menu_open
Nghệ nhân ca Huế Minh Mẫn
16/03/2018 8:23:51 SA
Xem cỡ chữ:
Nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn- ảnh TTO
Nghệ nhân Minh Mẫn tên thật là Nguyễn Thị Mẫn sinh năm 1925 trong một gia đình tiểu thương ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. “Nhất Huế, nhì Sịa” câu cửa miệng từ xưa truyền lại nói lên sự nhộn nhịp, sấm uất của Sịa trong quá khứ. Sịa là địa phương có sự phát triển của bộ môn nghệ thuật ca Huế của xứ Thuận Hóa, chí đứng sau chốn kinh đô.
Nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn- ảnh TTO

Từ 13, 14 tuổi, cô bé Mẫn đã theo cha và các chị học nghề buôn bán. Mẫn đã trở thành cô gái bán các mặt hàng như: chiếu, chén, om, trách…Mẫn đã ngược xuôi trên những con đò chở hàng, rồi nghe được các làn điệu ca Huế như Kim Tiền, Cổ Bản, Nam Xuân, Ngũ Đối…qua những chuyến đi về giữa Sịa và Huế. Những cung bậc tình cảm của ca Huế từ vui tươi, trong sáng, đến thâm trầm da diết đã thấm dần vào tâm hồn của cô bé. Từ yêu thích, Mẫn đã quyết tâm đi học hát, học đàn. Nhờ lanh lợi, có trí nhớ tốt và đam mê học hỏi, bé Mẫn nhập môn nhanh, tiến bộ rõ, được các thầy hết sức khen ngợi. Minh Mẫn có giọng ca khỏe khắn, trong trẻo, tươi sáng. Có một nghịch lý là người cha rất yêu thích ca Huế, nhưng lại ra sức ngăn cản con học nghệ thuật này. Thương cô em thích học đàn, học hát ca Huế, người chị của Mẫn đã giúp em tối tối đóng, mở của mỗi khi ra ngoài. Buổi tối muốn đi học, sau khi cơm nước xong, Mẫn giả vờ đi ngủ sớm, chờ khi cha ngủ lẻn ra khỏi nhà. Người chị buộc giây ở tay, đầu kia móc ở ngách cửa, khi Mẫn về giật giật dây báo hiệu để chị ra mở cửa cho mình vào nhà. Cứ thế, suốt mấy năm trời người cha nghiêm cấm con đi học hát vẫn không hay biết. 
 
Cô bé Mẫn đã phải vượt qua biết bao khó khăn do sự ngăn cấm của gia đình để đến với ca Huế. Con đường học đàn, học hát ca Huế của bé Mẫn có cả nước mắt, đòn roi, do người cha kiên quyết không cho con theo nghề, mà ông và nhiều người thời bấy giờ vẫn quan niệm là “xướng ca vô loài” (người làm nghề hát xướng không được xếp vào một loại người nào trong xã hội). Nghệ nhân Minh Mẫn kể về nỗi truân chuyên, sóng gió ấy: “ Cũng vì mê hát ca Huế, mệ đã trốn cha đi học đàn, học hát lúc 11 tuổi. Cha mẹ kiên quyết không cho, vì nặng về lễ giáo phong kiến, nên “cấm cửa” không cho theo nghề. Mệ phải lách cửa trước, lén cửa sau mới trốn được ra ngoài để đi học hát”. Lớp học được tổ chức trong làng, do các thầy trong làng truyền dạy. Cô bé Mẫn theo học các thầy: thầy Cửu Song dạy đàn nguyệt, thầy Văn Thuyền dạy đàn bầu, thầy Thông Đình dạy ca và đàn tranh. Thời ấy, Sịa là địa phương được xem có nghệ thuật ca Huế phát triển ở Thừa Thiên Huế, sau kinh đô Huế. Vì quá yêu thích ca Huế nên sau mỗi buổi chợ, Mẫn lại ghé vào những nơi có đàn hát để xin ca vài bài; rồi lại trốn đi học ca. Có khi Mẫn đến nhà ông Cửu Song từ sáng sớm, xin được học ca trong khoảng một tiếng đồng hồ rồi vội vàng về nhà buôn bán. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô bé Mẫn đã trở thành một giọng ca nổi tiếng của các làng, xã trong vùng. Điều thú vị là các bậc “hào lý” trong vùng rất thích bé Mẫn ca”. Mẫn thường được các vị chức sắc mời đến ca những dịp các vị tổ chức những chuyến đi thưởng ngoạn trên đò. Những món tiền thù lao đầu đời đó, bé Mẫn cất kỹ, không cho ai biết, vì sợ lộ mình đi hát, chỉ đem dùng “khi thật thèm ăn bánh, mới lén ra ngoài mua”. Biết cha Mẫn cấm con theo nghề “đàn ca hát xướng” nên các quan chức làng, tổng còn “cẩn thận” đe dân làng không cho ai để lộ cho cha bé Mẫn biết con mình đi hát. Trên những chuyến đò đi và về giữa Huế và Sịa để buôn bán, Mẫn thường cất lên những tiếng hát những bài ca Huế, dân ca mà cô đã học được. Cảm mến tài năng hé lộ của gái bán hàng, có khách hàng đã giới thiệu Mẫn tham gia các buổi ca Huế của giới thượng lưu ở Huế. Minh Mẫn phải sắp xếp việc buôn bán ở chợ Đông Ba để tranh thủ đến với các sa lông ca Huế như ở nhà ông Trợ Cơ đường Phan Đăng lưu, phủ ông Hường Khanh, phủ ông Ưng Bình…
 
Năm 18 tuổi Minh Mẫn bắt đầu ca trên con đò dọc sông Hương. Lúc đó chỉ có bốn con đò ca Huế ở sông Hương: hai chiếc ở khu vực Đập Đá và hai chiếc ở khu vực trước Kinh thành. Bốn con đò đó cũng chỉ có bốn giọng ca nổi tiếng: Minh Điền, Bích Liễu, cô Năng và Minh Mẫn. Vừa mới xuất hiện trên sông Hương, Minh Mẫn đã là một giọng ca để người đời còn nhớ mãi. Giọng ca Minh Mẫn từ Sịa lần đấu cất lên trên sông Hương làm mọi người sửng sốt. Mọi người hỏi nhau, thán phục: “Giọng ai mà nghe hay ghê rứa hè?”. Minh Điền, một giọng ca Huế đàn chị thì hết lời khen đàn em Minh Mẫn: “Nhà quê mà răng ca giỏi rứa! Tau chịu rồi đó!”. Hồi đó, mỗi tuần, lịch biểu diễn ca Huế trên đò chỉ vài ba tối. Khách nghe ca Huế đều là những người có chức sắc, tao nhân mặc khách. Họ thưởng thức ca Huế đều biết ít nhiều về giá trị của nó, đồng thời trân trọng di sản quý báu này. Những hôm có lịch biểu diễn ca Huế trên sông Hương, Minh Mẫn nói dối cha do lấy hàng muộn, nên phải ở lại Huế, sáng mai mới về nhà. Vì thế, khi giọng ca Minh Mẫn đã “dậy sóng” dòng Hương mà người cha vẫn không hay biết. Khi đã nổi tiếng trên con đò ca Huế, Minh Mẫn được Đài Phát thanh mời thu thanh để phát sóng trong các chương trình ca Huế. Từ đó, Nguyễn Thị Mẫn có nghệ danh là Minh Mẫn. Cha Minh Mẫn nghiêm cấm con theo nghề ca Huế, nhưng lại là một người yêu thích ca Huế. Ông hầu như  không bỏ một chương trình ca Huế nào phát trên Đài. Lần đầu tiên nghe giọng ca Minh Mẫn trên sóng phát thanh người cha xuýt xoa, đi ra, đi vào: “Minh Mẫn là ai mà ca hay quá chừng!”. Ông không ngờ rằng giọng ca mà mình ngưỡng mộ ấy là của đứa con gái thứ tư bé bỏng của mình ngày nào. Dĩ nhiên do sợ cha, Minh Mẫn không cho cha biết sự thành danh của mình.
 
Nhưng rồi dần dần ông cũng hiểu ra sự tình. Đó là một ngày, cha Minh Mẫn được ông Kim Sanh, chủ một đoàn ca Huế nổi tiếng, tìm đến nhà, đề nghị cha mẹ Minh Mẫn cho con gia nhập gánh hát. Cha Minh Mẫn rất bất ngờ, nhưng không còn kiên quyết “cấm cửa” con nữa, mà vui lòng đồng ý cho con theo đoàn Kim Sanh. Có lẽ một mặt ông “sợ lệnh quan trên”, mặt khác “cũng thấy mát mặt, mát mày” khi gia nhập đoàn hát nổi tiếng từng nhiều lần biểu diễn cho Hoàng gia và Triều đình xem. Gia nhập đoàn Kim Sanh, tiếng tăm Minh Mẫn càng nổi như cồn. Bà có vinh dự là người nghệ sĩ được vua Bảo Đại hâm mộ và nhiều lần hát cho vua nghe. Ở tuổi 90, khi nhớ về thời kỳ vàng son nghề của mình, khuôn mặt bà bỗng trở nên rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Bà nhớ lại, mỗi tuần Bảo Đại ra Ngự Viên hai lần để dùng cơm trưa. Sau bữa trưa, Minh Mẫn được điều đến biểu diễn phục vụ vua. Người nghệ nhân già kể: “ Đồng ấu của Ngài thì nhiều lắm, nhưng Ngài không thích. Mệ hát xong, Ngài đưa tay ngoắt đến gần, vừa xoa đầu mệ, Ngài vừa nói, “con giỏi lắm”, giọng Ngài ấm áp, nhẹ bổng”. Minh Mẫn cũng là giọng ca ruột của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Bà Từ Cung cũng đã nhiều lần cùng vua Bảo Đại nghe Minh Mẫn hát ca Huế ở Ngự Viên. Về sau, khi sống ở cung An Định, một tháng vài ba lần, bà Từ Cung cho gọi Minh Mẫn đến hát cho mình nghe. Nghệ nhân cho biết, “Ngũ Đối” là bài bà Từ Cung ưa thích. Khoảng năm 1944 nhạc sĩ Phạm Duy đến Huế và nhiều lần nghe ca Huế trên sông Hương. Ông đến Huế trong chuyến lưu diễn cùng gánh hát Đức Huy- Sharlot Miều. Nhạc sĩ Phạm Duy nhớ lại: “ Được nằm trong khoang thuyền nghe ca Huế từ đêm cho đến sáng. Trước đây tôi chỉ được nghe  ca Huế qua đĩa Béka. Giờ đây được nghe trực tiếp tiếng đàn của Vĩnh Phan, giọng ca của Bích Liễu (vợ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những điệu hò Mái nhì, Mái đẩy, những lý tình tang, những Nam Ai, Nam Bình trong khung cảnh nên thơ của sông Hương về đêm, thật quá tuyệt vời”. Nhạc sĩ Vĩnh Phan đánh giá rất cao Minh Mẫn khi nói với Minh Mẫn: “O ơi! Giọng O tốt hơn mụ Liễu (danh ca Bích Liễu) vợ tui!”
 
Bà Minh Mẫn kết duyên với ông Cao Hữu On, một nghệ nhân tài hoa, hết lòng ủng hộ bà đi trên con đường nghệ thuật ca Huế. Nghệ nhân Cao Hữu On chơi được nhiều nhạc cụ như: trống, nhị, nguyệt, tỳ, tranh… Người chồng tài hoa này đã nâng niu, chắp cánh cho giọng ca Minh Mẫn phát huy tài năng. Trước năm 1975, Minh Mẫn, Thanh Hương, Vân Phi là những giọng ca Huế nổi tiếng ở chốn sa lông và trên sóng phát thanh. Nhiều năm sau 1975 những giọng ca ấy, vẫn vang lên cuốn hút lòng người trong các hoạt động nghệ thuật, trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong các câu lạc bộ…Các nghệ nhân còn tham gia truyền dạy ở Trường Quốc gia Âm nhạc Huế và các cơ sở đào tạo nghệ thuật ca Huế ở thành phố Huế. Khi tuổi đã cao, nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Hương còn truyền dạy ca Huế cho một cơ sở trẻ mồ côi.
 
Nghệ nhân Minh Mẫn có một lối ca tinh tế. Bà nổi tiếng với các điệu như: Phẩm tiết, Nguyên Tiêu, Lộng Điệp, Cổ Bản, Quả Phụ, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Nam Ai, Nam Bình…Bà cũng là người còn thuộc lời cổ điệu Long Ngâm. Bà đã sống trọn đời với ca Huế. Nghệ nhân Minh Mẫn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật ca Huế.
 
Bà đã qua đời vào ngày 13/3/2018. Hưởng thọ 93 tuổi.

(Ghi chú: Tiêu đề bài viết "Hát ở Ngự Viên" đã được thay đổi cho phù hợp với nội dung giới thiệu của chuyên mục trên trang)

Minh Khiêm
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>  
EMC Đã kết nối EMC