menu_open
Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử
02/12/2024 3:17:44 CH
Xem cỡ chữ:
  Các đại biểu tham quan không gian triển lãm. Ảnh: BTLS
Đó là chủ đề của triển lãm được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, khai mạc sáng 29/11 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
 Các đại biểu tham quan không gian triển lãm. Ảnh: BTLS

Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu thông qua 2 chủ đề chính: “Từ Thuận Hóa - Phú Xuân đến Cố đô Huế - nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc” và “Từ Nam Bộ xưa (thế kỷ XVII-XIX) đến Sài Gòn nay”.

Thông qua triển lãm này, ban tổ chức mong muốn gửi đến người xem cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân - Huế (từ năm 1558); lịch sử thành lập thành Gia Định - Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698).

 Triển lãm còn giới thiệu những thành tựu  về kinh tế, văn hóa và những khó khăn thử thách của việc xác lập chủ quyền nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến. Ngoài ra còn có những dấu ấn văn hóa đậm nét trong sinh hoạt, phong tục tập quán… sự giao thoa, hòa quyện giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian để hình thành nên đặc trưng văn hóa vùng miền của cư dân Nam Bộ xưa.

Đặc biệt trong triển lãm này, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế công bố, giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan bộ sưu tậm hiện vật Phong Sơn, có niên đại từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan rất nhiều hiện vật quý như: Ấn Lương Tài Tử, Ấn Khâm sứ đại thần quan phòng, An Lập Châu ấn, Ấn ký Xà Cầu (kiều) tổng chánh tổng ký… có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20.


Các hiện vật được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đưa vào triển lãm. Ảnh: BTLS 

Nằm trong không gian triển lãm còn có không gian trải nghiệm cho du khách với các hoạt động trải nghiệm thực tế những công đoạn để hoàn hoàn thành các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế như làm hoa giấy Thanh Tiên, tô tượng ông Công, ông Táo… Qua đó, giới thiệu, quảng bá và làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời tôn vinh những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân dân gian với các nghề thủ công truyền thống.

Triển lãm mở cửa đến 23/2/2025.

N. MINH
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>