menu_open
Hình thành trường đào tạo nghề chất lượng cao
25/03/2024 2:43:55 CH
Xem cỡ chữ:
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự làm các mô hình, sáng chế phục vụ giảng dạy và thực hành
Nhằm hình thành trường cao đẳng đa ngành chất lượng cao, đào tạo đầu ra nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh, 3 trường cao đẳng: Sư phạm Thừa Thiên Huế, Nghề Thừa Thiên Huế và Giao thông Huế đã được sáp nhập thành Trường Cao đẳng Huế.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự làm các mô hình, sáng chế phục vụ giảng dạy và thực hành

Cần thiết, đáp ứng yêu cầu

Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển về quy mô, thay đổi về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được chú trọng. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải sắp xếp lại các cơ sở GDNN công lập trên địa bàn, hình thành nên một cơ sở GDNN chất lượng cao.

Trước thực tế đó, vừa qua, UBND tỉnh đã tiến hành sáp nhập 3 trường cao đẳng giàu truyền thống: Cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế và Cao đẳng Giao thông Huế thành Trường Cao đẳng Huế. Đây là những ngôi trường có đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, mô hình đào tạo chất lượng, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng lao động cho tỉnh, khu vực.

Mô hình sáp nhập, giảm dần các cơ sở GDNN trên địa bàn là cần thiết, đúng chủ trương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các cơ sở GDNN công lập nói riêng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Qua đó đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động kỹ thuật - dịch vụ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đến năm 2030.


 Một mô hình thiết bị đào tạo tự làm phục vụ giảng dạy về lái xe, giao thông

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, Trường Cao đẳng Huế được thành lập là giải pháp mang tính vĩ mô, lâu dài để củng cố, phát triển mạnh hệ thống GDNN của tỉnh, góp phần vào công tác giáo dục và đào tạo đang trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực.

Đây là mô hình mới nhằm tổ chức lại hệ thống các trường cao đẳng công lập thuộc tỉnh theo định hướng tập trung, thu gọn đầu mối, hình thành trường cao đẳng đa ngành chất lượng cao tiếp cận trình độ ASEAN-4 nhằm đào tạo nhân lực ở một số ngành nghề mũi nhọn của tỉnh, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Trên cơ sở huy động nguồn lực sẵn có của các trường về một đầu mối sẽ giúp mở rộng quy mô đào tạo, tiếp tục đầu tư đồng bộ, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị để đào tạo đáp ứng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy tụ sức mạnh và đổi mới

Theo đại diện Sở LĐTB&XH, việc sáp nhập các trường thành một trường đào tạo nghề chất lượng cao như Trường Cao đẳng Huế sẽ khắc phục được và tránh sự dàn trải, trùng lắp về chức năng, góp phần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; tiết kiệm kinh phí hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất chưa được đồng bộ trong thời gian qua.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Huế Hoàng Bảo Hùng chia sẻ khi nhận nhiệm vụ mới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, kế thừa những sáng kiến, kinh nghiệm tốt, ổn định để phát triển nhà trường trở thành trường cao đẳng hàng đầu của tỉnh về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN. Trường Cao đẳng Huế sẽ là trường cao đẳng tiên phong về chuyển đổi số hướng đến trường cao đẳng số đầu tiên trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên và trường cao đẳng chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Trường tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng kế hoạch chiến lược đối với từng ngành học; ưu tiên các ngành, nghề trọng điểm phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và theo nhu cầu xã hội. Kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, mở rộng đào tạo các ngành nghề công nghệ cao, mở thêm các ngành địa phương khác có nhu cầu, hoàn thiện cơ cấu đa ngành trong bối cảnh, tình hình mới.

Nội dung, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy sẽ được nhà trường đổi mới, tối ưu và chú trọng tăng tỷ lệ thời gian thực hành, phương thức đào tạo, tạo điều kiện cho học viên tiếp cận thực tế, thực tập tại doanh nghiệp, tiếp cận công nghệ mới. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn nghiên cứu và đào tạo, đổi mới sáng tạo…

Sau sáp nhập, Trường Cao đẳng Huế thành lập các khoa, phòng chức năng và các trung tâm, đơn vị trực thuộc. Trong đó có 9 khoa chuyên môn về: Xây dựng, giao thông, cầu đường; công nghệ cơ khí; cơ - điện tử; kỹ thuật - công nghệ; kinh tế số; cơ bản; khách sạn - nhà hàng; công nghệ mỹ thuật; sư phạm. Bên cạnh đó, trường có 6 trung tâm, đơn vị trực thuộc hoạt động về giáo dục chính trị, quốc phòng, thể chất; tư vấn, tuyển sinh, việc làm; đào tạo lái xe, ngoại ngữ, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn; ứng dụng thực hành công nghệ cao...

Trường Cao đẳng Huế kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ, các điều kiện hiện có, bao gồm tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động, người học, hồ sơ tuyển sinh, đào tạo liên quan của 3 trường trước đây. Bảo đảm quyền lợi của giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động và người học theo quy định, nhất là công tác tuyển sinh, đào tạo.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG