Dưới đây là cách lặt lá mai đúng để hoa nở rực rỡ ngày Tết:
1. Lưu ý trước khi lặt lá mai
Cây mai là loại cây cần được chăm sóc đầy đủ nước tưới, nhất là trong giai đoạn sắp trổ hoa. Vì vậy, cần đảm bảo cây không gặp tình trạng thiếu nước, tưới nước đầy đủ hàng ngày. Nếu cây có nhiều cành vô hiệu, nên tiến hành cắt tỉa trước khoảng 40 ngày, sau đó tiến hành xới nhẹ lớp đất trên bề mặt và bổ sung phân trùn quế. Lúc này, cây mai sẽ được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng, giúp cây phát triển lá và nụ một cách tốt nhất.
2. Tiến hành xiết nước và quan sát nụ
3 – 4 ngày trước khi lặt lá mai, nên tiến hành xiết nước tạo môi trường khô hạn, để cây tập quen dần với việc thiếu nước khi bị lặt hết lá, hạn chế thấp nhất tình trạng bị sốc cho cây. Sau khi lặt lá xong sẽ tiến hành tưới nước lại, khi đó mai sẽ tức và bắt đầu ra hoa.
3. Thời điểm lặt lá mai
Dựa vào thời tiết
Chuẩn bị vào tháng 12 âm lịch, các bạn cần theo dõi tình hình dự báo thời tiết diến biến ra sao: Nếu thời tiết ấm nóng, thời gian lặt lá mai sẽ được lùi lại vài ngày từ 16/17-12AL và ngược lại. Nếu thời tiết se lạnh, công đoạn lặt lá được tiến hành từ rất sớm trước ngày 15/12AL.
Đối với thời tiết có nắng nóng và gió mạnh thì nên lặt lá vào khoảng 17 – 20 tháng Chạp nhằm tránh trường hợp hoa sẽ bung nở sớm hơn. Nếu tháng Chạp trời mưa nhiều và mùa mưa kết thúc muộn: cần lặt lá sớm (10 – 14/12) để kích thích nụ mai bung vỏ.
Dựa vào hình thái nụ hoa mai ngày Tết
Thời điểm lặt lá mai còn được chọn tùy theo kích thước phát triển của nụ mai. Khi hai miếng vỏ ngoài của nụ bắt đầu rụng, đây sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn chọn bắt đầu lặt lá.
Với mai vàng 5 cánh
Nếu cây có nụ hoa còn nhỏ (thường gọi là nụ kim): thì có thể lặt lá sớm hơn, vào khoảng ngày 13 – 14 tháng Chạp (tháng 12 AL 2021). Đối với những cây có nụ hoa to hơn: thì có thể lặt lá trễ hơn vài ngày, từ ngày 16 – 17 tháng chạp. Nếu nụ hoa đã lớn, độ 3-4 ngày nữa sẽ bung vỏ lụa: thì bạn nên lùi ngày lặt lá đến 18, 19 hoặc 20 tháng Chạp.
Đối với những giống mai có nhiều hơn 5 cánh
Thường là loại 12 cánh trở lên hoa thường nở muộn hơn so với mai 5 cánh vài ngày nên bạn sẽ phải lặt lá mai sớm hơn 1 tuần.
Lưu ý: Đôi khi không phải nụ nhỏ sẽ nở muộn mà nụ lớn sẽ nở sớm bởi mai 5 cánh có nụ nhỏ nhưng vẫn nở sớm còn mai nhiều cánh hơn nụ to nhưng vẫn nở như nhau.
Những nụ đã tróc vỏ trấu, sáng màu, lộ phần vỏ xanh non, bóng lưỡng bên trong thì rất dễ nở, còn những nụ sậm màu, đang ngậm chặt vỏ trấu thì sẽ nở chậm.
4. Cách lặt lá đúng chuẩn
Khi lặt lá không nên tuốt vì sẽ làm hư hỏng mầm hoa. Để cho cây mai ra hoa đẹp cần phải đảm bảo lặt hết lá trên cây nhằm tập trung dinh dưỡng cho cây nuôi nụ hoa. Sử dụng thao tác một tay nắm cành hoa, một tay cầm từng lá giật ngược về phía sau. Sau khi lặt lá cho cây hoa mai cần ngưng tưới nước một vài ngày rồi mới tưới trở lại.
Một chậu mai cho hoa đúng dịp Tết đem lại niềm vui cho gia chủ cùng với ý nghĩa may mắn, tài lộc
5. Xử lý khi hoa mai nở sớm hoặc nở muộn
Mai nở sớm
– Nếu trời đang nắng hạn mà đổ mưa rào thì hoa sẽ nở sớm hơn => hạn chế số lần tưới nước nước trong ngày, chỉ tưới vào cữ trưa với lượng nước vừa phải
– Khi chưa đến 23 tháng Chạp mà mai đã bung vỏ lụa cần đặt cây vào nơi râm mát, tưới đẫm nước tránh làm úng rễ, đào nhẹ quanh gốc để làm đứt một số rễ cám để hãm tốc độ nỡ hoa.
Mai nở muộn
– Thấy lá mai đã già, nhưng nụ mai còn hơi nhỏ, có thể sẽ nở trễ hơn Tết nên:
+ Thúc phân hóa học với NPK có hàm lượng lân và kali cao; phun ướt mầm hoa lúc trời nắng nếu cây chưa bung vỏ trấu
+ Tưới nước ấm vào gốc khi trời quá lạnh; tưới rửa nụ hoa vào sáng sớm
+ Ngắt đọt non để thúc cây ra hoa sớm
+ Thắp đèn ánh sáng vàng vào lúc 7 – 8 giờ tối hằng ngày sẽ thúc mai nở sớm 2 – 3 ngày
– Nếu đến ngày 30 tết vẫn chưa nở kịp thì:
+ Phun nước lạnh khắp tán cây vào khoảng 8h sáng ngày 30
+ Đến trưa lúc trời nắng gắt nhất pha 1 bình nước ấm với tỷ lệ 2 sôi: 1 lạnh (khoảng 70 – 80 độ C) tiếp tục phun đều khắp tán cây sẽ cải thiện được hơn 50%
6. Lưu ý chăm sóc sau khi lặt lá mai
Sau khi đã hoàn thành những bước trên. Giai đoạn tiếp theo bạn cần làm là theo dõi tình hình tiết trời cũng như sự phát triển của nụ hoa, để kịp thời điều chỉnh và bón phân.
Ví dụ: Pha loãng 10 lít nước với 1 thìa phân NPK để tưới vào gốc mai để đẩy nhanh quá trình trổ hoa đúng dịp Tết khi thấy nụ mai nở muộn.
Mặt khác, bạn chỉ nên tưới nước 1 lần 1 ngày vào buổi trưa thay vì tưới nhiều lần như bình thường khi thấy tiết trời nắng hạn bỗng mưa rào bất chợt, vì tiết trời chuyển sang mưa khiến nụ sẽ trổ hoa sớm.
Bên cạnh đó, bạn cần cho mai đón ánh nắng như bình thường khi tiết trời nắng như trước, điều này sẽ giúp mai nở chậm và đúng dịp Tết.
Đối với bất kỳ ai, đặc biệt đối với những người buôn bán hoa mai, việc hoa mai nở đúng dịp Tết vô cùng quan trọng.
Do đó, sau khi hoàn thành những bước trên, trong quá trình theo dõi, nếu tiết trời lạnh sẽ làm cho mai nở chậm, trường hợp này bạn nên tưới mai bằng nước ấm để kích thích mai nở sớm.
Bên cạnh đó, bạn hãy dùng nước lạnh hoặc nước đá tưới vào gốc mai khi gặp tiết trời nắng nóng khiến mai nở sớm.
Chúc các bạn thành công với những chỉ dẫn ở trên!