Chuẩn bị cho “mùa vàng”
Kết thúc đợt cao điểm hè dành cho khách nội địa, cũng là thời điểm ngành du lịch chuẩn bị cho mùa cao điểm đón khách quốc tế, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Chuẩn bị cho “mùa vàng”, các doanh nghiệp lữ hành khai thác mảng đón khách nước ngoài vào Việt Nam và các địa phương đang gấp rút xây dựng kế hoạch dài hơi với những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với từng thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, mỗi thị trường khách có những nhu cầu khám phá, trải nghiệm khác nhau. Khách châu Âu, khách từ Mỹ, Pháp, Đức rất thích khám phá văn hóa di sản và Huế là điểm đến hàng đầu của họ. Dựa trên nhu cầu du khách, các công ty lữ hành cũng làm mới tour tuyến, trải nghiệm du lịch cho khách. Bên cạnh đó, với chính sách visa mở, khách có nhu cầu du lịch dài ngày qua nhiều địa phương khác nhau, nên các đơn vị lữ hành ở Huế cũng kết nối với nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành bạn, thu hút và phục vụ khách đến Huế.
Bài toán về việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đang được ngành du lịch cả nước chú trọng. Những địa phương có lợi thế du lịch biển, như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... mở thêm hướng phát triển du lịch tàu biển. Những tỉnh miền núi như: Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng... tiếp tục tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đẩy mạnh sản phẩm du lịch về hoa; tour du lịch biên giới... Tại Huế, di sản văn hóa được xem là yếu tố lợi thế để thu hút và phát triển du lịch. Ngành du lịch và các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để khai thác tốt các loại hình du lịch khác như du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch đầm phá… cùng lợi thế về các dịch vụ ẩm thực đặc sắc.
Mùa cao điểm khách quốc tế, tại Huế thường có thời tiết mưa kéo dài. Việc phát triển sản phẩm, chương trình du lịch vào mùa mưa năm nay cũng đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng, điều chỉnh tiếp tục đưa vào khai thác, trong đó tập trung nhiều hơn vào các trải nghiệm trong nhà, trong đó có nhiều điểm di tích, các không gian trưng bày, triển lãm, bảo tàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng khai thác city tour phục vụ khách ngắm mưa Huế từ xe buýt.
Để có tăng trưởng mạnh
Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm hoàng kim của du lịch Việt. Đối với Thừa Thiên Huế, trong 7 tháng đầu năm, lượng khách đến Huế là hơn 2,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 863.000 lượt, tăng 42,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Những tháng gần đây, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Anh, Tây Ban Nha, Lào, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Hàn Quốc… là những thị trường khách đến Huế rất đông. Lượng khách quốc tế được dự báo sẽ tăng mạnh vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ về tăng trưởng lượng khách, ngành du lịch cũng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, ngành du lịch tỉnh phối hợp với các địa phương trong khối liên kết vùng, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam đã và đang có những chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ở nhiều nơi, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khu vực Đông Nam Á. Trong tháng 9/2024, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng sẽ tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 18 - năm 2024, qua đó giới thiệu những thế mạnh, chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Đồng thời, từ hội chợ du lịch này sẽ cung cấp thông tin, các chương trình sự kiện sẽ diễn ra vào các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, cùng các sản phẩm kích cầu du lịch đến với khách tham quan và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước và quốc tế. Ngành du lịch Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng sẽ có chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ở Úc trong năm 2024.
Hiện, ngành du lịch cũng đang khảo sát, nghiên cứu nhu cầu chi tiêu của khách quốc tế, qua đó nắm tâm lý, thị hiếu của các thị trường khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương, ngành du lịch đang kết nối các đối tác để khai thác, phát triển các đường bay quốc tế nhằm thu hút khách nước ngoài đến Huế bằng đường hàng không. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng. Ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp đang nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nâng cấp các dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.