Các đội đua có mặt từ rất sớm, với lễ hạ ghe và bố cáo thần linh để cầu mong một giải đua thắng lợi. Từ 7 giờ sáng, người đi cổ vũ đã đứng chật kín hai bên dòng sông dài hơn 400 mét, đây cũng là "đường đua xanh" gay cấn của hội thi đua ghe. Chín đội cùng tham gia tranh tài bao gồm cả đội hình nam và nữ, xuất phát tại vè trung tâm trước ban tổ chức hay còn gọi là "vè rốn" theo dân địa phương, và hai vè thượng lưu và hạ lưu ở hai đầu của đường đua. Các đội đua đối với nam trải qua một "rộ" tức một chặng đua do ban tổ chức quy định, gồm "ba vòng sáu tráo", đối với nữ
là "hai vòng bốn tráo" đi qua các vè cho trước.
Như kinh nghiệm của các "tay bơi" và người cổ vũ, "giải phá" là giải đáng mong chờ nhất, chứng tỏ sức mạnh và sự bền bỉ đến phút chót của đội ghe năm đó. Giải thưởng là một lá cờ dài treo trên ngọn tre của chính địa phương, và tiền thưởng. Hằng năm, vẫn có những "giải thưởng phát sinh" do người xa quê hương đóng góp ngoài lề để tạo thêm hứng khởi và kéo dài giải đấu.