menu_open
Mùa báo hiếu
27/08/2015 9:03:55 SA
Xem cỡ chữ:
Một trong những nghi lễ được tổ chức trong phần khai kinh Vu Lan Thắng hội
Cứ đến rằm tháng Bảy âm lịch, nhiều người dân lại lên chùa dự các lễ cầu an, bày tỏ lòng hiếu kính với những đấng sinh thành. Với ý nghĩa cao đẹp, lễ Vu Lan đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa tâm linh của mỗi người...
Một trong những nghi lễ được tổ chức trong phần khai kinh Vu Lan Thắng hội

Chùa Thiên Minh (TP Huế), 7 giờ sáng ngày 23/8 (10/7 âm lịch) có khá nhiều đạo hữu ở khắp nơi tề tựu về dự lễ khai kinh Vu Lan Thắng hội. Trước, các đạo hữu, thiện nam tín nữ và phật tử các giới gần xa, Hòa thượng Thích Khế Chơn, PhóTrưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Thiên Minh hoan hỷ: “Vũ Lan trở thành một ngày lễ hội chung, thể hiện tinh thần đền ơn, đáp nghĩa đối với tổ tiên, cha mẹ đã ban tặng sự sống cho cuộc đời chúng ta. Tinh thần đó vừa cao đẹp, vừa thực tiễn, là nền tảng của đạo làm người và là căn bản trong nếp sống văn hóa, đạo đức của dân tộc”. Những giọt nước mắt chảy xuôi, chất chứa bao nỗi niềm của người con trong mùa báo hiếu. “Ai trong đời cũng có những lần vấp ngã, nhưng phải biết đứng dậy, biết nhận ra sự lỗi lầm của mình. Từ đó, sửa chữa sai lầm để báo hiếu cha mẹ”, bà Nguyễn Thị Hoàng, trú phường An Tây (TP Huế) xúc động”.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu - nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật trở thành giây phút thiêng liêng để mỗi người con sống chậm lại trong sự xô bồ của cuộc sống, yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Ông Đồng Sỹ Quế, trú phường Phú Hòa (TP Huế) chia sẻ: “Câu chuyện chữ hiếu được kể giữa chốn Phật. Lời kinh kể bao công đức của đấng sinh thành, dạy bảo về phận làm con đã thức tỉnh lòng từ bi của biết bao phận người. Giá trị của cuộc sống, lòng biết ơn cha mẹ đã thôi thúc mỗi con người hành động đẹp hơn, ý nghĩa hơn”.

Bông hồng màu đỏ, thấm thía hơn giá trị khi được ở bên những đấng sinh thành. Bông hồng trắng của những ai mất mẹ cha... giọt nước mắt tuôn ra trên khóe mắt khi chưa kịp báo đền công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Cũng có giọt nước mắt của sự hối hận bởi đã từng một lần làm buồn lòng mẹ cha. Ông Lê Ngọc Hoa, đến từ TP Vinh (Nghệ An) tâm sự: “Năm nào đến rằm tháng Bảy, gia đình tôi cũng vào Huế, lên chùa để nhất tâm cầu nguyện cho cha mẹ hiện còn thân tâm an lạc, thể hiện đạo làm con”.

Nói như Hòa thượng Thích Đức Phương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: “Đức Phật dạy: Gặp đời không có Phật, khéo thờ cha mẹ cũng là thờ Phật. ”.

Tinh thần mùa Vu Lan được mở rộng không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu quê hương đất nước và cả lòng nhân ái với những hoạt động thiện nguyện. “Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày mười phương chư Phật hoan hỷ. Ngày chúng tăng hân hoan thọ tuế sau 3 tháng an cư tịnh tu, cũng là ngày lễ truyền thống báo hiếu của hàng phật tử. Mọi người con phật hướng tâm tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục bằng cách cử hành đại lễ Vu Lan. Ngày báo hiếu cũng là ngày xá tội vong nhân”, Đại đức Thích Thiện Tuệ, Thư ký, Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết thêm.

Không khí mùa Vu Lan Thắng hội tràn ngập khắp nơi. Tại Tổ đình Từ Đàm, lúc 14 giờ ngày 24/8/2015 (11/7 âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Pháp hội trai tăng cúng dường toàn thể Tôn đức Tăng ni đã tinh tấn an cư tịnh tu viên mãn; cầu nguyện cho Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc và âm siêu dương thái. Đồng loạt các tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường tại các huyện, thị trong tỉnh trang hoàng cờ hoa rực rỡ, tụng kinh “Báo hiếu phụ mẫu ân” và “Kinh Vu Lan”, nhắc nhở phật tử, nhất là  các thanh thiếu niên, nhi đồng biết rõ công ơn to lớn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Bài, ảnh: Anh Phong