menu_open
Khánh thành công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên
07/06/2024 8:30:52 SA
Xem cỡ chữ:
Trong không khí chào mừng tuần lễ Festival Huế 2024 và thi đua lập thành tích Kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024); được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, chiều ngày 06/6, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức Khánh thành công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, đây là công trình gắn liền với danh nhân có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng, ca Huế.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình là tên, hiệu là Thúc Giạ Thị). Ông sinh ra tại làng Vỹ Dạ, trong một gia đình hoàng tộc, có truyền thống văn chương. Năm 1904, Ưng Bình tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, đỗ đầu kỳ thi Ký Lục; năm 1909, đỗ cử nhân Hán học và bắt đầu con đường quan lộ. Từ Ký Lục, Ưng Bình được bổ làm Tri Huyện, thăng Tri Phủ, rồi lần lượt thăng Viên ngoại, Thị lang, Bố Chánh Hà Tĩnh, Tuần Phủ Phú Yên, Phủ Doãn Thừa Thiên. Năm 1932, Ưng Bình đã tích cực tham gia vận động thành lập Hội An Nam Phật học Trung Kỳ. Năm 57 tuổi (1933), Ông hồi hưu, được thăng hàm Thượng Thư Tri Sự. Lúc này tuổi đã lớn nhưng Ưng Bình vẫn tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, xã hội, được cử giữ chức Hội Trưởng Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ Trung Kỳ (1939-1940), bầu làm Viện Trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1940-1945), nhằm tranh thủ quyền dân sinh dân chủ cho dân nghèo. Năm 1943, Ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ, lần lượt được bầu làm chủ soái Vỹ Hương Thi Xã (1933-1945) và Hương Bình Thi Xã (1951-1961) cho đến cuối đời. 

Ưng Bình Thúc Giạ Thị qua đời tại Châu Hương Viên, nằm bên bờ sông Hương thuộc thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế (nay thuộc thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông được an táng trong khuôn viên nghĩa trang của gia đình tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế. 

Di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên được khánh thành trong niềm hân hoan của các nghệ sĩ Ca Huế

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế, Ông đã để lại cho đời gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán. Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba. Không chỉ là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng, Ưng Bình còn là người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển Ca Huế thính phòng. Nhờ những sáng tác, những làn điệu Ca Huế của Ông mà sinh hoạt Ca Huế của người dân xứ Huế trở nên đặc sắc và được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

Năm 1933, sau khi rời chốn quan trường Ông Ưng Bình mua lại mảnh vườn để xây dựng Châu Hương Viên, gồm các công trình ngôi nhà chính 3 gian 2 chái, với tâm nguyện xây dựng nơi đây thành nơi dưỡng già. Lúc đầu, Ông cho xây dựng một ngôi nhà rường ba gian hai chái, về sau xây dựng thêm một số công trình phụ trợ. Tất cả công trình trên nằm trong một khu vườn rộng, tĩnh mặc bên bờ sông Hương với tên gọi là Châu Hương Viên (hay vườn Châu Hương).

Những làn điệu Ca Huế được diễn xướng trong không gian Châu Hương Viên tại Lễ khánh thành

Châu Hương Viên là công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa, tọa lạc ở thôn Vĩ Dạ, nơi Ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống những năm cuối đời với thi ca. 

Với những giá trị nêu trên, ngày 26/12/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 3331/QĐ-UBND xếp hạng di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên là di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp Tỉnh và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 về việc điều chỉnh phân cấp quản lý di tích, theo đó Bảo tàng được giao trực tiếp quản lý di tích. 

Các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa chụp hình lưu niệm cùng các nghệ sĩ Ca Huế và những người mộ điệu

Ngày 01/10/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2461/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 17/01/2023 về việc Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng, tu bổ các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ di tích gốc bao gồm nhà chính, nhà phụ, bình phong; Cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước và khu vực xung quanh khuôn viên; xây dựng hệ thống cấp thoát nước; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, PCCC, chống sét, nhà vệ sinh…

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng, Bảo tàng sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, biến nơi đây trở thành một địa chỉ sinh hoạt của các Câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn Ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch. Đây cũng chính là điều mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Qua đó, nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khơi dậy niềm tự hào quê hương, đất nước. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045.

Thời gian tới, Châu Hương Viên sẽ được đưa vào khai thác, trở thành địa chỉ sinh hoạt của các Câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn Ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch khi đến Huế

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh