Chưa có sự khác biệt
Có mặt ở phố đêm Hoàng thành và phố đi bộ Hai Bà Trưng vào hai thời điểm lúc mới khai trương và hiện tại, mới thấy rõ sự khác biệt. Khi mới khai trương, những tuyến phố này thu hút đông đảo người dân và du khách đến trải nghiệm, nhưng sau một thời gian, lại chịu cảnh… thiếu khách. Mặc dù Huế bị đánh giá vẫn còn thiếu điểm vui chơi về đêm và sự đầu tư cũng như kỳ vọng cho mô hình, sản phẩm du lịch đêm ở những tuyến phố này rất lớn, song, thực tế hiện nay vẫn là một bài toán đầy trăn trở.
Đây là câu chuyện của không chỉ riêng Huế, mà nhiều địa phương trong cả nước gặp phải. Chợ đêm Đông Hà (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là một ví dụ. Dù được xây dựng trên diện tích 1,3ha, tổng kinh phí đầu tư gần 11,5 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục công trình bài bản, có sân khấu ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, hệ thống giao thông nội bộ, xây dựng các gian hàng thương mại, khu ẩm thực, khu nhà trưng bày sản phẩm… Tuy nhiên trái với kỳ vọng hút khách, mô hình này cũng chịu cảnh đìu hiu. Hay gần đây là phố đêm Thảo Điền ở TP. Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng tương tự sau nửa năm thí điểm. Nhìn rộng ra, chuyện các chợ đêm, phố đi bộ ban đêm ở nhiều địa phương rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn” vì khó thu hút khách không còn xa lạ.
Vấn đề trên nảy sinh một nghịch lý, đó là không làm thì thiếu, làm lại thừa. Một thời gian dài, Huế bị mang tiếng là thành phố du lịch nhưng “ngủ sớm”, do thiếu các điểm vui chơi, giải trí về đêm. Trong khi đó, muốn kéo dài thời gian lưu trú của khách, muốn giữ chân du khách ở lại, phải có sản phẩm du lịch đêm. Tuy nhiên, mở ra một số mô hình, lại chưa thể đạt được kỳ vọng.
Đặt câu hỏi vì sao khách chưa mặn mà tìm đến các phố đi bộ, phố đêm ở Huế, nhiều du khách chia sẻ thật lòng là vì chưa đặc sắc, chưa có sự khác biệt. Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh, du khách ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đi nhiều điểm du lịch ở các tỉnh thành, đều thấy chợ đêm, phố đêm, phố đi bộ về đêm nhưng không khác nhau là mấy. Mô hình du lịch đêm ở nhiều địa phương, trong đó có Huế vẫn còn đơn điệu, chủ yếu là phố đi bộ, bày bán các gian hàng ẩm thực, thi thoảng có hoạt động nghệ thuật - giải trí. Điểm đáng nói, các phố đi bộ, phố đêm này chủ yếu hoạt động vào cuối tuần, trong khi giữa tuần chẳng có gì để khám phá”.
Nhiều du khách cũng thẳng thắn bày tỏ điều họ cần là tìm nét đặc trưng của điểm đến chứ không thích sự lặp lại, nhàm chán. Phố đêm, phố đi bộ về đêm ở Huế phải có điều gì hấp dẫn mà chỉ đến Huế mới khám phá, cảm nhận được. Ngay trong một địa phương như Huế, phố đi bộ Hai Bà Trưng và phố đêm Hoàng thành có gì khác biệt nhau để hôm nay đi điểm này, mai khách vẫn muốn tới điểm kia. Nếu các phố đêm, phố đi bộ ở các địa phương na ná nhau, rất khó để thu hút khách.
Cần ý tưởng, sản phẩm mới
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, hướng đến mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế. Trong đề án này, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Huế cùng 11 tỉnh, thành khác có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Mô hình nào có hiệu quả, sản phẩm nào có thể “sống tốt” phải cần thời gian trả lời. Tuy nhiên, chắc chắn là mô hình đó phải dựa trên nhu cầu của người dân, du khách; phải có ý tưởng, sản phẩm mới, gắn liền với nét đặc trưng của địa phương.
Để giải quyết bài toán trên, trách nhiệm không chỉ ngành du lịch, thành phố Huế mà cần sự hợp lực để nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, cần xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm. Ở đó không chỉ xác định khu vực tổ chức mà còn là mô hình, sản phẩm cụ thể, phù hợp. Đặc biệt, phải dựa trên đặc trưng, nét văn hóa, sản phẩm mang yếu tố địa phương để tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách thông qua các ý tưởng, sản phẩm mới. Để đầu tư đúng hướng, cần có quá trình điều tra, khảo sát nhu cầu du khách một cách kỹ lưỡng.
Qua phỏng vấn ý kiến du khách, chúng tôi nhận thấy nhu cầu về trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật của du khách rất lớn. Như trong tháng 10/2024, khi chương trình nghệ thuật Huế Symphony - Bản Giao hưởng Cố đô được tổ chức, đã có 2.000 người dân, du khách mua vé. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho rằng, Huế cần có các không gian trải nghiệm, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm, không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng về đêm để thu hút du khách. Từ đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng có thể đưa vào chương trình tour.
Các mô hình tổ chức hoạt động phải có tính bài bản, chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; thu hút các nguồn lực đầu tư có quy mô, bài bản, có yếu tố sáng tạo trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của địa phương.
Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá gắn với việc nắm bắt nhu cầu thị trường, du khách phải được làm tốt hơn. Phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các mô hình du lịch đêm với các đơn vị lữ hành, khách sạn, tạo các chính sách để thu hút khách.