menu_open
Lễ Ban Sóc triều Nguyễn
03/02/2022 12:53:20 SA
Xem cỡ chữ:
Ban sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch, và được tổ chức thực sự quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Đây là nét văn hóa độc đáo ở thời Nguyễn.
Địa chỉ: Ngọ Môn, Đại nội Huế
Thời gian hoạt động: Định kỳ vào cuối năm Âm lịch
Tình trạng: Được phục dựng từ năm 2021

Giới thiệu:

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch, và được tổ chức thực sự quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Đây là nét văn hóa độc đáo ở thời Nguyễn.

Lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn gắn với việc biên soạn, in ấn lịch và ban cho toàn quốc vào thời Nguyễn có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho công việc đồng áng hàng ngày, gắn với nền kinh tế trọng nông thuở trước. 

Lịch sử hình thành:

Lễ Ban Sóc là một lễ tiết quan trọng dưới triều Nguyễn, được các vua Nguyễn xem đây là một trong các lễ lớn trong năm. Sách Đại Nam thực lục có chép, từ những năm đầu thời Gia Long, thời Minh Mạng đã đặt Lễ Ban Sóc. Năm 1821, “Tháng 12, ngày mồng 1, vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm Thiên Giám đem lịch năm Nhâm Ngọ dâng lên (…) Lại truyền dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hòa, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài”. Các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có ngự chế thơ về Lễ Ban Sóc.

Lễ Ban Sóc trước đây vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên Lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân và để khác với các nghi tiết đại triều nghi khác được tổ chức ở điện Thái Hòa.

Trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép, vua Minh Mạng định rằng: "Lễ Ban Sóc có khác với ba tiết lớn. Nay đổi định: từ nay về sau làm Lễ Ban Sóc ở trước cửa Ngọ Môn".

Nét đặc trưng:

Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai. 

Hằng năm, sau khi cơ quan Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình nhà Nguyễn tổ chức Lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai vị quan ở Bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để hoàng gia dùng, đồng thời được phát cho các quan ở Kinh thành Huế, các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. Theo quy định, từ tháng 2 Âm lịch, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm đến.

Vào tháng 5, bản thảo sẽ được hoàn thành. Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô cùng các tỉnh phía nam đến Khánh Hòa, phía bắc đến Thanh Hóa. Còn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, từ Bình Thuận trở vào sẽ do hai tỉnh Nam Định, Hà Nội phụ trách in ấn và cấp phát lịch. Cũng có giai đoạn, các quan địa phương chỉ tiếp nhận lịch mẫu và tổ chức in ấn phát cho dân ở các tỉnh thành trong thời gian sau đó. Mẫu lịch do Khâm Thiên Giám cung cấp, khi in xong Khâm Thiên Giám duyệt lại mới được cấp phát, lưu hành. Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.

lễ ban sóc huế

Sau 180 năm, cũng đúng vào năm Tân Sửu, Lễ Ban Sóc ngày ấy đã được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Việc tái hiện Lễ Ban Sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách cùng người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.

Một số hình ảnh tái hiện Lễ Ban Sóc diễn ra vào ngày 01/01/2021:

Video Youtube:

Bản đồ: