1. Từ truyền thống gia đình
Ông Lê Văn Kinh sinh ngày 02.03.1931, quê quán ở xã Quốc Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có nghề thêu truyền thống vì ông nội là người thợ thêu Lê Chí Thành, được triều Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân trong một cuộc trưng tập thợ giỏi nhiều ngành nghề khắp đất nước Cụ được giao thêu các trang phục của hoàng triều và các vật dụng trang trí nội thất cung điện đình tạ. Cụ đã lập nên hiệu thêu Đức Thành trên đường Gia Long (nay là đường Phan Đăng Lưu, Huế). Trong thời buổi khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng ông vẫn hăng say, đem hết nhiệt huyết, khả năng để truyền dạy cho hàng ngàn thợ thêu. Rồi thân sinh của ông là cụ Lê Văn Hỡi, một thợ thêu có tiếng dưới triều Nguyễn là thêu mũ, nón, tranh ảnh...phục vụ cho vua quan nhà Nguyễn.
Ông ngoại là Nguyễn Văn Giáo làm Tham tri Bộ Lễ tiếp cận được nhiều nho sĩ trí thức đương thời. Do đó, ông Nguyễn Văn Giáo muốn cháu mình sớm tiếp xúc văn hóa truyền thống dân tộc nên ông Lê Văn Kinh khi đó mới lên 5 tuổi được ông ngoại đưa vào Đại Nội để theo học chữ Hán và ở luôn với ông ngoại. Và được học chữ Hán với các thầy Phạm Lương Hàn, Bạch Mai cư sĩ, Lương y Phạm Minh Luân những người này vốn đang làm việc chung với ông Nguyễn Văn Giáo. Cần mẫn luyện chữ Hán từ nhỏ nên khi bước chân vào trường Quốc Học Huế, ông Lê Văn Kinh đã giỏi Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp, học hành nghiêm cẩn ngay từ lúc thiếu thời. Từ đó cho đến nay nên ông vẫn giữ được những yếu tố truyền thống của một gia đình xứ Huế. Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn học ngành Hóa tại Đại học Khoa học, sau đó bỏ học vì cha bị bệnh, ông về Huế học Luật sư tại Viện Đại học Huế. Sau khi cha mất, ông đã thay cha quản lý cơ sở và gắn bó với nghề thêu, đó là con đường mà ông chọn lựa để giữ nghiệp gia truyền của tổ tiên.
Ông Lê Văn Kinh tâm sự rằng “Trên đời này, làm nghề gì cũng có cái đạo của nó. Chữ nghĩa lại càng cần đến đó hơn”. Trong đời ông đã viết 118 chữ Tâm và 14 chữ Nhẫn. Chính những chữ Tâm và chữ Nhẫn đó đã theo ông suốt một hành trình làm bạn với những đường kim mũi chỉ thêu thùa để rồi hình thành nên thương hiệu tranh thêu Đức Thành đến hiệu Cẩm Tú rồi Hợp tác xã thêu Phú Hòa và giờ đây đã trở lại với tên quen thuộc đó là hiệu thêu Đức Thành tại số nhà 82 đường Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa, thành phố Huế.
2. Nối nghiệp nghề thêu
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống thêu lâu đời nên niềm đam mê nghệ thuật với tranh thêu đã có trong ông từ thuở còn nhỏ. Tác phẩm thêu đầu tay của ông là bức tranh Tùng hạc - hai con hạc đậu trên một nhánh tùng - được thực hiện khi ông chỉ mới 10 tuổi với những đường nét tinh xảo hiếm thấy đã khiến cho bạn bè và gia đình hết sức kinh ngạc. Thấy được khả năng ấy, ông đã được bố truyền dạy nghề tranh thêu một cách bài bản hơn. Ông đã được bố truyền lại cửa hàng thêu của gia đình, cửa hàng này đều do một tay ông tiếp quản, tiếng tăm cửa hàng của ông thì không một người đam mê tranh thêu nào ở Huế mà không biết và xem đó là địa chỉ tin cậy mỗi khi đến đặt mua hàng.
Kể từ khi chính thức bước vào nghề thêu, ông luôn trăn trở là làm thế nào để có một bức tranh đẹp. Mà có một bức tranh đẹp thì trước hết người thợ thêu phải vẽ một tác phẩm hội họa thật đẹp. Từ đó ông còn học thêm căn bản mĩ thuật hiện đại từ hai người thầy họa sĩ nổi tiếng ở Huế bấy giờ là Tôn Thất Đào và Lê Yên (nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế). Vì vậy cách dựng hình, phối màu trên bức tranh thêu của ông trở nên linh hoạt, khắc phục được những điểm yếu của lối thêu dân gian truyền thống. Rồi sau đó, dùng mũi kim thêu lên trên những đường nét đó. Bí quyết công việc của người thợ thêu là làm sao cho bức tranh trở nên có hồn. Những bức tranh mà ông đã thêu đa số là hình ảnh của quê hương đất nước, như bức tranh thêu sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Đêm trăng Vĩ Dạ, cầu Tràng Tiền...Do vậy, bạn bè, đồng nghiệp gọi ông là người thổi hồn đất nước vào tranh thêu.
Trước năm 1975, ông đã cùng với cô em gái là Bích Đào đã tạo tiếng thơm cho hàng tranh thêu truyền thống Huế. Tham gia rất nhiều cuộc triển lãm tranh thêu ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và Đà Lạt. Năm 1958, ông đã gây tiếng vang lớn khi gửi bức tranh bức tranh thêu ông Trần Bình Trọng cưỡi sư tử có tên là Bất khuất được triển lãm tại New York Hoa Kỳ năm 1958.
Hiệu thêu Đức Thành đã tham dự hội chợ triển lãm giải trí Sài Gòn năm 1957 và những hàng thêu của hiệu này được nhiều người tán thưởng, chứng nhận số 3571HC/KT/CI ngày 07.05.1958 của tỉnh trưởng Thừa Thiên.
Sau ngày đất nước giải phóng, ông phụ trách Tổ thêu xuất khẩu Cẩm Tú tiền thân của Hợp tác xã Thêu gia công Phú Hòa bây giờ, theo giấy phép kinh doanh số 04GP/KD ngày 10.09.1975 của Ủy bân nhân dân cách mạng thành phố Huế. Nhận gia công sản xuất những mặt hàng thêu xuất khẩu của Nhà nước. Khi có tổ thêu rồi, ông đã tạo công ăn việc làm cho bà con quanh khu phố Phú Hòa. Nhận thấy được tổ thêu Cẩm Tú của ông làm ăn phát đạt, lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên đã mời ông dạy thêu cho bà con trong tỉnh và ông đã đồng ý, ông lặn lội ra Quảng Bình, Quảng Trị để dạy nghề thêu. Nhờ sự nhiệt tình, năng nỗ và những bí quyết truyền nghề của ông mà hàng trăm cơ sở thêu tranh ở tỉnh Bình Trị Thiên đã hoạt động trở lại. Những năm trước 1990, hàng thêu của các hợp tác xã do ông lập ra được xuất qua thị trường Đông Âu và Liên Xô cũ. Khi mất thị trường này, ông lại chuyển hướng tìm thị trường mói là thêu hàng cho các hãng Nissho Sanshin của Nhật Bản, rồi gia công áo Kimono.
Ngày 26.04.1976 Hợp tác xã gia công thêu Phú Hòa được thành lập gồm 152 xã viên và 1 Ban quản trị, 1 Ban Kiểm soát. Ban quản trị gồm ông Lê Văn Kinh chủ nhiệm, Nguyễn Thị Mùi phó chủ nhiệm đặc trách kĩ thuật, Trần Thị Trúc thư kí tài vụ. Ban kiểm soát gồm ông Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn hồ và bà Hoàng Thị Ngọc Anh.
Dù ở cương vị nào ông cũng hết lòng vì công việc, trăn trở với nghề thêu, luôn tìm tòi sáng tạo để níu giữ phục hồi nghề mà gia đình ông đã truyền lại. Nhận thấy được trách nhiệm và vinh dự đó nên ông luôn ghi chép những kĩ năng của nghề. Ông cho biết, người làm nghề thêu phải biết kết hợp một cách tinh tế rất nhiều yếu tố lại với nhau. Muốn cho ra đời một bức tranh thêu sống động thì người thợ thêu phải biết gửi gắm cả tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Kim thêu phải mua ở chợ Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi mang về gia công mài nhỏ đạt đến độ sáng bóng thì đường thêu mới tinh xảo. Chỉ thêu ở Huế là loại chỉ mộc được làm bằng tơ tằm, sau khi mua chỉ thô về, người thợ phải tự tay nhuộm màu cho chỉ theo bí quyết gia truyền riêng. Nhờ vậy mà sợi chỉ thêu sau khi được người thợ xử lý đã trở nên bền hơn mà không bị đứt gãy. Màu sắc của những bức tranh sau khi hoàn thiện cũng thanh thoát ưa nhìn hơn.
Với ông, nghề thêu đòi hỏi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay và sự phong phú trong sáng tạo của khối óc. Suốt một đời chuyên tâm với nghề thêu, vui buồn theo cung bậc của từng đường kim, mũi chỉ, ông luôn tìm thấy niềm tự hào để vui sống cũng là góp phần làm giàu bản sắc văn hóa Việt trong từng bức tranh thêu. Ông luôn căn dặn các thế hệ học trò rằng điều quan trọng nhất trong đời một người thợ thêu là chữ Tâm và sự cần mẫn đó là chữ Nhẫn, có cái tâm sáng thì lòng mới trong, mới nắm bắt được cái hồn của từng tác phẩm. Sự cần mẫn của đôi tay mới có thể sáng tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất. Yêu cầu đầu tiên là phải kiên nhẫn bền chí, khổ luyện công phu, cộng với tính mẫn cảm suy diễn được theo màu sắc chỉ để điều phối thế nào là hợp lý, đạt thành tựu cao. Vận dụng hết thảy kinh nghiệm nghề nghiệp, sự sáng tạo, tính nhạy bén, khả năng suy đoán của từng người, chứ rất khó diễn tả thật chi tiết bằng lời.
Theo nghệ nhân Lê Văn Kinh thì nghề thêu tay truyền thống từ xưa đến nay có bốn ngành riêng biệt gồm: Trang trí nội thất, y môn quần bàn, thêu theo lối mới và thêu ren xuất khẩu. Về sau này, do yêu cầu thẩm mỹ của khách hàng ngày một nâng cao nên ông mới sáng tạo thêm một ngành thêu mới, đó là thêu Thư pháp.
Tất cả các kỹ thuật trong nghề đều được ông truyền dạy lại cho tất cả các học trò, những thợ thêu lúc bấy giờ. Kỹ thuật thêu ông truyền dạy có tất cả 7 công đoạn: Nối đầu, Lướt vặn, Đâm sô, Bó bạt, Sa hạt, Khoắn vảy, thêu Chăng chặn, những kỹ thuật thao tác nào khó nhất được ông lần lượt dạy trước sau một cách cần mẫn. Và cứ sau mỗi lớp dạy lại có bài kiểm tra, đợt hai thử tay nghề, đợt ba là tạo sản phẩm đầu tay rồi mới đưa vào sản xuất. Thời điểm này, các sản phẩm ở xưởng thêu đều được cung cấp cho thị trường Đông Âu. Những bức tranh thêu được tạo trên những nền màu, vải, lụa khác nhau rất phong phú và đa dạng về mẫu mã. Và cho đến nay tất cả những kỹ thuật này đều được truyền nối qua các thế hệ, làng nghề thêu khắp cả nước.
Năm 1994, ông về hưu nên có nhiều thời gian rảnh thì ông đã dành toàn bộ công sức, toàn tâm nghiên cứu, sáng chế, tạo ra những đường nét rất riêng trong mỗi bức tranh thêu của mình, không đơn giản chỉ dừng lại ở các bức tranh thêu đơn thuần về phong cảnh, tĩnh vật, con người, lễ hội ông là người đầu tiên trong cả nước thêu thơ trên tranh bằng chất liệu tơ tằm, chỉ Tisso bằng những đường nét uyển chuyển kiểu thư pháp họa.
Mỗi bức tranh thêu ông phải mất hơn 2 tháng mới hoàn thành trong đó có những bức do bị lỗi chữ, lỗi dịch, lỗi chỉ…chỉ cần có tì vết là phải bắt đầu lại từ đầu của công đoạn thêu. Người thợ thêu cần phải chịu khó rà soát kỹ ở trên hình thêu, thì sẽ không còn sai lệch khiếm khuyết vì vậy mỗi tranh thêu từ sản phẩm bình thường thành tác phẩm nghệ thuật.Yêu cầu tiên quyết là phải kiên nhẫn bền chí, và nếu có thêm điểm phụ là tính mẫn cảm suy diễn dựa theo màu sắc chỉ để điều phối đạt thành tựu cao.
Một thợ thêu xưa đâu chỉ có cầm kim, làm chỉ mà phải biết vẽ như họa sĩ, biết may, chưa kể phải làm công việc của một thợ mã dán từng mảng màu lên nền cho chính xác đến từng nét chỉ để thêu chồng theo đó. Ông Kinh còn tạo ra cho mình một cách thêu riêng mà từ trước đến nay chưa từng ai biết đến. Đó là thêu tranh bằng một loại chỉ kim tuyến, tạo ra được một bức tranh với cách thể hiện đa chiều, có độ tương phản đậm nhạt của ánh sáng. Ông lấy ra một bức tranh phong cảnh Huế, trên đó chỉ với một sợi chỉ kim tuyến vàng trên nền gấm đen, đã làm cho các sản phẩm được thể hiện một cách rất sinh động bởi màu sắc truyền thống.
Hiện nay, chỉ thêu có nhiều loại, chỉ xe bằng sợi bông vải, chỉ xe bằng tơ dứa, tơ tằm và nylon hiện đại. Nhưng các loại trên đều có độ mềm dễ xâu kim và rút thêu trên nền vải nỉ nhung gấm dễ điều khiển theo họa tiết uốn lượn hòa màu. Trong khi đó, sợi kim tuyến rất cứng, phía trong cốt lõi là một sợi chỉ được quấn quanh bằng sợi kim loại dẫn điện rất mãnh nhỏ hoặc hiện nay bằng hóa chất kéo thành sợi mềm tạo nên sợi kim tuyến có 2 lớp: lõi chỉ trong và vòng bao ngoài.
Thêu theo loại chỉ kim tuyến rất khó vì lúc thêu xâu sợi kim tuyến vào kim không dễ và lúc thêu càng khó hơn. Nếu kéo mạnh tay thì sợi kim tuyến cứa mạnh vào nền vải làm rách đứt sợi vải dệt, còn nếu kéo nhẹ thì sợi kim truyến không nằm sát vào nền vải. Do thêu rất nhẹ tay và tốn nhiều công, đào tạo từ lâu nhưng đến nay mới có 3 người nối nghiệp thêu bằng kim tuyến thật sự.
Cơ sở của ông hiện tổ chức dạy nghề thêu cho những trẻ em khuyết tật tại nhà, tham gia sáng tác mẫu, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều anh em trong nghề thêu ở Huế.
3. Những dấu ấn để lại cho đời
Ông là người thực hiện kỹ thuật thêu tay kim tuyến nhỏ sợi do Nhật Bản sản xuất, bằng cách ghép 2 sợi kim tuyến để thêu trên nền lụa tơ tằm màu đen, tạo ra ánh sáng tự nhiên phản chiếu đa chiều. Kỹ thuật này được ứng dụng vào 8 môn thêu truyền thống để tạo thành sản phẩm mỹ thuật hiện đại. Với tài năng của ông đã được bạn bè và đồng nghiệp khen ngợi. Ông còn nghiên cứu, thực hiện phương pháp thêu 2 sợi chỉ kim tuyến sáng tác các mẫu thêu áo Kimono xuất khẩu sang Nhật Bản. Các tác phẩm thêu kim tuyến như Kim Mã, Bên đèn mẹ vá áo, Huế trăng và câu thơ Hàn, Cầu cho mưa thuận gió hòa, Điểm tựa, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh đã khẳng định được tài năng tay nghề và sự sáng tác mới của ông. Nhờ triển khai kĩ thuật thêu mới này đã cung ứng những tác phẩm thể hiện mẫu mã mới lạ hấp dẫn khách hàng trong nước thích thú lựa chọn mua và du khách quốc tế nhanh chóng tiếp nhận, được quảng bá rộng rãi bằng cách đưa vào các tập ấn phẩm du lịch LONELY PLANET in nhiều thứ tiếng.
Vốn là một Phật tử, ngoài việc tham gia Phật sự, ông còn tìm cách đưa những bộ kinh Phật vào trong nghệ thuật thêu. Và rồi Bản kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh ông bắt đầu thực hiện thêu tay từ tháng 10.1994 - 3.1997 thì hoàn thành. Bản kinh được thêu chỉ kim tuyến nhỏ sợi bằng hai bản chữ Hán và chữ Việt. Nền trang sách kinh bằng lụa tơ đen, kích cỡ của mỗi cuốn là 0,3m chiều dài x 0,21m chiều ngang x 0,032m bề dày. Tác phẩm thêu được hoàn thành với 13 tấm chữ Việt và 12 tấm chữ Hán. Hai cuốn kinh có bìa trang ngoài bằng gỗ sơn son thếp vàng, chữ thếp vàng. Bìa trang trong bằng lụa tơ đen, chữ thêu kim tuyến. Hai cuốn Kinh được đựng trong hộp gỗ sơn son thếp vàng kích thước ngang 0,26m và dài 0,36m. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cho nghệ nhân Lê Văn Kinh về bản kinh “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” thêu bằng chỉ kim tuyến đầu tiên tại Việt Nam, ngày 21.09.2013, số 1414/KLVN/2013.
Ông còn có bức tranh thêu Bồ Đề Đạt Ma với chỉ thêu đen trắng với những đường kim mũi chỉ đến xuất thần, làm mê hồn những người thưởng lãm. Bức tranh thêu này được ông tặng lại cho Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, mỗi khi đến đây ai ai cũng khen ngợi, đồng tình, đồng cảm công sức lao động nghệ thuật của ông, tấm lòng của ông đối với Phật giáo xứ Huế.
Nghệ nhân Lê Văn Kinh còn thêu bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khổ 59cmx94cm. Một bức được thực hiện theo lối chữ viết quốc ngữ và phần phiên âm. Bức thứ hai được thực hiện bằng lối viết thư pháp chữ Hán. Cả hai bức thêu này được thể hiện trên nền gấm màu trắng ngà, dệt bằng bảy màu chỉ khác nhau hay còn gọi là gấm thất thể, thực hiện trong thời gian hơn 1 tháng.
Hoặc ông cũng đã thêu bài thơ Cáo tật thị chúng, tác phẩm của Mãn Giác thiền sư được thể hiện bằng 14 thứ tiếng như: Việt, Hán, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Đan Mạch... cùng một số tiếng dân tộc thiểu số khác trên đất nước ta như Chăm, Pa Cô, Tà Ôi, Cơ tu, Bru - Vân Kiều, Pa Hy để giới thiệu tới du khách.
Tháng 8.2012, ông có 50 bức tranh thêu chủ đề Phật giáo tham gia triển lãm ảnh tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, Huế). Đặc biệt, trong dịp Festival Huế 2014, ông có bức tranh thêu“Quốc hoa” và “Vinh quy bái tổ” được công chúng yêu tranh đánh giá cao, nhiều du khách nước ngoài đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Đặc biệt, tác phẩm “Quốc hoa” đã kết tinh trí tuệ đỉnh cao của nghệ thuật, đó là sự công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, bức tranh được thêu bằng chỉ tơ tằm và kim tuyến, phản ánh sinh động, chân thật về màu sắc, trang nhã về đường nét, lột tả được nét thanh tao, quý phái của hoa sen.
Với những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực truyền nghề, bảo tồn và phát triển nghề thêu nên ông được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian theo Quyết định số 17/TĐKT ngày 14.04.2003, danh hiệu nghệ nhân thêu. Ông vinh dự cùng các nghệ nhân khác ở Thừa Thiên Huế được công nhận trong đợt này là cụ Lê Túy nghệ nhân điêu khắc gỗ làng Mỹ Xuyên, cụ Nguyễn Văn Bê câu lạc bộ diều Huế, cụ Trần Kích câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân, cụ Nguyễn Văn Sính đúc đồng. Và đây là 5/15 nghệ nhân đầu tiên trong toàn quốc được công nhận danh hiệu cao quý này.
Hiệp Hội làng nghề Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có 3 sản phẩm tiêu biểu xuất sắc triển lãm phục vụ hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội. Năm 2007, Hiệp Hội làng nghề Việt Nam phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
Ngày 24.11.2007 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chứng nhận Lê Văn Kinh đạt danh hiệu Nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên Huế theo quyết định số 2627/QĐKT-UB. Ngày 14.10.2013 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú theo Quyết định số 1935/QĐ-CTN. Ngày 19.08.2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho ông Lê Văn Kinh vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống theo Quyết định số 1823/QĐ/CTN.
Gần đây, Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Thừa Thiên Huế chứng nhận là nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu của tỉnh lần thứ I.2017 ngày 18.10.2017, cùng với 17 người khác.
Tuy tuổi đã già nhưng hàng ngày ông Kinh vẫn miệt mài bên khuôn tranh thêu với những học trò yêu quý của mình. Mỗi ngày, ông đi đến các lớp học để bày cho các thợ thêu từng bí quyết của nghề. Ông muốn truyền lại cho các học trò của mình những kỹ năng thêu tranh mà suốt một cuộc đời của mình ông chắt lọc được. Những người đã từng gặp ông, học nghề với ông và giờ họ đã trưởng thành sống với nghề thêu thì cùng có chung cảm nhận về Nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh rằng “Tâm sáng, lòng trong mới nắm được cái hồn trong từng bức tranh thêu. Sự sáng tạo, cần mẫn của đôi tay sẽ tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất”. Cũng vì lẽ đó, tất cả những tác phẩm thêu của ông luôn có những nét riêng, độc đáo, khác lạ và chứa đựng cả tấm lòng của ông gửi gắm vào đó.
Sau những tháng ngày cần mẫn với nghề, với công việc, Nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh vẫn thường xuyên đi tham ga các đợt triển lãm, hội thi, hội thảo, trưng bày và giới thiệu nghề thêu. Ở trong ông chúng tôi vẫn bắt gặp một tâm hồn hoài cổ, đó là nhớ lúc thời trẻ, ông thường uống trà với ông ngoại nên sau này tưởng nhớ đến ông ngoại thì ông có bài thơ Hồi tưởng như sau:
Ngó đi ngoảnh lại tuổi quá già
Nhớ thời trai trẻ đã trôi qua
Nhớ ngày còn nhỏ cạnh ông ngoại
Nhớ từng buổi sáng đứng hầu trà
Nhớ lúc xế trưa thay ấm khác
Nhớ những chiều tà uống lần ba
Nhớ nhiều kỉ niệm xa xưa ấy
Nhớ ấm Mạnh Thần tiếp tục pha.
Hoặc ngoài những giờ rảnh rỗi, ông lại làm thơ nói về những suy tư trăn trở của mình như bài thơ Độc ẩm 2 dưới đây.
Hôm nay ngồi uống một mình
Tách trà sóng sánh trong tình trạng mong
Sáng nay vẫn đợi vẫn trông
Tách trà còn nóng những không gặp người
Sáng nay đứng ngóng cửa ngoài
Tách trà đã nguội trên mười giờ hơn
Sáng nay chờ mãi chờ thêm
Tách trà lắng đọng nỗi niềm quý thương
Sáng nay buồn đến chán chường
Tách trà úp lại vấn vương bạn trà
Sáng nay cũng giống sáng qua
Tách trà một cái như ta một mình
Sáng nay lủi thủi buồn tênh
Tách trà dẹp quách cạn tình trà ơi
Sáng nay cố nén thở dài…
Thì ra, ở nơi ông có cả một tài năng nghệ thuật từ hội họa đến thi ca và còn biết viết thư pháp, biết cung cách chế trà, uống trà. Những thứ nghệ thuật tao nhã của chốn kinh đô xưa được ông gìn giữ chắt lọc qua thời gian và đến nay mỗi lần diện kiến ông, chúng tôi đều học hỏi được nhiều điều.