menu_open
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Xem cỡ chữ:
Cùng với Nghệ An - quê hương sinh ra Người, tỉnh Thừa Thiên Huế là quê hương thứ hai nuôi dưỡng và tài bồi cho lòng nhiệt thành cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước và tâm hồn nhân đạo vĩ đại của Người, chắp cánh cho ý chí Cách mạng và thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và học tập tại Thừa Thiên Huế trong những năm từ 1895 đến 1901 và từ 1906 đến 1909.
Địa chỉ: 07 Lê Lợi, P. Vĩnh Ninh, Thành phố Huế
Điện thoại:
Thời gian hoạt động: Thứ Ba - Chủ nhật

Giới thiệu:

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được thành lập vào ngày 16/9/1980 trên cơ sở những sự kiện đặc thù về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người suốt gần 10 năm ở Huế. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh góp phần làm sáng rõ những vấn đề gắn bó giữa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại. Bên cạnh những nội dung mang tính đặc thù về thời niên thiếu còn có phần trưng bày tổng hợp các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, hiện vật phong phú đa dạng.

Ngoài việc tham quan nhà trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn tổ chức đón tiếp, hướng dẫn quý khách đến tham quan các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Thừa Thiên Huế.

Lịch sử hình thành:

Quá trình thành lập Bảo tàng:

Năm 1979, thể theo nguyện vọng tha thiết của đồng bào chiến sĩ, Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Trị Thiên chủ trương thành lập phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố Huế và chọn vị trí ngôi nhà số 07 Lê Lợi- Huế làm trụ sở.

Ngày 16/9/1980, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế chính thức được thành lập.

Ngày 30/6/1982, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Trị Thiên trở thành thành viên của Hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn về khoa học và nghiệp vụ.

Năm 1989, sau khi tỉnh Bình Trị Thiên tách ra thành 3 tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/1998) Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chính thức được khởi công xây dựng lại và khánh thành vào ngày 19/05/2000.

Ngày 27/9/2007, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được xếp hạng là Bảo tàng hạng II theo Quyết định số 2212/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nét đặc trưng:

Thừa Thiên Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước giai đoạn 1895 -1901 và 1906 - 1909. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Di sản Hồ Chí Minh - Những năm tháng Bác Hồ ở Huế dưới góc độ “vật thể” là hệ thống di tích của Người để lại. Đến nay theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có 04 di tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan (số mới 158), trường Quốc Học - Huế, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ và 05 di tích cấp Tỉnh. Về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ.

Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào và là tài sản vô giá mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống, động viên mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh.

Bản đồ:

Khám phá Huế tổng hợp