menu_open
Du lịch Cố đô: Thiên thời, địa lợi nhân hòa
09/12/2024 3:33:07 CH
Xem cỡ chữ:
 Tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với khai thác, phát triển du lịch ở Lăng Cô
Thừa Thiên Huế là một vùng đất hội tụ cả 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển thành một trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới và du lịch càng có cơ hội để khẳng định thế mạnh.
 Tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với khai thác, phát triển du lịch ở Lăng Cô

Tài nguyên hấp dẫn

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, Thừa Thiên Huế là một vùng đất hội tụ cả 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển thành một trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực. Trong bản đồ du lịch Việt Nam, vị trí của Thừa Thiên Huế vô cùng đặc biệt. Theo bà Lan, Huế là địa phương tập trung tài nguyên du lịch văn hóa hàng đầu Việt Nam. “Huế cũng là địa phương có di sản văn hóa thế giới nhiều nhất Việt Nam với 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản văn hóa thế giới cùng với các địa phương khác. Đặc biệt, ngày 13/5/2024, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế đã được UNESCO vinh danh Di sản Tư liệu thế giới. Ngoài ra, Huế có nhiều làng nghề, nhiều lễ hội truyền thống, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo”, bà Lan nhấn mạnh.


 Khách quốc tế đến Huế bằng đường tàu biển

Tài nguyên du lịch thiên nhiên ở Huế cũng vô cùng hấp dẫn. Ngoài sông Hương, núi Ngự đã rất nhiều lần đi vào thơ ca, nhạc họa, hệ thống tài nguyên núi rừng, suối thác, biển, đầm phá… mang lại cho Huế khá đầy đủ các lợi thế để phát triển du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trên chính những tài nguyên ấy, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều quyết tâm phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Các doanh nghiệp du lịch Thừa Thiên Huế cũng đồng hành phát triển nhanh và đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển du lịch của Cố đô. Và trong bức tranh chung ấy, người dân xứ Huế với truyền thống văn hóa của một Cố đô rất phù hợp với các hoạt động du lịch đã đem những nét đẹp văn hóa, con người của mảnh đất thơ mộng vào chung tay phát triển du lịch.

Du lịch Cố đô đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch đã được đầu tư mạnh mẽ, việc khôi phục, trùng tu và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế đã đưa Huế thành điểm du lịch văn hóa lớn nhất Việt Nam. Du lịch là một trong những ngành có tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế tỉnh cao nhất và du lịch tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt để phát triển, du lịch Huế vẫn tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch để chinh phục những cột mốc phát triển mới. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế đã “xô đổ” cột mốc 3,2 triệu lượt khách của năm 2023 (10 tháng ước đạt gần 3,3 triệu lượt) để tiến đến mục tiêu của năm là 3,5 - 4 triệu lượt khách.

Phát triển nhanh, bền vững

Nhìn lại lĩnh vực du lịch của Thừa Thiên Huế trong những năm qua, có thể thấy du lịch của tỉnh liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên Huế tăng từ 81.500 lượt năm 1990 lên hơn 4,8 triệu lượt năm 2019; tổng thu từ du lịch vốn chỉ đạt 154 tỷ (1990) cũng đã có bước nhảy vượt bậc lên gần 12.000 tỷ (2019), đóng góp hơn 12% trong GRDP của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù sau đó, du lịch Huế nói riêng cả nước nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng khi nỗi lo của nhân loại được đẩy lùi, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển phục hồi mạnh mẽ trở lại. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Mỹ, Malaysia, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc thường xuyên lọt top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế.


 Khách quốc tế hào hứng khi tìm hiểu thông tin du lịch Huế

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới và du lịch cũng phải khẳng định được vị thế. Phát triển du lịch Huế không chỉ cho riêng địa phương, mà còn tạo động lực, liên kết để phát triển du lịch vùng và cả nước. Một định hướng quan trọng là Huế sẽ tận dụng, khai thác các tài nguyên, lợi thế để phát triển nhanh nhưng chú ý đến tính bền vững, phát triển nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hóa Huế. Bên cạnh việc phát huy và khai thác hiệu quả du lịch văn hóa di sản, Huế cũng kêu gọi đầu tư, hoàn thiện sản phẩm du lịch chữa lành, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch golf…

Mảnh đất Huế dịu dàng đặt ra yêu cầu về phát triển du lịch Huế phải hài hòa các yếu tố phát triển một cách phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch, trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Với đặc điểm tự nhiên, con người xứ Huế và tài nguyên du lịch, Huế đang hướng đến trở thành một điểm đến không rác thải nhựa, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị Huế với đặc trưng “Di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Ngành du lịch sẽ nghiên cứu, hợp tác với các đối tác, cùng cộng đồng doanh nghiệp hướng đến tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính chất xanh và bền vững, từ đó nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến với Huế.

Minh Tâm