menu_open
Định vị Mai vàng Huế trở thành "quốc bảo"
20/11/2022 8:33:33 SA
Xem cỡ chữ:
Từ bao đời, mai vàng Huế (Hoàng mai) đã trở thành biểu tượng đặc trưng và là "sứ giả" mùa xuân của xứ Huế.

Từ bao đời, mai vàng Huế (Hoàng mai) đã trở thành biểu tượng đặc trưng và là "sứ giả" mùa xuân của xứ Huế. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, loài hoa đặc hữu có giá trị này, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên  Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Đây là cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị Mai vàng xứ Huế và định vị thương hiệu quốc bảo của Việt Nam như nhiều người mong muốn.

Kỳ I: Giá trị được khẳng định

Nhắc đến Huế, ngoài sông Hương, núi Ngự và các danh thắng đền đài, lăng tẩm, người ta thường nghĩ đến mai vàng. Mai vàng được người dân xứ Huế trồng mọi nơi, từ cung đình, phủ đệ đến sân vườn, ngoài ngõ tạo nên vẻ đẹp sang trọng, khẳng định một giá trị văn hóa tiêu biểu rất riêng của Huế.

"CỐT CÁCH CỦA HUẾ"

Những ai đã sống, làm việc ở Huế không thể không biết đến mai vàng xứ Huế. Mai vàng Huế với tôi không rõ có tự bao giờ, nhưng khi lớn lên đã thấy hiện hữu ở vườn nhà. Đến nay gia đình tôi cũng qua ba đời gắn bó trồng và chơi mai vàng dù mỗi thời điểm, điều kiện hoàn cảnh có đổi thay. Bố tôi nay ngoài tuổi cửu tuần nhưng thường mặc định, tết đến bánh mứt, thịt thà không có cũng được nhưng trong nhà phải có chậu, hoặc cành mai vàng dù lớn hay nhỏ để vui xuân. Tôi nghiệm đúng, bởi có năm vào cuối thập niên 80, tết đó do bận rộn không chuẩn bị mai vàng để chơi xuân mà ông ray rứt suốt mấy ngày.

Theo nhiều tài liệu, mai vàng Huế là loại hoa nổi tiếng của Huế-Việt Nam. Loại hoa này đã trở nên phổ biến trong đời sống dân gian, đến mức mà nhiều người dân Huế khi cái ăn còn chật vật nhưng trước ngõ cũng phải có một cây mai vàng. Mai vàng trước ngõ không chỉ tô điểm, làm đẹp thêm cho không gian vườn, không gian nhà khi nở hoa mà người Huế luôn hiểu rằng, ấy là sự nhắc nhớ, nhìn hoa mà người trồng, người chơi, người ngắm theo đó mà giữ lấy cốt cách, phẩm hạnh; ứng xử trong đời sống sinh hoạt thường nhật như ý nghĩa của loài hoa mang nhiều ý nghĩa triết lý Á đông này.


Mai được trồng ở Khiêm Lăng vua Tự Đức

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao chia sẻ, đối với người từ Quảng Trị trở vào, hoàng mai là hoa xuân và đến nay vẫn có nhiều vùng trồng mai nổi tiếng như Thừa Thiên Huế, Bình Định, Thủ Đức, Biên Hòa, Vĩnh Long... Tuy nhiên, mai vàng Huế luôn được nhắc đến như một giống đặc hữu, có vị thế riêng đặc trưng dễ nhận biết, như lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi), hoa cuống ngắn, 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, các cánh xếp khít nhau, mùi thơm dịu nhẹ… Thân cây lại xù xì, thô ráp, mạnh mẽ phù hợp với quan niệm về vóc dáng, chí khí quân tử  thể hiện cốt cách con người và trở thành “sứ giả”, tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế và vùng đất phương Nam.


Mai ở Thế tổ miếu

Theo TS. Phan Thanh Hải, mai vàng xứ Huế được vương triều nhà Nguyễn khẳng định một cách chính danh khi hoàng đế Minh Mạng cho khắc trên Nghị đỉnh (thuộc Cửu đỉnh, đúc năm 1835), là một trong 153 hình ảnh tiêu biểu mang tính biểu tượng của đất nước Việt Nam và nằm trong nhóm 9 loài hoa được chọn. “Do là loài hoa được vua chúa, giới quý tộc yêu thích nên thường được nâng niu chăm chút công phu để tạo dáng, thế. Hoàng mai tạo nên tập quán chơi và nuôi dưỡng hoa kiểng của người Huế, dung chứa những ý nghĩa sâu sắc gắn liền với vũ trụ quan, nhân sinh quan. Màu sắc vàng quý phái tượng trưng cho màu của hoàng đế, cũng là màu của ánh sáng. Năm cánh hoa tượng trưng cho ngũ phúc”, TS. Phan Thanh Hải nói.


Mai đúc trên Nghị đỉnh

TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế chia sẻ, trong sử sách, thực ra xứ sở có nhiều mai vàng là Quảng Trị chứ không phải Huế. Tuy nhiên, xứ Huế có danh giá ở một vị trí từng là kinh đô nên có tinh thần hội tụ. “Bên cạnh những giống loài bản địa nguyên gốc của Huế, bất cứ loại cây gì khi mang đến Huế trồng một thời gian đều sẽ tùy hợp với phong thổ và biến chuyển để trở thành một thổ sản của Huế. Mai vàng cũng là một trong những giá trị đặc thù như vậy của Huế”, TS. Trần Đình Hằng nhận xét.

Mai sen cúc trúc ở lăng vua Khải Định

CÓ MAI VÀNG LÀ CÓ TIỀN

Lâu nay, sản phẩm mai vàng Huế cùng nghề trồng cây mai cảnh đã chứng minh tiềm năng và giá trị lớn. Mai vàng Huế không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội hoa xuân mỗi độ tết đến xuân về, mà còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật bonsai với những bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã nâng cao giá trị thương hiệu và kinh tế.

Thương hiệu mai Điền Hoà đã được tỉnh công nhận

Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Thừa Thiên Huế đều trồng, chơi mai cảnh. Ít thì 5-10 hộ, nhiều 30-40 hộ; thậm chí thành lập một xóm, làng, khu vực/phường, xã trồng và chơi mai cảnh. Ở làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, Phong Điền) mà tôi thường làm khách mỗi độ xuân về bởi đã có truyền thống trồng mai vàng hàng trăm năm. Theo thống kê cho thấy, hơn 40% hộ dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng mai cảnh. Vì thế, mai vàng đã trở thành đặc sản nổi tiếng của làng và là cây chơi dịp tết không thể thiếu trong mọi gia đình. Hai năm nay, dù bị ảnh hưởng dịch COVID -19 nhưng làng Thế Chí Tây vẫn có trên 5.000 cây mai có thể thương mại và gần 15.000 cây mai giống. Dịp tết năm 2022, vừa qua người dân đã bán khoảng 2.500 cây/chậu mai cảnh với giá trị gần 5 tỷ đồng.


Vườn mai vàng bonsai của ông Lam ở Thủy Phương, Hương Thủy

Tại vùng ven đô TP. Huế, du khách, bạn bè gần xa đều biết ông Nguyễn Văn Lam trồng, chơi mai vàng bằng nghệ thuật bonsai ở Thủy Phương (TX. Hương Thủy). Vốn là người lính, ông Lam đến với mai vàng bằng sự đam mê thấm vào máu thịt từ thời niên thiếu. Sau khi rời quân ngũ vào những năm cuối thập niên 80, ông có điều kiện trồng và chơi mai vàng tại vườn đồi ở quê nhà. Đam mê cùng năng khiếu và qua thời gian đến nay, ông đã tạo dựng vườn mai với dáng thế bonsai không dưới 1.000 cây mà mỗi khi khách ghé đến đều trầm trồ, thán phục. Ông kể, dẫu đã vào tuổi ngũ tuần mà mỗi khi ăn, ngủ cứ nghĩ đến mai vàng. Trồng và chơi mai vàng với ông là một cách để lưu giữ lại thời gian, dưỡng thần giúp tâm bình khí hòa, hướng con người tới những điều chân- thiện- mỹ. Mỗi chậu/cây mai tại vườn nhà ông là mỗi câu chuyện đầy thú vị được chăm tỉa, uốn len lỏi trong hóc đá, trong bình trà, bình gốm hay tạo các dáng thế "long đổ", "long chầu", "trực quân tử", "thất hiền", "ngũ phúc"... từ khi mới cây phôi. Sản phẩm mai vàng của ông Lam bây giờ được bạn bè, khách ở trong Nam, ngoài Bắc đặt mua, tạo nguồn thu cho gia đình đáng kể. 

Khác với những cây khiểng khác, mai vàng Huế dù trong trong chậu hay sân nhà đều có giá trị kinh tế cao. Những cây mai từ 30-60 tuổi có giá trị dao động từ 100 đến vài trăm triệu đồng/cây. Có những gốc mai tuổi đời cả trăm năm được rao bán với giá một đến vài tỷ đồng. Tại chợ hoa tết Nhâm Dần vừa qua có “lão” hoàng mai của chủ nhân Hồ Văn Vui (An Cựu, TP. Huế) có giá hơn 1,5 tỷ đồng. Không chỉ bán cây, với nhu cầu của thị hiếu, mai vàng Huế được nhiều chủ vườn mở dịch vụ cho thuê với giá từ vài triệu đến chục triệu đồng/cây/dịp tết.


Mai trưng bày trong hội thảo mai vàng

Từ lâu mai vàng Huế đã trở nên phổ biến trong đời sống dân gian, đến mức mà nhiều người dân Huế khi cái ăn còn chật vật nhưng trước ngõ cũng phải có một cây mai vàng. Mai vàng trước ngõ không chỉ tô điểm, làm đẹp thêm cho không gian vườn, không gian nhà khi nở hoa mà người Huế luôn hiểu rằng, ấy là sự nhắc nhớ, nhìn hoa mà người trồng, người chơi, người ngắm theo đó mà giữ lấy cốt cách, phẩm hạnh; ứng xử trong đời sống sinh hoạt thường nhật như ý nghĩa của loài hoa mang nhiều ý nghĩa triết lý Á đông.

Nội dung: MINH VĂN
Ảnh: BẢO MINH - TRUNG PHAN - MINH VĂN - LÊ THỌ