menu_open
Độc đáo đình làng Thế Lại – Lại Thế
13/06/2017 9:29:08 SA
Xem cỡ chữ:
Không biết vô tình hay hữu ý, xứ Huế có hai ngôi đình với hai tên gọi mà nếu không phải là người địa phương sẽ không tài nào nhớ và gọi đúng cho được: đình Lại Thế và đình Thế Lại.

 

 

Trên thực địa, hai đình làng này cách nhau khá xa và cũng có những nét kiến trúc riêng biệt.

Đình Lại Thế tỉ mỉ trong từng chi tiết

Đình Lại Thế thuộc địa bàn xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía đông. Đây là ngôi đình cổ, được xây dựng vào năm 1741, sau khi người dân đã an cư lạc nghiệp, còn làng Lại Thế được thành lập nhằm trấn giữ đất đai theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông sau khi vua tôi dẹp tan quân Chiêm Thành với ý đồ đánh phá châu Hóa của Đại Việt vào thế kỷ thứ XIV. Vì vậy, các ngài khai canh ra làng Lại Thế cũng là những người lính trong đoàn quân Nam chinh này. Hiện nay, làng có ba họ chính cư đó là Châu, Trần, Nguyễn và đều được thờ tại đình làng.

Đình được xây dựng theo hướng Tây – Tây Nam, trước mặt đình có hồ sen, thửa ruộng và con sông bắt ngang qua, cùng với cây cổ thụ ngàn năm càng khiến cho đình làng thêm nghiêm cẩn.

Khuôn viên đình Lại Thế khá rộng, có tường thấp vây quanh, phía trước có bốn trụ biểu, trên đỉnh là hình hoa sen hàm tiếu, thành sắc cạnh vươn cao có bổ ô trát vữa, tạo ra ba lối vào đình sát nhau – mô típ truyền thống của các công trình tâm linh xứ Huế.

Ngay sau lối đi giữa có bức bình phong và độc lư bằng xi măng được trang trí tí mỉ, sắc nét với các họa tiết quen thuộc như đầu rồng ngậm chữ Phúc, cây bút tượng trưng cho quan văn và phía đối diện tượng trưng cho quan võ… tạo nên sự hài hòa, đem lại sự may mắn theo thuật phong thủy và tạo nên sự kín đáo cho những công trình bên trong.


Cổng chính, bức bình phong, lư hương và đình nằm trên cùng một trục đường thẳng.

Sân đình được lát gạch, trồng hai bên là hai hàng cây lưu niên như nhãn, xoài…

Mặt trước của bình phong là hình long mã...

... và mặt sau là hình ảnh đầu rồng ngậm chữ Phúc

Với kiến trúc quen thuộc ba gian hai chái, lợp ngói liệt nhưng đình làng Lại Thế có bộ mái chiếm 2/3 chiều cao lại khiến khách tham quan có cảm giác đình rất thấp và lối trang trí tỉ mỉ trong từng kèo, cột. Mái ngói thay vì lượn cong thì được lợp nhọn, điểm nhấn đặt vào bốn góc với hình ảnh cây hóa rồng, rồng chầu, hồi long, rùa đội pho sách… Trên mái, ngoài bờ nóc ở lưng chừng, mặt trước còn đắp thêm một bờ nóc thứ hai và cũng được trang trí đẹp mắt nên nhìn từ ngoài vào, người xem tưởng đình là một nhà theo lối “trùng thiềm điệp ốc”.


Hai mái đình song song với hình ảnh rồng chầu.


Toàn bộ đình có 54 cột, chia thành 8 hàng ngang và 7 hàng dọc (đúng ra là 6 hàng dọc, bởi vì có 6 cột, nhưng do kèo mái đưa ra phía trước làm hiên cho ba gian giữa và hai gian chái trong nên có thêm 4 cột hàng thứ tư). Kết cấu bên trong đại đình chính là bộ khung gỗ mộng mẹo rất sít. Từng “vài” trong ba gian chính đều có những chiếc kèo chồng lên nhau, chiếc kèo cuối cùng có thân uốn cong lên đỡ mái được gọi là “kẽ”. Các cột cái, cột quân và cột hiên trong cùng một vài được nối với nhau từng đôi một ở đầu cột bằng những chiếc kèo. Riêng hai cột cái, ngoài hai chiếc kèo trên cùng giao nhau ở đỉnh nóc nhờ một con xỏ gọi là “giao nguyên”, còn có xà ngang được gọi là “trếnh” chạm những cuộn mây, rồi xuyên qua cột cái nhô một đoạn ngắn ra ngoài cột để chèn con chêm ép sát cột. Phía trên cái “trếnh” ở chính giữa có đặt áp sát “trếnh” một đoạn gỗ trang trí những vân xoắn to, gọi là “con tôm”. Dựng đứng trên lưng “con tôm” là một trụ tiêu, ở đầu trên của trụ tiêu dang ngang một thành gỗ gọi là “áp quả”, toàn bộ như người đứng dang ngang hai tay để đỡ bụng hai chiếc kèo trên cùng…

Hình ảnh long, phụng tinh xảo trên mái đình.


Trên các vì kèo, cột của đình làng Lại Thế là hình cách điệu dơi ngậm chữ Phúc, cây hóa rồng, lá hóa rồng, hoa văn bát bửu…
 


Trên mỗi vì kèo, nếu không có họa tiết trang trí, sẽ là dòng câu đối.

Ba hương án trong đình cũng được trang trí nổi bật với việc khắc chạm long, lân, quy, phụng được sơn son thếp vàng. Phía sau hương án hai giá lỗ bộ gồm: thanh long đao, phủ việt, trường côn, chùy dài, tay văn/ tay võ… Sau hương án vào hậu cung có ba khám thờ xây sát vách.


Nội thất của đình làng Lại Thế.


Hình ảnh long mã được đắp nổi bằng sành sứ hai bên tường của đình làng.


Lân trước sân đình.

Trong đình làng hiện nay còn lưu giữ bản công nhận di tích lịch sử văn hóa (từ năm 2001) và Bằng chứng nhận cho ban nghi lễ làng Lại Thế đã tham gia lễ Tế Giao trong kỳ Festival 2008.

Đình Thế Lại gần gũi, hài hòa với thiên nhiên

Thế Lại cũng là ngôi làng ra đời khá sớm trên vùng đất Thuận Hóa, cách ngày nay trên dưới 500 năm. Người có công lập ra làng Lại Thế cổ là một vị tướng họ Hồ, nhưng gốc tích của Hồ đại tướng quân chưa rõ ràng, hiện được nhân dân tôn làm Thành Hoàng(*).

Đình Thế Lại hiện nay tọa lạc ở đường Bạch Đằng, phía dưới cầu Đông Ba thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Thế Lại gọi tắt ý “Vạn Thế Vĩnh Lại” (muôn đời được nhờ cậy mãi mãi).

Cũng quay mặt về hướng Tây – Tây Nam nhưng đình Thế Lại có được vẻ đẹp tự nhiên hơn Lại Thế với con sông đào Đông Ba được xem như “minh đường thủy tụ”, xưa hơn nữa là ngọn núi Xước Dũ được “quy hoạch” làm tiền án, đối với hậu chẩm là cồn Hến trên sông Hương, xung quanh là nhà dân san sát cho một vẻ đẹp tự nhiên toàn bích.

Trụ biểu Đình làng Thế Lại (Ảnh: Trần Văn Dũng)

Cách trụ biểu 5m là đôi hạc đứng trên lưng rùa chầu độc lư cao 1,8m, tiếp đến là sân đình (Ảnh: Trần Văn Dũng)

 

Khuôn viên đình làng Thế Lại tương đối rộng, khoảng 1200m2, có la thành bao quanh bốn phía và cửa thành được xây những trụ gạch vuông vức vươn cao, có bổ ô trang trí. 

Qua cửa vào trong sân cách trụ biểu 5m là tượng đôi hạc đứng trên lưng rùa chầu độc lư cao 1,8m. Tiếp sau hai con hạc là hai con nghê bằng xi măng, vôi vữa cũng chầu vào độc lư, tạo nên sự sinh động nhưng giản dị.

Sân đình có lối đi rộng ở giữa dẫn vào tòa đại đình, còn hai bên xây dựng hai dãy trường học. Hai bức tả hữu hai bên của bở tường cũng được trang trí, bức bên tả trang trí hình con hổ, bên hữu hình con rồng, tuy nhiên hiện nay đã bị xuống cấp nhiều do thời gian.

Đình Thế Lại được xây dựng với kiểu nhà rường ba gian hai chái, chiều dài 12m, chiều rộng 9m, 48 cột nâng đỡ các vì kèo, tuy không đặc sắc như đình Lại Thế những cũng mang dáng dấp cổ xưa với mai ngang, lợp ngói âm dương và bộ cửa bàn khoa “thượng song hạ bản”. Nội thất đình làng được chia làm hai phần. Đình trong gọi là hậu cung, bảy án thờ xây sát vách đều bằng gạch tô vôi vữa, riêng ba án giữa làm kiểu khám đắp sành sứ có trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt” cách điệu. Hai bên vách các án đều có câu đối.

Hiện nay toàn bộ đình để trống, không thờ phụng gì, vì tất cả bài vị và liễn đối đều chuyển về miếu Thành Hoàng, từ khi làng Thế Lại được tách ra thành Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ.


Miếu Thành hoàng Thế Lại Thượng có cổng Tam quan xây theo kiểu cửa vòm


Nhỏ nhắn, gần gũi nhưng vẫn thể hiện sự tôn nghiêm bên cây bàng hàng trăm tuổi.

Nét tinh xảo thể hiện trên hình ảnh dây hóa rồng ở đình Lại thế

... và vẻ đơn giản nhưng mềm mại, thanh thoát ở đình Thế Lại.


Nhìn chung đình Thế Lại, về hình thức, kiểu trang trí chủ đạo là các ô hộc. các đề tài được đóng khung lại trong các bản gỗ hình chữ nhật, hình vuông hay hình tam giác, thông thường đều trang trí theo chủ đề đối xứng nhau, để tạo sự cân bằng và đẹp mắt. Điểm đáng chú ý trong trang trí tứ linh ở đình Thế Lại thì lân ở đây làm nhiệm vụ của con bọ đỡ đầu kèo bằng đuôi của nó, đầu lân lại lao xuống theo thân cột để chân trước ôm lấy quả cầu sắp rơi, trông thật ngộ nghĩnh và đẹp mắt.

Có thể thấy rằng, đình làng Lại Thế và Thế Lại mang đầy đủ nét kiến trúc cổ của văn hóa Huế, vừa có nét trang nghiêm, lộng lẫy, lại vừa gần gũi, giản dị. Nếu có dịp ghé Huế để tham quan thì những địa danh này là nơi đáng để mọi người lui tới để biết, để hiểu và trân trọng hơn những vẻ đẹp nguồn cội.


(*): Trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An, có nói đến hai vị họ Hồ là Hồ Hương và Hồ Long. Hồ Hưng người Hóa châu. Vua Trần Quý Khoáng đem chị là trưởng công chúa gả cho, thụ tước tư đồ, rồi cho ra Thanh Hóa chống giữ giặc Minh. Nhân vật này, sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (Bản dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967, tập II, tr. 242) ghi tên Hồ Bối. “Gả Quốc tỉ trưởng công chúa cho Hồ Bối, người châu Hóa, cho Bối làm tư đồ rồi sai ra Thanh Hóa chống giặc”. Hưng và Bối có lẽ là do sự ghi chép nhầm lẫn nào đó. Còn Hồ Long, cũng là người hạt Hóa châu đời Trần Nghệ Tông, làm đại tri châu bản hạt, có chính tích tốt. Như vậy theo chúng tôi, Hồ đại tướng quân phải là Hồ Long vì Hồ Hưng ra Thanh Hóa đánh giặc Minh và chết ngoài đó. Nếu đúng như vậy thì ta cũng có thể xác định làng Thế Lại được khai phá, thành lập vào đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372).