menu_open
Phối hợp tốt hơn trong quảng bá du lịch
20/03/2023 11:05:51 SA
Xem cỡ chữ:
Quảng bá là giải pháp quan trọng trong thu hút khách du lịch đến với Thừa Thiên Huế. Để công tác quảng bá thêm hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp từ hai phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Huế là điểm đến nổi bật về môi trường trong xanh

Chưa đồng bộ

Trong phát triển du lịch, quá trình xây dựng một sản phẩm nào đó, quảng bá ngay lập tức được triển khai đồng thời. Quảng bá sẽ đưa hình ảnh, dịch vụ, những điểm đặc trưng của sản phẩm du lịch đến với các thị trường. Từ đó, thôi thúc và tạo ra các quyết định đi du lịch đối với du khách. Ngược lại, sản phẩm du lịch khi ra đời dù hấp dẫn, nhưng quảng bá chưa tốt, hoặc chưa đúng thị trường sẽ khó thu hút được khách.

Quảng bá du lịch luôn được thực hiện bởi cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch. Thông thường, Nhà nước sẽ quảng bá chung về điểm đến, định hướng quảng bá các thị trường; doanh nghiệp sẽ quảng bá sản phẩm và thực hiện vai trò kết nối bán sản phẩm, đưa khách đến Huế. Dù quảng bá được phân vai khá rõ, nhưng là một chuỗi khép kín, có tính tương hỗ cho nhau.

Lý thuyết là như thế, nhưng thời gian qua, sự phối hợp trong xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm giữa quản lý Nhà nước và doanh nghiệp du lịch ở Thừa Thiên Huế còn thiếu đồng bộ.

Một số doanh nghiệp luôn dành một khoản kinh phí để tự tham gia quảng bá ở các thị trường. Những thị trường này, thậm chí Nhà nước lâu nay chưa có điều kiện để quảng bá trực tiếp. Điều này khó mà trách doanh nghiệp, vì định hướng và chiến lược khai thác khách du lịch của doanh nghiệp luôn có tính riêng biệt, đôi lúc khác với định hướng chung. Song, xét về tổng thể phát triển chung, yếu tố phối hợp để tạo thành tổng lực cho cả ngành du lịch Cố đô là điều chưa làm tốt.

Với nhiều doanh nghiệp có chiến lược phát triển bài bản, sẽ trích 2 - 5% lợi nhuận để triển khai công tác quảng bá. Đối với một số doanh nghiệp, chỉ 1 - 2% lợi nhuận có khi bằng kinh phí 5 năm của Nhà nước dành cho quảng bá. Vì vậy, công tác xã hội hóa, phối hợp với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng đối với du lịch Huế trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều hạn chế như hiện nay.

Doanh nghiệp trao đổi hợp tác thông qua một hội nghị du lịch

Phối hợp từ hai phía

Như đã đề cập ở trên, quảng bá du lịch là cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Đó là chuỗi khép kín, có tính tương hỗ cho nhau. Vì vậy, để quảng bá du lịch Huế thêm hiệu quả hơn thì đòi hỏi sự phối hợp tốt hơn nữa từ hai phía.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể đứng bên lề, hoặc đi một hướng riêng mà cùng song hành với chính quyền. Để làm được điều này, Sở Du lịch phải thể hiện tốt hơn vai trò chắp nối, để doanh nghiệp cùng chung tay. Từ đó, nắm bắt tình hình và có những đề xuất mang tính kịp thời hơn đến với lãnh đạo tỉnh. Khi có sự phối hợp của các nguồn lực, bên trong và bên ngoài mới đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh đề xuất, tỉnh cần có cơ chế chính sách, phối hợp với các Đại Sứ quán, Lãnh Sự quán liên hệ với chính quyền sở tại, các hiệp hội, các công ty du lịch nước bạn để đến xúc tiến quảng bá, hay mời các đối tác về khảo sát sản phẩm. Làm được như vậy các doanh nghiệp cam kết sẽ luôn đồng hành với Sở Du lịch và chính quyền.

Bà Lê Thị Dạ Lam, Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương cho biết, muốn phát triển thị trường thì đi cùng với đó phải quảng bá sản phẩm. Xúc tiến, quảng bá điểm đến nếu được thực hiện bây giờ là chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024. Để việc quảng bá hiệu quả cần có những góp sức từ các chuyên gia bên ngoài, để xây dựng chiến lược quảng bá bài bản và chính xác với xu hướng phát triển hơn.

Được biết, để công tác quảng bá điểm đến hiệu quả hơn, tỉnh đang xây dựng chiến lược, đề án truyền thông, xúc tiến điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, theo tiến độ và danh mục nhiệm vụ dự kiến theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quảng bá.

Một giải pháp khác được ngành du lịch thông tin sẽ triển khai tốt hơn nữa trong thời gian đến là tiếp tục tổ chức một số chương trình trải nghiệm mời các Vlogger (những người chuyên tạo dựng nội dung trên nền tảng video), Blogger (những người chuyên viết nhật ký mạng) và KOL (người có sức ảnh hưởng) nổi tiếng đến Thừa Thiên Huế để có bài cảm nhận và ảnh đăng trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và giới trẻ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, trong các giải pháp quảng bá, doanh nghiệp sẽ cùng tham gia và đóng góp vai trò quan trọng. Như khi mời các người nổi tiếng đến Huế, quản lý Nhà nước sẽ mời và hỗ trợ các yếu tố pháp lý, còn doanh nghiệp cùng hỗ trợ các dịch vụ, cung ứng dịch vụ, sản phẩm để người nổi tiếng trải nghiệm thực tế.

Doanh nghiệp là chủ thể

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và hơn 120 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần đặt lại vấn đề là các doanh nghiệp đã cùng tỉnh quảng bá tốt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, các chính sách phát triển của tỉnh hay chưa. Doanh nghiệp cần nhìn nhận rằng, khi tỉnh nhà phát triển thì doanh nghiệp mới có thêm cơ hội phát triển. Nhà nước sẽ tạo ra khung sườn, còn doanh nghiệp với lợi thế của mình, là chủ thể, hạt nhân trong xúc tiến quảng bá. Khi đó mới đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG