Hôm ấy, Huế đón tôi bằng một cơn mưa nhẹ nhàng như một lời chào đầy dịu dàng và sâu lắng. Tôi ghé thăm lăng vua Tự Đức trong cái thời tiết ẩm ướt ấy, ban đầu có đôi chút e ngại vì mưa có thể khiến chuyến đi trở nên bất tiện. Nhưng khi bước chân vào khu di tích, tôi mới hiểu rằng, có những vẻ đẹp chỉ hiện lên khi ta chịu mở lòng cảm nhận và lăng Tự Đức trong mưa chính là một trong những điều như thế. Những hạt mưa mỏng như sợi chỉ rơi xuống, len lỏi qua từng thân sứ già trơ tụi lá, tạo thành những giọt ngọc nhỏ long lanh trên cành.
Dọc lối đi lát đá, lớp rêu xanh càng đậm màu dưới nước mưa, tựa như thời gian đang in dấu một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi dừng lại thật lâu bên hồ Lưu Khiêm, nơi mặt nước phẳng lặng như gương, chỉ bị khuấy nhẹ bởi những giọt mưa rơi tí tách. Cảnh vật trước mắt khiến tôi không khỏi cảm thán, những mái ngói lưu ly của đền điện, đình tạ lấp lánh trong ánh sáng mờ nhạt của bầu trời u ám, đẹp một cách kiêu sa và trầm mặc, khác hẳn vẻ rực rỡ trong những ngày nắng vàng.
Bước chân qua từng bậc thềm, tôi có cảm giác như đang lạc vào một không gian khác, nơi thời gian như ngừng lại. Tiếng mưa hòa cùng tiếng gió, tiếng thông reo và thỉnh thoảng là tiếng bước chân của vài du khách khiến không gian trở nên vừa tĩnh lặng, vừa sống động. Tôi không thể không đưa máy ảnh lên, cố gắng lưu giữ từng khoảnh khắc. Nhưng rồi lại nhận ra rằng, có những điều đẹp nhất không thể ghi lại bằng máy móc, chỉ có thể lưu giữ trong tâm hồn. Một cụ già đứng gần đó, cũng đến tham quan, nói với tôi rằng, "Cậu biết không, ngày xưa, vua Tự Đức viết thơ ở đây những lúc trời mưa, có lẽ mưa làm người ta dễ lắng lòng hơn." Tôi mỉm cười, ngắm nhìn những hàng chữ Hán cổ khắc trên bia đá, tự hỏi, liệu vị vua tài hoa ấy đã nghĩ gì khi ngồi nơi này, giữa cảnh mưa buồn nhưng đầy thi vị như hôm nay.
Điểm dừng chân cuối cùng của tôi là ngôi nhà bia, nơi đặt tấm bia đá lớn nhất Việt Nam. Mưa dần nặng hạt hơn, tiếng mưa rơi trên mái ngói, trên mặt đất làm tăng thêm phần trang nghiêm của không gian này. Đứng trước những dòng chữ khắc trên bia, tôi thấy mình nhỏ bé trước lịch sử, trước những câu chuyện đã xảy ra hàng trăm năm về trước. Mưa đã thấm vào áo tôi, lạnh nhưng không khiến tôi khó chịu. Ngược lại, cảm giác ấy lại rất dễ chịu, như thể tôi đang hòa mình vào cảnh vật, vào cái hồn của di tích.
Trời mưa, nhưng lòng tôi chẳng chút buồn. Trái lại, tôi thấy mình may mắn khi được chứng kiến lăng Tự Đức trong một dáng vẻ khác, trầm lắng, nên thơ và sâu sắc đến lạ. Nếu ai đó hỏi tôi rằng có nên ghé thăm lăng vào ngày mưa không, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng: “Có chứ, ít nhất một lần trong đời, để thấy rằng mưa không chỉ là mưa, mà còn là tấm màn che, làm nổi bật nét đẹp của những điều vốn đã rất tuyệt vời.”