menu_open
Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
05/12/2024 10:11:29 SA
Xem cỡ chữ:
Chuông đồng ở chùa Thiên Mụ
“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.
Chuông đồng ở chùa Thiên Mụ

Hội thảo được Trường đại học nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn ra sáng 30/11 tại TP. Huế.

Hội thảo được xem là sự kiện đặc biệt, nhằm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của chuông đồng không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà còn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Với sự góp mặt của 55 tác giả gửi bài tham luận, tập trung vào các đặc trưng tạo hình của các chuông thời Nguyễn, từ những phân tích về các chuông cụ thể cùng với các họa tiết riêng biệt, những giá trị về mặt di sản và tư liệu, ứng dụng trong thiết kế, trang trí.

Hội thảo cho thấy sự quan tâm sâu sắc và đa diện về chuông đồng thời Nguyễn, được nhìn dưới các góc cạnh, lăng kính khác nhau, từ văn hóa Việt Nam nói chung đến văn hóa Phật giáo nói riêng, qua triết học, lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, địa lý...


 Họa tiết hoa văn trên chuông được in và trưng bày bên lề hội thảo

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, cho rằng, chuông đồng, với âm thanh vang vọng và hình dáng tinh tế, không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là những biểu tượng sống động của triết lý Phật giáo, thể hiện tư tưởng về cái đẹp, sự hòa hợp và lòng từ bi.

Những hoa văn trang trí trên chuông đồng không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật, kỹ xảo của người nghệ nhân mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc, có thể truyền cảm hứng không chỉ cho các thế hệ nghệ sĩ mà còn cho những người yêu nghệ thuật trong việc khám phá và tôn vinh giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật truyền thống.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi mà việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ngày càng trở nên quan trọng, chúng ta cần phải nghiêm túc suy ngẫm về cách thức tích hợp các giá trị này vào chương trình đào tạo nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực mỹ thuật tạo hình, hội họa”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, hội thảo còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đương đại. Từ đó cùng nhau khám phá những giá trị thẩm mỹ, những kỹ thuật, kỹ xảo điêu khắc xưa, đồng thời thảo luận về cách ứng dụng những giá trị đó vào sáng tạo nghệ thuật hiện đại, thông qua đào tạo để trao truyền tri thức văn hóa, lịch sử, nghệ thuật cho các thế hệ mai sau.

N. MINH
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>