.
Địa chỉ: Làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, xã Thủy Biểu, Thủy Xuân, Tp. Huế
Tình trạng: Được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993
Giá: 150.000 VNĐ/người lớn - Trẻ em (7-12 tuổi): 30.000 VNĐ

Giới thiệu:

Lăng vua Tự Đức được xem là một trong 4 lăng tẩm đẹp nhất chốn Cố đô, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đồng thời vinh dự là một trong những di tích lịch sử đầu tiên tại Việt Nam góp mặt trong bảo tàng số hóa 3D thuộc khuôn khổ dự án Google Arts & Culture.

Ông vua thi sĩ Tự Đức (1848-1883) đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế).

Với 36 năm trị vì, Tự Đức là ông vua tại vị lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn. Ông tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Theo luật thế tập của chế độ phong kiến, lẽ ra anh trai ông là Hồng Bảo mới là người nối ngôi. Nhưng do tài năng thấp kém, tính khí ngông nghênh nên Hồng Bảo bị vua cha phế truất khỏi ngôi Tiềm để, Hồng Nhậm được đưa lên ngai vàng trở thành vua Tự Đức - một vị vua, một nhà thơ hiền lành, thương dân, yêu nước nhưng thể chất yếu đuối, tính cách có phần bạc nhược và bi quan.

Làm vua trong bối cảnh xã hội khó khăn, bên ngoài giặc ngoại xâm tấn công, bên trong huynh đệ lục đục giành nhau ngôi báu, bản thân nhà vua lại đau ốm, bệnh hoạn nên không có con. Tự Đức quả là một số phận của những bi kịch éo le. Để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt đó, Tự Đức cho xây dựng khu lăng tẩm này như một hành cung thứ hai để tiêu sầu và phòng lúc “ra đi bất chợt”, bởi như vua từng nói: “người khỏe còn lo chuyện bất thường huống chi kẻ yếu!” (Khiêm Cung Ký) .

Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình. Nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Lịch sử hình thành:

Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ (萬年基), sau cuộc Loạn Chày Vôi, vua Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung (謙宮). Sau khi nhà vua băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).

Năm 1864: Lăng được khởi công xây dựng với 5 vạn binh lính tham gia.

Năm 1866: Đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung.

Năm 1873: Khiêm Cung được hoàn thành.

Nét đặc trưng:

• Lăng tẩm đẹp nhất trong hệ thống lăng tẩm các vua chúa triều Nguyễn.

Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.

• Tất cả các công trình đều có chữ Khiêm

Gần 50 công trình trong lăng Tự Đức ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi như: Cửa Vụ Khiêm, Khiêm Cung Môn, Chí Khiêm Đường, hồ Lưu Khiêm, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, điện Hòa Khiêm...

• Minh Khiêm Đường - nhà hát cổ duy nhất trong hệ thống các lăng tẩm

Minh Khiêm Đường là nhà hát cổ nhất trong 4 nhà hát được xây dựng thời các Vua nhà Nguyễn. Đây là nơi dùng để nhà vua xem hát, giá trị rất cao về nghệ thuật kiến trúc và họa tiết trang trí.

• Nhà tạ dựng trên mặt nước

Xung Khiêm Tạ (nơi nhà vua nghỉ ngơi, hóng mát, làm thơ, thưởng thức nghệ thuật) và Dũ Khiêm Tạ (bến thuyền dành cho nhà vua khi ngao du thưởng cảnh ở hồ Lưu Khiêm) là 2 công trình kiến trúc độc đáo của tổng thể kiến trúc Lăng vua Tự Đức nói riêng, Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung.

• Bia Khiêm Cung Ký - Những cái "Nhất"

Bia Khiêm Cung Ký - tấm bia có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam với 4.935 chữ Hán khắc trên cả hai mặt bia, cũng là tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng hoàng đế thời Nguyễn. Đây còn là tấm bia duy nhất 1 hoàng đế tự viết ra cho mình. Năm 2015, Bia Khiêm Cung Ký được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Kiến trúc:

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà Vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách.

Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, hương hoa đó, người ta như quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng...

Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần, du khách đi trên con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Thoạt tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Hồ Lưu Khiêm nguyên là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, được đào rộng thành hồ. Đó là yếu tố “minh đường” để “tụ thủy”, “tích phúc”, đồng thời là nơi để thả hoa sen tạo cảnh. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn người ta đến đồi thông bạt ngàn và đảo xanh ngát hương cỏ hoa, như đưa họ sang thế giới thần tiên, mộng ảo ngay giữa chốn đời thường.

Giá trị nghệ thuật:

Khu lăng mộ của vua Tự Đức là một thế giới bao bọc bởi sự tĩnh lặng, thiên nhiên và sự hài hòa trong quần thể kiến trúc cố đô Huế. Nằm ở vị trí ven rìa cố đô, lăng Tự Đức là một di sản văn hóa đặc biệt của Việt Nam và có thể coi là khu mộ đẹp nhất và toàn vẹn nhất trong số bảy khu lăng mộ của các vị vua nhà Nguyễn, được liệt vào một trong những công trình đẹp nhất thế kỉ XIX.

Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 54-VH/TTQĐ ngày 29/4/1979 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Với những giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, nhân Ngày Du lịch thế giới 27/9/2020, Lăng Tự Đức - di tích đầ̀u tiên của Việt Nam đã được Google lựa chọn cùng với các kỳ quan, danh lam khác củ̉a thế́ giới để̉ đưa lên Google Tì̀m kiếm bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR).

Hướng dẫn đường đi:

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km, Lăng vua Tự Đức là một trong số ít các quần thể lăng tẩm của vua triều Nguyễn nằm gần khu vực nội thành. Thế nên bạn có thể di chuyển đến lăng tương đối dễ dàng và thuận tiện với các loại phương tiện như xe máy, thậm chí là xe đạp, nếu bạn không ngại cái nắng oi ả của Huế, và taxi đều được cả.

Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể di chuyển theo lộ trình như sau: Bùi Thị Xuân – Huyền Trân Công Chúa. Khi đến đường này, bạn tiếp tục đi thêm một đoạn, sau đó có thể hỏi người dân hai bên đường là họ sẽ chỉ cho bạn hướng vào Lăng vua Tự Đức. 

Video Youtube:

Bản đồ:

Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác
    << < 1 2 > >>