Chùa Thiên Mụ - Một trong những điểm đến nổi tiếng. Ảnh: Đức Quang
“Kho báu” du lịch
Ngoài hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ; trong đó, có những ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ lâu, như: Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Tra Am, Vạn Phước… Mỗi một ngôi cổ tự không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc, là tiềm năng, lợi thế sẵn có để khai thác du lịch tâm linh.
Ngày cuối tuần, đến thăm chùa Thiên Mụ, một trong những đại cổ tự độc đáo của Huế, tọa lạc trên đồi Hà Khê, bên dòng sông Hương, gắn với huyền tích về một giấc mơ thiêng của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Với quy mô rộng và cảnh đẹp tự nhiên, Thiên Mụ từng là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Dưới thời vua Thiệu Trị, chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh”, do đích thân nhà vua sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. Vãn cảnh Thiên Mụ hôm nay, ngoài những công trình kiến trúc, như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, cùng bia đá, du khách còn có thể tham quan hiện vật quí giá, như: tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật...; trong đó, Đại hồng chung đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia. Mỗi công trình, hiện vật đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.
Cùng với Thiên Mụ, du khách đến với Cố đô Huế còn có thể dành thời gian để thăm nhiều ngôi cổ tự cảnh sắc tuyệt đẹp, không gian thanh tịnh, có bề dày lịch sử và có nhiều dấu ấn gắn với các vị vua dưới triều Nguyễn. Đó là, chùa Từ Đàm tọa lạc trên một khu đất cao nằm trên đỉnh dốc Bến Ngự, chùa Báo Quốc, chùa Từ Hiếu, chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Thiền Lâm, chùa Tây Thiên, chùa Thiền Tôn, chùa Trúc Lâm, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã… Với hơn 200 ngôi chùa lớn nhỏ, Cố đô Huế là vùng đất tập trung nhiều chùa chiền nhất đất nước. Và đây, thêm một lợi thế để Huế thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm đời sống thiền tu, bên cạnh những thế mạnh đã được khẳng định là ẩm thực và quần thể kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
Yên Tĩnh Từ Hiếu. Ảnh: Đồng Văn
Chờ những “cú hích”
Thống kê của ngành du lịch Việt Nam, năm 2016 ngành phục vụ 62 triệu du khách nội địa; trong đó, một phần ba lượng khách đến các địa điểm du lịch tâm linh. Đối với Thừa Thiên Huế, phát triển du lịch tâm linh không còn là vấn đề mới. Nhiều đơn vị lữ hành, như: Du lịch Huế, Vietfun Travel, Huetravel, Asia Travel Land… đã giới thiệu những sản phẩm du lịch tâm linh hướng đến chùa Từ Đàm, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, khu du lịch đền Huyền Trân, thắng tích Quan Âm Phật đài. Những điểm đến này đều được hình thành tự nhiên, các lớp văn hóa được tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, đời sống kinh tế - xã hội, tạo nên những giá trị tâm linh có chiều sâu.
Cố Giáo sư – Tiến sĩ Thái Quang Trung, người đã đóng góp nhiều công sức để định vị thương hiệu cho du lịch Huế, từng chia sẻ: “Đây là một di sản “sống” nuôi dưỡng khát vọng sâu xa về tâm linh của người dân Huế. Huế là nơi để tìm cảm hứng, thức tỉnh và sáng tạo. Điều kiện tự nhiên và môi trường văn hóa đích thực ở Huế rất thích hợp với loại hình du lịch dưỡng sinh, một loại hình du lịch “quý tộc” và đắt tiền nhất hiện nay trên thế giới, cho phép con người tìm lại sự cân bằng cho chính mình thông qua nghỉ ngơi và các liệu pháp thư giãn. Với tài sản vô giá, giàu về tâm linh, các nhà chức trách nên thay đổi hình ảnh của Thừa Thiên Huế nhấn mạnh đến vùng đất của tâm linh, của bình yên và hạnh phúc hơn là vùng đất in dấu ấn đau thương của chiến tranh hay của những ngành công nghiệp hiện đại”. Tiếc rằng, cho đến nay các hoạt động du lịch tâm linh của Huế vẫn đang còn ở dạng “tiềm năng”.
Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch (Sở Du lịch), để hoạt động du lịch tâm linh ở Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm thì điều quan trọng là những thông tin, hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp, những nơi chốn thiêng liêng đang trầm tích các giá trị văn hóa, tâm linh bao đời của tiền nhân trên mảnh đất Thừa Thiên Huế phải được chuyển tải kịp thời, đầy đủ đến với du khách, trong khi đây lại là một điểm yếu của ngành du lịch tỉnh.
“Hơn nữa, trong các lần tham gia các hội thảo về liên kết phát triển du lịch các tỉnh miền Trung mở rộng, tôi đã có nhiều trao đổi và được biết hiện nhu cầu khách muốn ở lại các chùa để học đạo, dưỡng tâm một thời gian là rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ có công ty lữ hành mặn mà thì chưa đủ, mà còn phụ thuộc vào các chùa cùng cơ quan xúc tiến du lịch rất nhiều. Hiện nay, các công ty du lịch cũng tổ chức các tour du lịch hành hương hằng năm nhưng đa số cũng chỉ dừng ở mức đến thăm các ngôi chùa cổ của Huế với kiến trúc đẹp, ẩm thực chay vốn là thế mạnh của du lịch Thiền ở Huế chứ chưa thể ở lại”, ông Lực nhấn mạnh.
Năm 2017, Sở Du lịch có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh. Quan trọng nhất là tạo nên những “cú hích” trúng vào tâm lý của du khách. Với những gì Huế đang có, hy vọng Thừa Thiên Huế sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn để không những giữ được nguồn khách ổn định mà còn phát triển bền vững.