menu_open
Trường Trung học Hàm Nghi – đi cùng thăng trầm lịch sử
17/07/2015 9:06:12 CH
Xem cỡ chữ:
Trường Trung học Hàm Nghi Huế xưa (Ảnh tư liệu)
Là một trong ba ngôi trường nổi tiếng của xứ Huế, sau Quốc Học và Đồng Khánh xưa, lại được mang tên của một vị vua triều Nguyễn, nhưng dường như tên gọi trường Hàm Nghi lại gắn sự “lận đận” vào ngôi trường này như chính cuộc đời của vị vua yêu nước cuối thế kỷ XIX.
Trường Trung học Hàm Nghi Huế xưa (Ảnh tư liệu)

Dấu ấn 

Trường Trung học Hàm Nghi, vốn có tên là Trường Trung học Thành Nội, được thành lập từ năm 1955 và có cơ sở giảng dạy tại Bộ học (cũ) trước mặt vườn hoa Tôn Nhơn Phủ (nay là công ty sách và thiết bị trường học Hàn Thuyên).

Đến năm 1957, trường được dời về Trường Quốc Tử Giám triều Nguyễn(*) (nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế - số 1, đường 23 tháng 8, Tp. Huế) và đổi tên thành trường Trung học Hàm Nghi. Trường dành cho các nam sinh từ đệ thất đến đệ tứ, sau này có thêm các lớp từ đệ tam đến đệ nhất (tương đương các lớp 10, 11, 12 hiện nay). Trong suốt 20 năm tồn tại và phát triển sau đó (1955 – 1975), trường Trung học Hàm Nghi vẫn giữ nguyên tên gọi này.
 
TS. Phạm Văn Lâm, trong cuốn Tập san NHỚ HUẾ số 56 đã viết về ngôi trường Hàm Nghi ông từng theo học như sau: “Năm 1955, một lớp Đệ Lục (lớp 7) trường Trung Học Nguyễn Tri Phương được điều về Thành Nội Huế học cùng 3 lớp Đệ Thất mới tuyển hợp thành trường Trung Học Thành Nội đặt trụ sở tại bộ Học cũ (góc đường Hàn Thuyên-Đinh Tiên Hoàng) do thầy Nguyễn Hữu Hoằng làm Hiệu trưởng. Hơn một năm sau, trường được dời về trụ sở Quốc Tử Giám Triều Nguyễn gần cửa Thượng Tứ do thầy Lê Nguyên Diệm làm Hiệu trưởng và đổi tên là Trường Trung Học Hàm Nghi. Năm 1975, trường Hàm Nghi bị giải thể, Hiệu trưởng cuối cùng là Thầy Nguyễn Duy Khác […]

Trường Trung học Hàm Nghi Huế hiện nay vẫn được giữ gần như nguyên trạng 

về cấu trúc, nhưng đã trở thành Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong những năm 1971-1972, Hàm Nghi trở thành Trường Trung học Tổng hợp đầu tiên của Huế. Trong giai đoạn đầu trường thâu nhận cả nam, nữ ở đệ nhị cấp: lớp mười, lớp mười một, lớp mười hai Khoa học A - B. Trường Hàm Nghi còn kiêm nhiệm điều hành các trường Trung học Tây Lộc, Phú Vang, Hương Thuỷ, Gia Hội. Riêng trong Thành Nội, lúc này đã có thêm Trường Nữ trung học Thành Nội, và Trường Quốc gia Nghĩa Tử. Đặc biệt, từ 1973-1974,  với nhu cầu học hỏi của tráng niên, trường mở các lớp ban đêm. Như thế song song với dạy ban ngày, Hàm Nghi có thêm một trường ban đêm. Đây cũng là trường duy nhất mở ra học ban đêm song song với Trường Bách Khoa Bình dân Huế. Đến 1974-1975, Trung Học Hàm Nghi là trường lớn nhất bên Tả ngạn sông Hương và cũng là trường đặc biệt có tất cả các lớp học ban ngày và ban đêm.”
 
Sau 30 năm bị giải thể, ngày 14/7/2005, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Cao (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) đã ký quyết định thành lập Trường THCS Hàm Nghi (trụ sở đặt tại số 41 đường Thái Phiên, phường Tây Lộc, TP Huế), bổ nhiệm thầy Nguyễn Minh Quan, nguyên Hiệu Phó trường Trần Cao Vân làm Hiệu trưởng trường THCS Hàm Nghi.
 
 
Trường THCS Hàm Nghi hiện nay
Ngôi trường này nguyên là Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, hai bên trường có hai cây bồ đề toả bóng xanh mát, trong khuôn viên sân trường cũng có bức tượng Vua Hàm Nghi được các cựu học sinh của trường ở thành phố Hồ Chí Minh gửi ra.
 
Khung cảnh uy nghi của Quốc Tử Giám và chánh điện Di Luân Đường đã được họa sĩ Thái Công Uyển phác họa trong huy hiệu Trường Hàm Nghi (trái) và được kế tục trong logo mới hiện nay của trường THCS Hàm Nghi (phải).

Hành trình tồn tại

Được học tập trên mảnh đất luôn đề cao sự học Quốc Tử Giám, các thế hệ giáo viên và học sinh trường Trung học Hàm Nghi luôn thể hiện được vị trí của mình dù ở bất cứ cương vị nào, và có rất nhiều người đã thành danh cả trong và ngoài nước. Có thế kể đến các thầy giáo nổi tiếng như: GS-TS Dương Thiệu Tống, nhà thơ-liệt sĩ Ngô Kha, nhà nghiên cứu Võ Văn Dật (Võ Hương-An), nhạc sĩ Văn Giảng... ; các cựu học sinh của trường như: TS-BS Lê Hành, phụ trách khoa Phẫu thuật thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, BS Phan Quý Nam-Giám đốc BV Nguyễn Tri Phuơng TP. HCM; Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế; thạc sĩ Hồ Đăng Vang- Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế; PGS-TS Nguyễn Hoàng, Trưởng ban Tuyển sinh đào tạo Đại Học Huế… 
 

 “Hàm Nghi Hành Khúc” do nhạc sĩ Văn Giảng sáng tác một thời là hiệu đoàn của trường Trung học Hàm Nghi. Nhạc sĩ nổi tiếng này cũng là bậc thầy kỳ cựu dạy nhạc của trường Hàm Nghi xưa.

Qua những thế hệ thầy – trò ưu tú đó, trường Hàm Nghi vẫn luôn được nhớ đến như một "trường điểm' tại Huế. Đến nay đã tròn 60 năm kể từ năm 1955 khi ngôi trường được thành lập, nhưng đã có hơn 30 năm, trường Hàm Nghi chỉ tồn tại tâm tưởng của bao thế hệ, bao người Huế xa quê. Đã có những Ban liên lạc để kết nối những cô cậu học trò Hàm Nghi xưa, có cả website riêng, những diễn đàn để mọi người cùng nhau chia sẻ những tâm tư, tình cảm về ngôi trường chỉ còn trong dĩ vãng, đến việc cùng nhau chung tay ủng hộ việc tái lập lại trường Hàm Nghi, phải trải qua rất nhiều khó khăn mới được thành lập, đủ thấy sức sống cũng như tình yêu về một mái trường “không-giống ai” như Hàm Nghi. Và dù trường Hàm Nghi không có bề dày về thành tích như bao ngôi trường khác do những biến động lịch sử nhưng chính sự tồn tại lạ lùng này còn ý nghĩa hơn bất cứ ghi nhận nào… Bởi lẽ, không có ghi nhận nào chính xác hơn ghi nhận của những người trong cuộc.

-----

(*) Trường Quốc Tử Giám (chữ Hán: 國子監) của triều đình nhà Nguyễn, còn gọi là Đốc Học Đường do vua Gia Long xây dựng năm 1803. Ban đầu, ngôi trường này được xây dựng tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà (cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, nằm cạnh Văn Miếu), đến năm 1908, dưới thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành, nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là di tích trường Đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam, và là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Ngày 11/12/1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới.