menu_open
Phát triển giáo dục tương xứng với vị thế vùng đất
05/09/2023 2:52:11 CH
Xem cỡ chữ:
Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học là mục tiêu hướng đến của ngành giáo dục
Một năm học mới lại bắt đầu với nhiều mong ước của thầy, cô giáo, hoài bão của học sinh và nhiều dự định của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học là mục tiêu hướng đến của ngành giáo dục

Thực hiện tốt đổi mới chương trình giáo dục

Năm học 2022 - 2023, trong điều kiện khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành GD&ĐT quyết tâm thực hiện cho được chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, từ việc tăng cường bồi dưỡng giáo viên, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đến việc hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ thầy, cô giáo thông qua các nền tảng công nghệ thông tin. Với sự quyết liệt, tích cực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, năm học qua, lĩnh vực giáo dục đạt được nhiều kết quả, riêng giáo dục trung học đạt nhiều thành tích.

Ông Mai Anh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT cho biết, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, phổ điểm trung bình tăng từ 6,34 lên 6,50, tăng 3 bậc so với năm trước; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng từ 96,55% lên 98,09%. Chất lượng mũi nhọn cũng tăng đáng kể, học sinh giỏi quốc gia tăng 5 giải so với năm học trước với 62 giải/80 học sinh dự thi, xếp thứ 7 toàn quốc. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học đứng thứ hai toàn quốc... Những kết quả này là nền tảng để năm học mới 2023 - 2024 sẽ có những bước tiến về giáo dục, cả về đổi mới chương trình GDPT cũng như nâng cao chất lượng dạy học, duy trì kết quả thành tích mũi nhọn.


 Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm trong giáo dục. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Những kết quả đạt được dù có tăng so với năm học trước nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa tương xứng với sứ mạng, vị thế cũng như truyền thống của vùng đất hiếu học. Vị thứ phổ điểm tốt nghiệp THPT chưa như kỳ vọng, chất lượng bậc THCS bộc lộ những hạn chế sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chưa đạt chỉ tiêu đề ra… là những điều cần phải khắc phục để đưa giáo dục Thừa Thiên Huế trở lại vị thế trước đây.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, tỷ lệ phổ điểm tốt nghiệp phổ thông tăng 3 bậc so với năm trước, trong khi chỉ tiêu đặt ra là tăng từ 5-7 bậc. Năm nay, ngành tiếp tục có nhiều giải pháp để cải thiện vị thứ này, như phân tích kết quả của kỳ thi vừa rồi để chỉ ra đâu là thế mạnh, đâu là tồn tại để có giải pháp phù hợp. Với phổ điểm tuyển sinh vào lớp 10 chưa cao, lãnh đạo các huyện, thị xã cần tăng cường chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Lâu nay, chỉ công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả đó xét tuyển vào lớp 10, các em không qua kỳ thi nên áp lực học hành của học sinh không có. Chính kỳ thi này là áp lực để tạo ra động lực, sàng lọc học sinh hoàn thành bậc THCS tiếp tục vào THPT phù hợp với năng lực của mình. Như vậy, vừa nâng cao chất lượng đại trà cho giáo dục bậc THPT sau này nhưng đồng thời thực hiện tốt việc phân luồng.

Phấn đấu nằm trong nhóm đầu

Bước vào năm học mới với nhiệm vụ quan trọng cùng toàn tỉnh nỗ lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, ngành GD&ĐT quyết tâm thực hiện thành công chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. “Mục tiêu trước mắt và lâu dài ngành giáo dục hướng đến là thực hiện tốt chương trình đổi mới GDPT. Đặc biệt, tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ thực hiện đảm bảo theo đúng mục tiêu của chương trình GDPT mới, hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT 2020 - 2025”, ông Nguyễn Tân nói.

Trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT rà soát các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình GDPT, từ đội ngũ đến cơ sở vật chất, tập huấn, chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh, nhất là với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; chuẩn bị các điều kiện liên quan để khắc phục những khó khăn đang gặp phải trong việc thực hiện chương trình GDPT mới; tiếp tục đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học. Ngành cũng đặt ra nhiều giải pháp để giải quyết tốt những tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ GDPT của năm học 2023 - 2024, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục thể hiện trên nhiều mặt, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nguồn lực đến chất lượng đội ngũ, chất lượng phổ cập, quan tâm đến giáo dục cho người yếu thế… phấn đấu nằm trong tốp đầu của toàn quốc.

Ngành cũng luôn hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, ở đó phát huy được vai trò của đội ngũ thầy, cô giáo, tính tích cực của học sinh cũng như sự tham gia của phụ huynh vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Một môi trường học đường an toàn, thân thiện mới thu hút được học sinh, để các em thấy được niềm vui, sự tự hào và trách nhiệm khi đến trường. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân gửi gắm: “Chúng tôi mong luôn nhận được sự đồng hành của phụ huynh học sinh, phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường để định hướng tốt việc học tập của con em, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Với các em học sinh, tôi mong các em sẽ nỗ lực học tập tốt, đạt được mục tiêu đề ra trong năm học mới và luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

MINH HIỀN