menu_open
Kể chuyện cung An Định
22/11/2017 11:08:52 SA
Xem cỡ chữ:
Vẻ đẹp kiến trúc của An Định
Nếu công chúng Thủ đô chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) với không gian của khoa cử xưa, với áo dài nam truyền thống và âm hưởng của di sản âm nhạc ca trù, chèo… thì Cố đô Huế cũng hứa hẹn kể câu chuyện hấp dẫn không kém về vẻ đẹp kiến trúc, nghệ thuật của cung An Định, cung điện riêng của vua Khải Định, công trình mang dấu ấn của văn minh phương Tây nhưng lại ẩn chứa hồn cốt văn hóa Việt Nam.
Vẻ đẹp kiến trúc của An Định

Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu, nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, TP. Huế. Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định về sau) đã lập phủ, đặt tên An Định. Năm Khải Định 2 (1917), vua dùng tiền riêng cải tạo lại thành cung theo lối kiến trúc hiện đại. Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tịch thu cung An Định. Sau năm 1975, bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại, hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Đến nay, di tích cung An Định đang được phục hồi trùng tu.

An Định nguyên vẹn có khoảng 10 công trình, gồm: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước... Nay, cung chỉ còn cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường khá nguyên vẹn. Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Trong đình nguyên có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920. Lầu Khải Tường (Khải Tường, nơi phát khởi điềm lành) nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung An Định. Lầu 3 tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, được trang trí rất công phu, nhất là phần nội thất của tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật rất cao.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An đánh giá : Cung An Định là một tổng thể kiến trúc được thiết kế, xây dựng và trang trí theo một phong cách mới so với các biệt cung khác từng xuất hiện trước đó ở Kinh đô triều Nguyễn. Các phương diện kiến trúc, trang trí, điêu khắc, hội họa ở đây đều ghi lại một dấu ấn đậm nét của giai đoạn dung hội giữa Đông, Tây, kim, cổ trong lịch sử mỹ thuật Huế cũng như của Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm cung An Định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chọn địa điểm này để tổ chức các hoạt động chào mừng. Theo TS. Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sau khi được trùng tu từng phần, không gian nội thất cung An Định cũng đã được tổ chức trưng bày, nhưng do nguồn tư liệu bị mất mát nhiều nên mới chỉ có thể trưng bày thích nghi chủ yếu bằng hình ảnh. Tới đây, hệ thống tư liệu sẽ được kết hợp trưng bày cả hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, mô hình và tăng cường diễn giải thông tin. Một số ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh cũng được sử dụng để công chúng, du khách có thể tương tác và tiếp cận các nguồn tin rõ hơn. Bên cạnh hoạt động trưng bày, mạch chuyện kể về An Định còn được kết nối bằng hoạt động trải nghiệm lắp ghép mô hình kiến trúc của Cung dành cho giới trẻ và những người ưa khám phá. Đó là cách mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tăng cường tổ chức để bồi dưỡng sự hiểu biết về kiến trúc cung đình Huế trong giới trẻ, để giới trẻ nói riêng, công chúng nói chung dần hiểu, thấm, yêu và ngày càng trân quý di sản văn hóa dân tộc hơn.

Phong cách trang trí nội thất sang trọng


Trưng bày giới thiệu vẻ đẹp của cung An Định khai mạc lúc 8 giờ ngày 23/11 tại đường Phan Đình Phùng, TP. Huế. “Chúng tôi tập trung tư liệu từ nhiều nguồn, cố gắng trưng bày kết hợp nhiều hình thức để mục đích quan trọng nhất là thể hiện được vẻ đẹp giá trị tiềm ẩn của cung An Định. Hy vọng, câu chuyện ấy có thể giới thiệu với công chúng đầy đủ hơn về bối cảnh ra đời của An Định và tại sao cung lại được ghi nhận là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất giai đoạn cuối triều Nguyễn”, TS. Anh Vân nói.

Bài: Đồng Văn - Ảnh: Bảo Minh