menu_open
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập người con đất Cố đô
Xem cỡ chữ:
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập
Lần đầu tiên tôi quen biết nhạc sĩ Tôn Thất Lập là tại thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Trước đó trong thời chiến tranh, tôi đã từng nghe một số ca khúc của anh trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng sinh hoạt trong Hội Âm nhạc thành phố HCM và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng tôi thường trao đổi chuyện trò về hoạt động âm nhạc của nhau.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập quê ở Huế, đó là quê nội, còn quê ngoại ở Đà Nẵng. Anh sinh ngày 25/2/1942 ở Đà Nẵng, sau đó ra sinh sống ở Huế.

Cụ thân sinh của anh biết chơi đàn nguyệt. Đêm về khuya ông thường chơi các bài nhạc cổ của đất Cố đô Huế. Cậu bé Lập lúc đó vào tuổi mẫu giáo rất thích nghe bố chơi đàn, nhưng vì trẻ con trong nhà không được thức khuya, nên cậu ta nằm trên giường giả vờ ngủ nhưng tai vẫn lắng nghe tiếng đàn thánh thót trong đêm khuya.

Khi học cấp I ở trường Dục Anh (Tam Kỳ), rồi trường Tiểu học An Cựu (Huế), cậu bé Lập đã tham gia ca hát trong phong trào văn nghệ học sinh. Trong sổ tay cậu ta chép các bài Nắng tươi (Hoàng Quý), Bắc Sơn (Văn Cao), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Đoàn quân đi (Việt Lang)... Thế là từ khi bắt đầu học tiểu học, Tôn Thất Lập đã bắt đầu tiếp xúc với ca khúc tiến bộ và cách mạng. Khi lên cấp II, học ở trường Nguyễn Tri Phương (Huế), Tôn Thất Lập học nhạc với các nhạc sĩ Tôn Thất Tiết (Vỹ Dạ), Nguyễn Kính (An Cựu)… Rồi cậu ta lại còn học đàn mandoline nữa.

Khoảng 14 - 15 tuổi, đang học cấp 2, Tôn Thất Lập có sáng tác đầu tay, đó là bài Một dòng sông theo nhịp 3/4, lấy cảm hứng từ các bài valse nước ngoài nổi tiếng như Sông Danube xanh (Trauss), Sóng sông Danube (Ivanovici). Bài hát đã được một ca sĩ thời ấy tên là Dạ Ái hát trên đài phát thanh Huế.

Năm, sáu năm sau, Tôn Thất Lập chỉnh sửa lại bài Một dòng sông thành bài Lời ca trên miền biển cả được ca sĩ Thái Thanh hát ở Huế và Sài Gòn.

Khi học đại học, Tôn Thất Lập tham gia phong trào sinh viên - học sinh (SVHS) tranh đấu và trong thời gian này anh cũng đã sáng tác nhiều ca khúc cổ vũ cho phong trào. Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, ở các đô thị miền Nam liên tục nổ ra các cuộc phản kháng chế độ cũ của trí thức và văn nghệ sỹ. Vào khoảng 1965 - 1966, từ ý thức phản chiến trong ca khúc Trịnh Công Sơn đến tinh thần dấn thân đấu tranh mạnh mẽ trong các ca khúc của SVHS, từ đây hình thành khuynh hướng âm nhạc tiến bộ của lớp trẻ đô thị miền Nam trong đó có Tôn Thất Lập. Trước đó, những sáng tác của anh chưa được phổ biến nhiều, nhưng từ khi có những sáng tác phục vụ phong trào đấu tranh của SVHS, thì tên tuổi của Tôn Thất Lập bắt đầu được quần chúng từ miền Nam đến miền Bắc biết đến.

Từ năm 1966, anh viết khá nhiều, có thể kể đến các ca khúc như Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Đêm hồng, Đỉnh non cao, Người đợi người, Giao ca… Trong các ca khúc này, bài Hát cho dân tôi nghe được đông đảo quần chúng biết đến, đặc biệt được giới trẻ đô thị miền Nam hưởng ứng nồng nhiệt: 

Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào

Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù

Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên

Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang

Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…

Chính từ ca khúc nổi tiếng này, hình thành nên phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, tên gọi gần với tên bài hát. Trong những đêm văn nghệ SVHS, thường xuất hiện bài này. Đặc biệt, tháng 11/1968, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, thay mặt Hội đồng sinh viên Liên khoa Huế tổ chức đêm nhạc Tôn Thất Lập tại giảng đường Trường Đại học Khoa học mở đầu phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, trong đó bài Hát cho dân tôi nghe được hưởng ứng nồng nhiệt. Đêm Giáng sinh 1969 ở Sài Gòn, tại “khu tam giác sắt” các trường Đại học Văn khoa, Dược khoa, Nông-Lâm-Súc, đã đầy bọn công an chìm nổi, cảnh sát dã chiến trang bị dùi cui, khiên mây, súng phóng lựu đạn cay, mặt nạ đầu heo, nhưng SVHS Sài Gòn vẫn phớt lờ chúng và kéo về đây dự đêm “Hát cho đồng bào tôi nghe”, trong đó ca khúc Hát cho dân tôi nghe cùng với nhiều bài hát đấu tranh khác vang lên thách thức bọn địch. Tại thành phố Đà Lạt, có phong trào hát “Tranh đấu ca” chống chế độ cũ, Hát cho dân tôi nghe là một trong những bài hát đi vào tâm hồn, cuộc sống SVHS Đà Lạt thời ấy.

Để chống lại phong trào đấu tranh này, địch bắt giam một số SVHS. Riêng Tôn Thất Lập bị bắt 2 lần (tổng cộng khoảng 1 tháng) không khai thác được gì, địch phải trả tự do. Năm 1972, anh vào chiến khu, cuối 1973 ra Hà Nội, đầu 1975 sang Pháp để vận động Việt kiều và trí thức miền Nam.

Trong thời gian công tác tại Pháp anh có sáng tác hai bài Nhớ về miền Nam và Hướng về quê hương độc lập. Bài thứ hai viết đúng vào đêm 30/4/1975. Trong lễ mừng giải phóng miền Nam tại Pháp sau đó, nhạc

sĩ Tôn Thất Lập và nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (Việt kiều tiến bộ tại Pháp) cùng song ca bài này với cây guitar thùng. Sau ngày thống nhất đất nước, Tôn Thất Lập như được chắp cánh trên con đường nghệ thuật, anh đã sáng tác khá nhiều, một số bài phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Sau 1975, sáng tác của Tôn Thất Lập
được nhiều người biết đến nhất là bài Trị An âm vang mùa xuân. Ta sẽ trở lại tác phẩm này vào cuối bài viết.

Về đề tài tình ca, Tôn Thất Lập viết khá nhiều, đáng chú ý có các bài Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Mưa thì thầm, Tình anh, Tình yêu mãi mãi, Trò chơi… Liên tục trong ba năm 1997, 1998, 1999, bài Tình anh của Tôn Thất Lập là một trong 30 bài hát quy định của Ban tổ chức Cuộc thi Tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và từng được nhiều thí sinh chọn để hát dự thi. Hoàn cảnh ra đời bài này đặc biệt: Cách nay đã khá lâu, trong dịp đến thăm một trạm quân y dã chiến ở chiến trường xa, Tôn Thất Lập gặp gỡ trò chuyện với các thương binh đang nằm điều trị ở đây, trong đó có một chiến sĩ trẻ, người ở quận Tư. Anh thương binh này tha thiết yêu cầu nếu có gặp gia đình anh, nơi có người vợ trẻ yêu quý, thì xin đừng cho biết tin anh đang bị thương để gia đình khỏi lo lắng. Hình ảnh người chiến sĩ đổ máu trong cuộc chiến ác liệt, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để cứu lấy cuộc sống của bao người đã làm Tôn Thất Lập xúc động, thầm nghĩ sẽ phải viết gì đây về những con người này. Về lại thành phố, anh sáng tác ca khúc Tình anh ghi lại cảm xúc, suy tư của mình nhân dịp đi thực tế ở chiến trường xa. Từ đoạn nhịp tự do (Ad libitum) chuyển sang đoạn vào nhịp (A tempo) và kết thúc ở đoạn cao trào thuộc giọng La trưởng, giai điệu trầm hùng sâu lắng thể hiện tình cảm yêu thương ngày càng dạt dào mãnh liệt đối với những con người từng hy sinh quên mình vì quê hương, đất nước, vì đồng chí, đồng bào:

Khi anh trở về em vẫn mong đợi

Tháng năm dài hơn một đời hoa

Em đã cho anh nhiều như thế

Chiến tranh dài như thế, nên có bao giờ anh nghĩ về anh

Dù có hy sinh cả tuổi thanh xuân ở chốn chiến trường xa…

Trong những bài tình ca của Tôn Thất Lập có bài Trò chơi vừa vui vừa dí dỏm khá thích hợp với tuổi trẻ tinh nghịch. Chẳng ai biết đích xác trò chơi con trẻ “oẳn tù tì” (one two three) từ nước ngoài du nhập vào nước ta vào thời điểm nào, chỉ biết từ lâu đã trở thành quá quen thuộc đối với các em nhỏ. Cảm hứng từ trò chơi này, Tôn Thất Lập đã viết nên một ca khúc sinh hoạt vui tươi, dí dỏm dành cho tuổi thanh niên.

Âm hình giai điệu và âm hình tiết tấu của bài hát khá giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc. Chỉ với sáu câu ngắn gọn của thể loại ca khúc một đoạn, anh thể hiện khá thành công một loại “bài hát - trò chơi” cho giới trẻ: “Em ra cái kéo… Anh ra phong thư… Em ra cái búa… Anh ra cây kim…”. Qua bài hát, nam nữ lại trao đổi tình cảm với nhau: Mái tóc em “trói đời anh luôn”, đôi tay anh ôm “quanh em mãi…”. Và không chỉ đơn thuần là trò chơi, Tôn Thất Lập còn muốn đi xa hơn một chút, gởi gắm một vài quan niệm sống của mình vào bài hát: Phải “đánh” tan những thói đời gian dối (cái búa), phải “cắt” đi những cuộc tình vu vơ (cái kéo), tình yêu đôi lứa là tự nguyện của hai người, đâu có thể để “trọng tài” ra tay quyết định.

Trước khi kết thúc bài viết này, chúng ta trở lại với một ca khúc khá nổi tiếng của Tôn Thất Lập ra đời sau 1975, đó là bài Trị An âm vang mùa xuân. Ngày 30/4/1984 nhạc sỹ Tôn Thất Lập cùng với các văn nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Nai dự lễ khởi công xây dựng công trình thủy điện Trị An. Trong không khí sôi nổi, tưng bừng hôm ấy, anh tưởng tượng đến ngày dòng điện Trị An rực sáng đem đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Chợt một nét nhạc vui tươi của một bài hát mới về Trị An vang lên trong anh. Thế là sau ít ngày trở về thành phố, anh sáng tác nên bài hát Trị An âm vang mùa xuân.

Bài hát nhanh chóng phổ biến trong quần chúng, nhất là giới trẻ. Chính cảm xúc và kỹ thuật sáng tác bài hát này là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của tác phẩm. Bài hát được cấu trúc theo thể hai đoạn AB. Trong đoạn A giai điệu thong thả, dàn trải nghe mênh mông như mặt hồ, nhiều “chùm ba” (triolet) được sử dụng khá hợp lý, xen lẫn các nốt có trường độ dài, tạo ra cảm giác khao khát thực hiện một ước vọng cao đẹp là tạo ra dòng điện cho Tổ quốc:

Một dòng nước trong hát câu chờ mong âm vang dòng sông

Một tình nước non thắp trong lòng anh sáng trong lòng người

Lặng nghe gió reo nhớ bao ngày qua ước mơ dạt dào

Lặng nghe nước reo thắp trong lòng ta giấc mơ rực sáng… 

Sang đoạn B, giai điệu có nhiều “phách đảo” (syncope) đầu mỗi câu nhạc hoặc đầu mỗi phân câu (tiết nhạc) tạo nên không khí rộn ràng, sôi nổi, thể hiện niềm vui đón mừng ánh điện Trị An phát sáng:

Dòng điện âm vang từ triệu con tim

Dòng điện mênh mang từ ngàn khối óc

Dòng điện mê say gọi ngày tương lai

Dòng điện bao la gọi đời bay xa…

Có thể nói nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã thành công trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiết tấu thể loại pop-rock với âm hình giai điệu dân tộc để sáng tác nên ca khúc nổi tiếng Trị An âm vang mùa xuân.

Trương Quang Lục