menu_open
Nghệ nhân Nhân dân Quỳnh Hoàng - Báu vật nhân văn sống của núi rừng A Lưới
22/11/2021 6:06:06 SA
Xem cỡ chữ:
Nghệ nhân nhân dân Quỳnh Hoàng là tấm gương trọn đời vì sự nghiệp văn hóa của quê hương đất nước.

Văn hóa Việt Nam hình thành, tồn tại và phát triển trải qua hàng ngàn năm trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử đất nước có lúc thăng trầm nhưng các thế hệ tiền nhân vẫn không ngừng gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam hình chữ S. Bên cạnh sự phát triển văn hóa của người Việt (người Kinh), văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã không ngừng phát triển tạo nên sắc màu văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới. Sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam luôn tạo nên những nét độc đáo dưới cái nhìn của bèbạn khắp 5 châu, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế và trong khu vực. Nhờ vào phương tiện truyền thông và giao lưu văn hóa mà người dân trên khắp thế giới biết đếnvăn hóa Việt Nam. Đặc biệt là đối với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm triển khai nhiều chương trình đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước.

Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần đã sản sinh trong đời sống, quá trình lao động và sáng tạo của đồng bào dân tộc cư trú từ vùng Tây Bắc trải dài dọc Trường Sơn đến tận cùng phía Nam của tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều di sản văn hóa quý giá được cộng đồng người dân gìn giữ cho đến hôm nay. Đặc biệt là kho tàng tri thức dân gian về sản xuất nông nghiệp;ẩm thực; kiến trúc dân gian; nghệ thuật diễn xướng, các tiết mục dân vũ, ca nhạc dân gian truyền thốngtrình diễn trong các lễ hội…

Bao đời nay, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện qua hoạt động lễ hội dân gian truyền thống. Những dàn cồng chiêng, ché đựng rượu cần, nhạc cụ dân gian… là thước đo về sự giàu có cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng. Bên cạnh đó, yếu tố con người, chủ thể hoạt động lễ hội có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhiều người đã được tiếp thu tri thức về hoạt động văn hóa lễ hội dân gian từ thế hệ trước, và với tinh thần say mê văn hóa tộc người, họ tiếp tục có những sáng tạo để làm phong phú thêm kho tàng văn hóa cộng đồng. Họ trở thành những người lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ tiếp theo vốn liếng văn hóa của cộng đồng.Với tài năng và tâm huyết vốn có, họ đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng.Khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục - Khoa học – Văn hóa của Liên hiệp quốc – UNESCO về việc “Bảo vệ văn hóa cổ truyền và văn hóa dân gian” thông qua tại kỳ họp toàn thể Đại hội đồng lần thứ 25 tại Paris ngày 15/11/1989 đề nghị tặng họ danh hiệu Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures).

Trên đất nước Việt Nam hiện có 54 tộc người cùng chung sống. Mỗi tộc người đều có một tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian phong phú, độc đáo, được lưu giữ trong trí nhớ, được truyền miệng, truyền ngón từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tài sản văn hóa này hiện đang có nguy cơ mai một trước sự biến đổi nhanh chóng về nhiều mặt của xã hội. Đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập văn hóa thế giới với sự tiếp sức của mạng internet đang phủ sóng toàn cầu. Khái niệm về “thế giới phẳng”, toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đối với đời sống văn hóa của con người xã hội hiện đại. Dù ở bất cứ nơi đâu, mọi người dân đều có thể thưởng thức được văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Chắc chắn rằng bên cạnh việc tiếp thu văn hóa lành mạnh, tích cực, chúng ta vẫn phải đối diện với những dòng văn hóa không mấy phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây chính là lúc chúng ta cần phải quan tâm đẩy mạnh việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thực hiện khuyến nghị của UNESCO và Điều 26 của Luật Di sản văn hóa (được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ chín khóa X ngày 29/6/2001): “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”, ngày 20 tháng 6 năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa – văn nghệdân gian đối với những “nghệ nhân” hoạt động văn nghệ dân gian trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ngày 07 tháng 8 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đối với Công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Khi được xét phong tặng, Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

2. Đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ;

3. Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng;

4. Tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng;

5. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về di sản văn hóa.

Ngày 13 tháng 11 năm 2015, Nghệ nhân Quỳnh Hoàng, ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định tặng danh hiệu Nghệ Nhân ưu tú với thành tích: Đã có cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 8 tháng 3 năm 2019, nghệ nhân Ưu tú Quỳnh Hoàng tiếp tục được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định tặng danh hiệu Nghệ Nhân nhân dân. Đây là danh hiệu cao quý của Nhà nước tặng cho nghệ nhân Quỳnh Hoàng và cũng là niềm vinh dự lớn đối với nhân dân huyện A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tên thường gọi của Nghệ nhân nhân dân Quỳnh Hoàng là Cu Xân, sinh năm 1920 (tính đến nay là 101 tuổi), ông là người dân tộc Tà Ôi, hiện đang sống tại thôn A Diên, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm lên 10, Quỳnh Hoàng đã theo gia đình tham dự các lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Tà Ôi. Trong các dịp lễ hội, cụ thường tìm cơ hội tiếp cận các già làng để được tận tai nghe những giai điệu âm nhạc của núi rừng, tận mắt thấy những động tác nhảy múa của trai làng, gái bản… Đặc biệt là thưởng thức tài năng biểu diễn cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống của các bậc trung niên, già làng, trưởng bản. Không những vậy, cụ còn tìm đến và hòa mình vào lễ hội của các dân tộc anh em khác ở A Lưới. Âm thanh từ tiếng đàn, tiếng khèn vang lên những giai điệu trữ tình đầm ấm cùng các câu ca, điệu lý đã tạo cho chàng trai Quỳnh Hoàng đắm mình vào không gian của tình yêu đôi lứa. Tiếng cồng, tiếng chiêng như thôi thúc đôi chân nhảy múa. Những hoạt động văn hóa nơi phố núi đại ngàn A Lưới đã làm cho Quỳnh Hoàng mê say và trở thành một người nghệ sĩ của nghệ thuật trình diễn văn hóa dân giantrong các lễ hội truyền thống cộng đồng. Năng khiếu thẩm âm từ đôi tai đã tạo cho Quỳnh Hoàngnhanh chóng trở thành một nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc. Từ năm 20 tuổi, Quỳnh Hoàng đã biết chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc như khèn bè Tà Ôi; sáoTireel; Âmplung (tương tự đàn Cha pi); Tù và; Căr đook adol (kèn làm bằng sừng sơn dương); Aben (đàn nhị); ntoong (đàn gỗ); Tâmphe’r (đàn Ta lư); Acưr (trống gỗ); các loại nhạc cụ bằng tre (phát âm thanh nhờ sức gió, sức nước, để đuổi chim thú nơi nương rẩy)…Khèn bè là loại nhạc cụ khó chế tác nhất, đòi hỏi nghệ nhân phải là người thành thạo trong biểu diễn khèn, nghe và phân biệt hòa âm chính xác những cung bậc âm thanh phát ra ở từng thanh đồng (những mảnh lá đồng dát mỏng, còn gọi là lam đồng, lưởi gà) cắm vào các “khẩu huyệt” được khoét trên các ống sậy nhỏ (còn gọi là loại trúc sậy) đã được hong phơi dưới nắng nhẹ, sau đó tiếp tục để trên giàn bếp củi của gia đình một thời gian dài. Hơi nóng và khói bếp sẽ tiếp tục làm cho ống sậy khô bóng và bền chắc. Các ống gắn liền vào nhau trong một “hộp gỗ” hình bầu dục (như hình hai bàn tay úp vào nhau) gắn bằng nhựa cây.Khoang rỗngcủa “hộp gỗ” chứa luồng hơi (hút vào, thổi ra) tác động vào các lá đồng tạo những âm thanh hòa quyện vào nhau, có những lỗ thoát hơi, khi bấm tay chận vào có thể điều khiển thang âm của khèn. Cơ chế hoạt động để tạo ra âm thanh tương tự nhưkhi thổi kèn Harmonica (khẩu cầm).

Ngoài chế tác khèn bè và các loại nhạc cụ dân tộc, Nghệ nhân Quỳnh Hoàng còn thẩm âm để chỉnh sửa âm thanh cồng chiêng. Đây là một công việc cực kỳ khó, đòi hỏi người chỉnh sửa cồng chiêng phải có năng khiếu thẩm âm tốt, cảm nhận được “thang âm cung bậc”, tiếng ngân dài ngắn, trong đục của từng chiếc cồng, chiêng ở trong từng vị trí của dàn nhạc cồng chiêng. Do trong quá trình chế tác (đúc chiêng) độ dày mỏng không đồng đều, âm thanh thiếu sự chuẩn xác, nghe chưa hay. Người chỉnh âm phải vừa nghe, vừa dùng các dụng cụ mài gõ tạo sự lồi lõm đồng đều ở hai mặt chiếc chiêng, cồng tạo hiệu ứng cho thanh âm chuẩn hơn khi dùng dùi hoặc tay đánh vào.

Từ lúc còn tuổi trẻ cho đến khi nhận vai già làng, nghệ nhân Quỳnh Hoàng luôn đi đầu trong sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở A Lưới. Ông đã không ngừng truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cho lớp trẻ. Những người muốn gặp ông để trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu về thực hành hoặc chế tác nhạc cụ  ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, cho dù người đó thuộc tộc người Tà Ôi, Ka Tu, Pa Cô hay Pa Hy. Vào những dịp Liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh (từ thời còn tỉnh Bình Trị Thiên), cho đến những lần tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc miền núi ở A Lưới ông đều tham gia dàn dựng các tiết mục cho đội văn nghệ xã A Ngo tham gia biểu diễn trong các dịp liên hoan nghệ thuật. Đặc biệt trong cuộc liên hoan nghệ thuật “Gặp gỡ cao nguyên” năm 1994, ông đã giành Huy chương bạc với tiết mục độc tấu cồng chiêng. Trong liên hoan nghệ thuật quần chúng “Miền Trung và Tây Nguyên” tổ chứctại Huế, ông đã cùng các già làng dàn dựng 2 tiết mục dân vũ cho đội văn nghệ A Ngo tham dự, kết quả cả hai tiết mục đều đạt huy chương vàng. Đội văn nghệ xã A Ngo, huyện A Lưới dưới sự dẫn dắt và chỉ đạo nghệ thuật của nghệ nhân Quỳnh Hoàng luôn đạt nhiều giải thưởng cao trong các lần tham dự liên hoan nghệ thuật quần chúng do các cấp tổ chức. Đó là phần thưởng tinh thần, là niềm tự hào của nghệ nhân Quỳnh Hoàng trong những năm tháng đóng góp cùng đội văn nghệ xã nhà A Ngo.

Tài năng của nghệ nhân Quỳnh Hoàng đã lan tỏa khắp cộng đồng dân tộc thiếu số ở miền Trung và Tây nguyên, nhất là trong lĩnh vực chế tác nhạc cụ.Nhiều đồng bào các tộc người ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã tìm đến cụ để mua hoặc đặt làm các loại nhạc cụ. Nhiều người còn mang cả cồng chiêng và các loại nhạc cụ bị hư hỏng đến nhờ ông chỉnh sửa. Trong một dịp đi khảo sát về tiềm năng du lịch ở huyện Tây Giang cùng phóng viên Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi đã được anh Ploong Plênh,Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đưa đến nhà già làng C’lâu Blao ở làng Voòng, xã Tr’hy, tại đây tôi đã trông thấy cây khèn bè giống y cây khèn do nghệ nhân Quỳnh Hoàng đã làm cho tôi. Tôi hỏi già làng C’lâu Blao, đây có phải là cây khèn do Ông Quỳnh Hoàng ở A Lưới làm không?Ông C’lâu Blao gật đầu xác nhận. Hôm đó mọi người có vẻ nể tôi về kiến thức nhận biết xuất xứ của nhạc cụ. Tôi cũng cảm thấy tự hào về sự xuất hiện nhạc cụ của đồng bào dân tộc A Lưới (Thừa Thiên Huế) tại Quảng Nam. Hỏi ra mới biết, hiện nay ở cộng đồng dân tộc Ka Tu ở Quảng Nam không còn ai chế tác được nhạc cụ khèn bè. Tôi cũng lo rằng, nếu nghệ nhân Quỳnh Hoàng qua đời thì còn ai ở A Lưới làm được khèn bè, một nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong hoạt động văn nghệ dân gian ở A Lưới. May thay vẫn còn truyền nhânPi Kêr Dơ, sinh năm 1973, dân tộc Pa Cô, ở thôn Lê Ninh, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới. Anh Pi Kêr Dơ hiện công tác ở phòng Văn hóa thông tin A Lưới, là người được nghệ nhân Quỳnh Hoàng truyền ngón nghề chế tác khèn bè và nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Hiện nay, nhiều di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một. Ngành văn hóa và lãnh đạo các địa phương đã có những đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, các lễ hội truyền thống của đồng bào đã được phục dựng. Một số di sản được làm hồ sơ công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia. Nhiều nghệ nhân được tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” như trường hợp Nghệ nhân nhân dân Quỳnh Hoàng; Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư ở huyện A Lưới. Đây chính là những người con tiêu biểu đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng dân tộc A Lưới. Họ xứng đáng là những Báu vật nhân văn sống của cộng đồng, của quê hương đất nước.

Ghé thăm Nghệ nhân nhân dân Quỳnh Hoàng lần này, trong căn nhà sàn truyền thống của người Tà Ôi. Đây là một trong những ngôi nhà sàn hiếm hoi còn giữ được ở A Lưới. Hầu chuyện với ông tôi mới nhận ra rằng dù nay đã ngoài 100 tuổi, đôi chân già yếu không thể tự đứng lên được, nhưng cứ nhắc đến kỷ niệm về những lần tham gia lễ hội làng hay liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc, mắt ông lại sáng lên với dáng vẻ tiếc nuối. Những bằng công nhận, bằng khen, giấy khen,những tấm hình chụp nghệ nhân Quỳnh Hoàng đang biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở bản làng hay trên sân khấu hội diễn; những hình ảnh khi ông nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; Nghệ nhân nhân dân do chủ tịch nước tặng đã trở thành những kỷ vật quý giá của cuộc đời ông. Ngôi nhà sàn và những hiện vật phục vụ cho đời sống và hoạt động nghệ thuật do ông tự tay chế tác là những hiện vật gốc quý giá. Tôi tin rằng nếu gia đình phối hợp cùng tổ chức du lịch ở địa phương đầu tư xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách. Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, những sản phẩm du lịch văn hóa đang rất được du khách quan tâm.

Những tưởng rằng tuổi đã quá già, sức khỏe ngày càng yếu chắc từ nay nghệ nhân Quỳnh Hoàng khó có thể tiếp tục chế tác hay chỉnh sửa nhạc cụ được nữa. Nhưng khi ông chỉ chiếc khèn bè của người em mang đến nhờ ông chỉnh sửa, ông bảo với tôi rằng, vài hôm nữa sẽ sửa chiếc khèn cho chú em. Tôi chợt nghĩ ra rằng cho đến hơi thở cuối cùng, Nghệ nhân nhân dân Quỳnh Hoàng vẫn còn đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao A Lưới. Nghệ nhân nhân dân Quỳnh Hoàng là tấm gương trọn đời vì sự nghiệp văn hóa của quê hương đất nước.

Tác giả: Nguyễn Thế
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>