Nhân lực tăng nhưng vẫn chưa đủ
Những năm qua, nhân lực y tế Thừa Thiên Huế tăng về số lượng và chất lượng; viên chức ngạch bác sĩ có tăng, nhưng chưa đáp ứng số bác sĩ nghỉ hưu và thôi việc. Chính việc thiếu bác sĩ, đặc biệt bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học, chuyên môn sâu đã làm cho ngành khó khăn trong việc triển khai, cung cấp các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân cũng như triển khai các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao trong ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.
Trong những năm từ 2017 đến năm 2021, Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã tổ chức hoạt động tuyển dụng viên chức theo phân cấp của UBND tỉnh. Theo kế hoạch biên chế được giao, cơ cấu vị trí việc làm và theo nguyên tắc tuyển dụng đúng các chức danh vị trí của người nghỉ hưu trong năm. Trong các năm 2017 - 2021, số bác sĩ tuyển dụng được là 80 bác sĩ. Trung bình mỗi đợt tuyển dụng chỉ đạt 32,58 % so với nhu cầu. Số bác sĩ tuyển dụng được hàng năm chỉ đáp ứng được 44,69 % so với số lượng bác sĩ tự ý bỏ việc, thôi việc, nghỉ hưu theo chế độ là 180 người.
Bên cạnh công tác tuyển dụng, việc đào tạo bồi dưỡng đối với nhân lực bác sĩ cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm. Thông qua kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế, trong 10 năm từ 2010 đến 2020, Thừa Thiên Huế đã cử đi đào tạo 1.116 người có trình độ đại học, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ chuyên khoa cấp I, thạc sĩ. Riêng đối với nhân lực bác sĩ, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử đi đào tạo được 39 bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, 37 bác sĩ đa khoa liên thông.
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng thiếu bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học. Đó là chính sách thu hút nhân lực bác sĩ chưa hấp dẫn; tác động của chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nói chung, trong hoạt động khám chữa bệnh nói riêng; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế xuống cấp, thiếu đồng bộ; chính sách tiền lương và các hoạt động hỗ trợ đối với nhân lực bác sĩ còn hạn chế; chính sách đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở và phát triển chuyên môn sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh…
Trong những năm tới, Thừa Thiên Huế sẽ có những biến động lớn về nhân lực bác sĩ. Theo đó, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao thì số bác sĩ đương chức sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế còn phải đối mặt với tình trạng bác sĩ chuyển từ khu vực công sang khu vực tư hoặc xin thôi việc. Dự báo trong giai đoạn 2023 – 2025, Sở Y tế Thừa Thiên Huế sẽ có 77 bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ và giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có 123 bác sĩ sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Như vậy, từ năm 2023 đến năm 2030 ngành y tế dự kiến sẽ có 200 bác sĩ ở mọi trình độ nghỉ hưu theo chế độ. Do đó phải dự kiến nhân lực bác sĩ cần bổ sung trong những năm sắp đến để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế là hết sức cần thiết.
Hiến kế
Để xây dựng đội ngũ nhân lực y tế nói chung, nhân lực bác sĩ nói riêng của Thừa Thiên Huế đủ về số lượng với trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kỹ thuật tốt, có phẩm chất, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, đáp ứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, Thừa Thiên Huế cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo đó, Sở Y tế Thừa Thiên Huế cần tham mưu cho UBND tỉnh để có chính sách đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các đơn vị khám chữa bệnh, tuyến y tế cơ sở, đảm bảo về trang thiết bị, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; góp phần đáp ứng yêu cầu về vật chất, trang thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới hiện nay.
Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với nhân lực y tế nói chung, nhân lực bác sĩ nói riêng. Thông qua các kế hoạch đào tạo để tăng số lượng bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ chuyên nghành, từng bước giải quyết sự thiếu hụt về bác sĩ chuyên khoa thuộc các ngành ưu tiên như tim mạch, cấp cứu hồi sức, gây mê hồi sức, nhi khoa, ngoại khoa, sản khoa, truyền nhiễm, tâm thần, pháp y. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cần ưu tiên đào tạo bác sĩ chuyên khoa tại tuyến y tế cơ sở; đào tạo bác sĩ và nhân viên y tế cho các trạm y tế xã/phường/thị trấn để triển khai các hoạt động đa khoa, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ các ngành học và bậc học theo các định hướng phát triển của ngành; cũng như một số chuyên ngành có sức thu hút thấp, ít hoặc không có lợi thế thị trường.
Thứ ba, thực hiện các chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đào tạo cho đội ngũ bác sĩ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở và các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến tỉnh. Đồng thời, chú trọng chính sách tăng cường nhân lực tại tuyến cơ sở theo hướng ưu tiên đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực cho các cơ sở khám chữa bệnh để kiện toàn và phát triển mạng lưới y tế cơ sở; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường nhân lực khám bệnh chữa bệnh cho tuyến cơ sở, đồng thời góp phần đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tuyến dưới.
Thứ tư, tăng cường các giải pháp về quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, cần quan tâm đến chính sách nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý và cán bộ quản lý tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố; tăng cường năng lực lập kế hoạch và triển khai kế hoạch phát triển nhân lực của cán bộ quản lý về nhân lực tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc; tăng cường năng lực nghiên cứu về quản lý và phát triển nhân lực khám bệnh, chữa bệnh, về chính sách y tế công cộng, kinh tế y tế và các nghiên cứu ứng dụng mô hình tiên tiến trong sử dụng và phát triển nhân lực khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhân lực. Chuẩn hóa hệ thống thông tin quản lý cơ sở y tế để hỗ trợ công tác quản lý tài chính, nhân lực cũng như công tác lập kế hoạch phát triển, theo dõi, giám sát công tác tổ chức triển khai kế hoạch/chính sách phát triển nhân lực.
Cuối cùng, tăng cường nguồn lực tài chính cho việc thực hiện chính sách thu hút nhân lực bác sĩ, gồm có nguồn ngân sách đầu tư từ nguồn vốn chi cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; đào tạo sau đại học; đào tạo các khóa ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn. Đồng thời, bố trí nguồn tài chính để đảm bảo chi trả cho chính sách thu hút nhân tài lĩnh vực y tế.