menu_open
Khai thác giá trị gia tăng từ môi trường số để phát triển du lịch
21/04/2023 8:38:07 SA
Xem cỡ chữ:
Phục hồi du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Quốc Dũng

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ở mọi lĩnh vực, khai thác các giá trị gia tăng từ môi trường số là một trong những giải pháp khả thi, góp phần giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn, khôi phục lại thị trường và tiếp tục phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như: ứng dụng "Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel"; nền tảng "Quản trị và kinh doanh du lịch"; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ-vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide); truyền thông trên nền tảng mạng xã hội...

Đặc biệt, ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" với nhiều tiện ích đã hỗ trợ kết nối du khách, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng chung.

Ứng dụng này cũng đưa ra khuyến cáo du khách về điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật các thông tin, hoạt động của ngành du lịch.

Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý cũng như các hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, sáng tạo và xây dựng nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách dựa trên các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là mô hình du lịch thực tế ảo với những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.

Thực tế những hoạt động ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã góp phần hồi phục và thúc đẩy du lịch phát triển.

Tuy nhiên, du lịch vẫn chưa thật sự phát triển bền vững, tính cạnh tranh chưa cao, các sản phẩm chưa tạo được bản sắc.

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nguồn tài nguyên di sản văn hóa đặc sắc, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn lớn với du khách.

Khách du lịch nước ngoài theo dõi công đoạn dệt chiếu tại xã Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre).

Để khai thác tối đa tiềm năng trên cơ sở phát triển bền vững, bên cạnh các vấn đề thiết yếu về nền tảng hạ tầng, thì nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tiên tiến, hiện đại là một trong những yêu cầu cấp bách.

Vì thế, ngành du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác các giá trị gia tăng từ môi trường số bằng cách chủ động tiếp cận các công nghệ mới, sáng tạo trong chuyển đổi cách thức hoạt động, phát triển các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu bản sắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách.

Bởi hiện nay, việc sử dụng các thiết bị công nghệ đã trở nên phổ biến, du khách sử dụng các thiết bị này trong mọi tác vụ như: tìm hiểu thông tin trên mạng để lựa chọn điểm đến, đặt chỗ trực tuyến, phản ánh ý kiến qua các kênh review online (đánh giá trực tuyến)...

Mặt khác, thế hệ trẻ đang dần trở thành bộ phận khách hàng tiềm năng trong tương lai. Với đối tượng này, công nghệ và các nền tảng xã hội là những cách thức tiếp cận phù hợp nhất.

Hơn nữa, khai thác các giá trị gia tăng từ môi trường số, các doanh nghiệp du lịch còn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, chăm sóc tốt hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc triển khai áp dụng hiệu quả những giải pháp công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra xung lực mới cho ngành du lịch và đưa "Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu" như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023: "Đẩy nhanh phục hồi -Tăng tốc phát triển" tổ chức ngày 15/3 vừa qua.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>