menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search

Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp

Con ma Ơi
Xem cỡ chữ:
Ảnh minh họa
Già hơn nửa đời người, nếu có ai tò mò hỏi tôi đã thấy ma chưa thì sẽ xin trả lời là chưa. Nhưng nghe tiếng ma kêu thì có. Đó là tiếng kêu của con ma Ơi, một con ma tôi tưởng rằng chỉ độc quyền nổi tiếng tại quê nội tôi, làng An Ninh Hạ, ai dè cũng vang danh một vùng, bao gồm mấy làng lân cận.
Ảnh minh họa

Tuy quê nội là làng An Ninh, nơi có thắng cảnh Thiên Mụ nổi tiếng, nhưng phường Huệ An trong Thành Nội là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Chừng năm sáu tuổi đã lẽo đẽo  theo cha hay mẹ, theo ngã  cửa Hữu ra khỏi Kinh thành, qua bến đò Kẻ Vạn rồi nương bóng mát của những hàng tre bên đường, băng qua trước nhà thờ Kẻ Vạn, xuyên làng Kim Long, về quê nội dự các lễ giỗ lớn, quan trọng nhất là giỗ ông nội tôi vào tháng Mười âm lịch, thường diễn ra một cách trọng thể tại nhà ông bác trưởng. Những dịp như thế, theo truyền thống của Huế, là những ngày hội của đại gia đình. Một lần nọ, ngày giỗ rơi đúng vào một ngày mưa gió lạnh lẽo. Ở Huế, tháng Mười khó mà có được một ngày đẹp trời, vì đó là thời điểm ngự trị của mưa lụt, lạnh lẽo, là lúc

Ông tha mà bà chẳng tha,
Làm cho cái lụt hăm ba tháng Mười.
 
Sau bữa cơm giỗ, các bà đang ngồi xỉa răng uống nước ở nhà ngang thì bà bác tôi bỗng lên tiếng:
 
- Trời mưa gió lạnh lẽo như ri thì làm răng đêm ni cũng có con ma Ơi.
 
Tức thì mạ tôi và hai bà em dâu khác vội lên tiếng hỏi:
 
- Ma chi mà lại kêu là ma Ơi, chị?
 
- Mà răng chỉ khi mô trời mưa gió lạnh lẽo mới có?
 
- Có ai gặp hắn chưa, chị?
 
- Chưa. Chỉ nghe kêu thôi. Gọi là ma Ơi vì hắn chỉ kêu có một tiếng “ơi” mà thôi. Con ma này lạ lắm, chỉ xuất hiện vào mùa Đông, những đêm mưa gió lạnh lẽo như ri, lúc gần sáng, khi chuông chùa Linh Mụ vừa đánh. Khi mô cũng rứa cả. Hễ chuông chùa Linh Mụ vừa đánh mấy tiếng là nó ơi liền. Mấy thím muốn nghe nó ơi thì ráng tỉnh ngủ lúc gần sáng, làm răng cũng nghe được tiếng nó ơi. Lúc đầu tui cũng sợ, nhưng rồi quen nên không sợ nữa.
 
- Làm răng lại có con ma Ơi đó, chị? Mạ tôi hỏi.
 
- Nghe mấy ông già bà cả trong làng kể rằng hồi xưa có hai vợ chồng đó lấy nhau đã lâu mà chưa có con.  Mãi về sau người vợ mới sinh được một đứa con trai nhưng dị dạng xấu xí, như quỉ sứ, ngó không ra con người. Đã ba năm mà đứa nhỏ không nói năng đi đứng chi được, cứ nằm miết trong nôi. Vợ chồng rất buồn. Đã rứa, trong họ lại lụn bại lần, không có ai ăn nên làm ra như trước. Mấy ông trưởng thượng trong họ cho rằng tại nhà đó sinh quỉ nên họ mới bị như rứa. Mấy ông mới họp bàn, kêu hai vợ chồng tới, biểu đi chợ mua hai miếng thịt heo, một sống một chín, đem về treo nơi tao nôi để thử. Hai vợ chồng nghe lời, treo lai miếng thịt xong, cả hai vợ chồng cùng mấy ông trong họ trốn núp quanh nhà để rình. Khi trong nhà trở thành vắng vẻ, họ thấy đứa nhỏ ngồi dậy, lấy miếng thịt sống ăn ngon lành. Mấy ông đó cùng hai vợ chồng bấy giờ mới quyết chắc rằng đứa nhỏ là quỉ hiện hình người, vì chỉ có quĩ mới ăn thịt sống, nên đem chôn sống để trừ khử. Bị chết oan nó hiện thành con ma Ơi, báo oán cả họ đó tàn mạt luôn. Người ta nói rằng nó kêu “Oan” chứ không phải nó “Ơi” mô.
 
Vào cái tuổi ăn no ngủ kỹ mau quên, tôi đã bỏ qua cơ hội đêm đó để được nghe tiếng kêu huyền bí của con ma Ơi, như câu chuyện đã được nghe lóm. Và câu chuyện cũng chìm dần vào quên lãng cho đến mấy năm sau.
 
Từ tháng 8 năm 1946 dân Huế đã rục rịch tản cư để chuẩn bị cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp sẽ mở màn vào ngày 19 tháng Chạp năm đó. Thầy mạ tôi đã thay nhau về quê nội, thuê người làm một cái nhà tranh ba gian trong khu vườn thuộc ngôi lăng của ông nội chú, mà trong làng quen gọi là khu Miếu Cụ Tiền, để làm nơi tạm trú cho gia đình trong những năm khói lửa.
 
Gian trên, thầy mạ tôi cho kê hai cái giường tre làm chỗ ngủ cho sáu đứa con, ba trai một giường, ba gái một giường, ở giữa là lối đi rộng chừng non một thước. Trên lối đi này, ngay sát cái phên tre trét đất sét trộn cứt trâu, vào ban đêm, bà chị lớn của tôi không quên để một cái chậu sành (hồi đó làm chi có thau nhôm, thau nhựa!) làm chỗ đi tiểu đêm cho mấy đứa em. Chả là bọn tôi đứa nào cũng thuộc loại gan thỏ đế cả. Nửa khuya mắc tiểu, thường phải dựng bà dậy, nhờ dẫn ra hè để tè, làm bà mất ngủ. Nếu mùa hè thì có khi còn hưởng được chút trăng thanh gió mát, đến mùa đông mưa gió lạnh lẽo, đêm khuya ra ngoài quả là một khổ hình. Vả chăng, nay nghĩ lại, tôi đoán là vì đóng vai chị cả nên bà phải gồng mình chịu trận chứ thật ra bà cũng sợ ma như ai, vì khu Miếu cụ Tiền vốn nổi tiếng nhiều ma, cả làng đều biết. Để sẵn cái chậu sành cho sáp nhỏ tiện dụng đêm hôm thật là một sáng kiến hai bên cùng có lợi!
 
Một đêm mưa gió mùa Đông, tôi chợt thưc giấc vì mắc tiểu quá, không thể nằm ráng được. Vừa mới mở vòi nửa chừng, tôi bỗng nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ ngân nga. Trong một thoáng, toàn bộ câu chuyện nghe lõm năm xưa về con ma Ơi được nhớ lại như in. Như đáp lại cái hồi ức thầm kín đó của tôi, một tiếng “ơi” nghe rõ ràng, vang to và ngân dài, khá não nùng, cất lên trong cái tịch lặng của đêm đông lạnh lẽo, nghe mồn một như tiếng “ơi” ấy phát xuất từ một người đàn ông dồi dào nội lực, đang đứng đâu đó ở bên bờ này của con sông Bạch Yến chảy ngang trước nhà. Bất kể là đã đóng vòi hay chưa, tôi nhảy đại lên giường, chun vào mền, thúc cùi chõ vào ông anh đang nằm bên cạnh, thì thào “con ma Ơi!” Ông suỵt suỵt nho nhỏ, “im, tau nghe rồi!”. Tiếp theo tiếng “ơi” đầu tiên là chừng năm sáu riếng nữa, nghe nhỏ hơn, xa dần, rồi mất hẳn.
 
Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in cái tiếng “ơi” rất người, rất khó nhầm lẫn đó. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được nghe tiếng kêu của con ma Ơi, chỉ vì tôi không có cơ hội tỉnh giấc như thế lần thứ hai.
 
Năm 1948, gia đình tôi hồi cư về ngôi nhà cũ trong Thành Nội. Sau đó chiến tranh lan đến quê tôi. Sau hiệp định Genève 1954, khi tình hình trở nên yên ổn, tôi có nhiều dịp trở về thăm làng. Hỏi chuyện bà con về con ma Ơi thì được cho biết là từ khi bom đạn chiến tranh lan đến , nó không còn xuất hiện nữa, hẳn vì nó sợ tiếng bom tiếng súng. Thế hệ nhỏ hơn tôi chừng mươi tuổi không còn có cơ hội để được biết đến con ma trứ danh này.
 
Có nhiều giải thích về hiện tượng con ma Ơi giữa những người có học trong làng. Chẳng hạn, người ta cho rằng đó là tiếng kêu của một loài chim to lớn đặc biệt nào đó, thường xuất hiện vào mùa đông, vì cảm ứng với tiếng chuông chùa mà kêu lên, nghe như “ơi” chứ thật ra chẳng có ma quỉ nào.
 
* * *
 
Năm 1986, tại Đà Nẵng, một số đồng hương thuộc các làng Kim Long, Xuân Hòa, Trúc Lâm, An Ninh Thượng, Hạ, nghĩa là những làng quanh quanh chùa Linh Mụ, tổ chức họp mặt tất niên âm lịch. Ăn cơm mới nói chuyện cũ, hầu như ai cũng có một mẩu chuyện quê xưa để nhắc nhở, để kể lại. Trong cái đà hoài niệm đó, tôi hỏi một ông cùng làng, nhưng không quen biết, ngồi bên cạnh:
 
- Nì, anh cũng là dân An-Ninh, vậy chứ anh có nhớ con ma Ơi làng mình không? Nghe nói có ông chi đó, tôi quên mất tên, đi cày sớm, nghe nó “ơi”, liền nói, “Muốn kêu ai thì kêu, ơi chi ơi hoài. ”Sau đó, ông ta bịnh ba ngày rồi chết. Người ta nói tại ông đó thách nó kêu nên nó kêu ông đi luôn. Có không?
 
Câu hỏi khơi khơi như vậy không ngờ lại được mấy ông Xuân Hòa, Trúc Lâm ngồi gần đó nghe được. Vậy là có ngay một màn tham gia sôi nổi:
 
- Anh mà cũng biết con ma Ơi à? Con ma Ơi thuộc làng tui mới đúng. Nó kêu ngay nới xóm tui mà!
 
- Không, nó ở xóm tui.  Hồi còn ở làng, về mùa lạnh, tui nghe thường. Cứ chuông chùa Thiên Mụ dộng mấy tiếng là nó ơi liền.  
 
Rõ ràng ngay trong xóm tui chớ đâu xa.
 
Hỏi qua, nói lại, góp chuyện một hồi thì mọi người cùng nhận ra một điều đặc biệt ở con ma Ơi , là ngoài đặc điểm đúng thời tiết (đêm đông lạnh lẽo), và đúng giờ (chuông công phu sáng của chùa Thiên Mụ), tiếng “ơi” của nó  to và rõ tới nỗi ai cũng có cảm tưởng nó đang ở trong làng trong xóm của mình, đúng y như cái cảm nghĩ mà tôi đã ghi nhận trong mùa Đông năm nọ, là nghe như con ma Ơi đang ở bên bờ sông trước mặt nhà!
 
Tôi không buồn đi tìm lời giải thích con ma Ơi là thực hay hư. Thực hay hư, trong mỗi khía cạnh đều có ý nghĩa riêng của nó, tùy quan niệm của mỗi người. Cái điều làm tôi thích thú là vai trò của con ma Ơi trong câu chuyện tất niên của đồng hương năm nào.
 
Nào Đà Nẵng với Huế có khác chi mấy về lối sống, ngôn ngữ, tập quán mô mà cũng bày họp đồng hương cuối năm cho rậm đám? Chung quanh vẫn đất nước mình, vậy mà vẫn mang cái mặc cảm tha phương cầu thực, khiến cho câu chuyện con ma Ơi huyền hoặc nọ bỗng trở thành cái gạch nối làm cho cái tập thể nhỏ kia, những Trúc lâm, La Chữ, An Ninh, Xuân Hòa  xa xứ, đã từng quen biết hay chưa quen biết, chợt thấy gần gũi nhau hơn, có thể chia sẻ với nhau những kỷ niệm, những cảm xúc quê hương rất thực.
 
Nay chúng ta cách quê hương hơn hai vạn dặm, qua cả một đại dương rộng lớn mênh mông. Nó lạ cảnh lạ người, lạ từ miếng ăn thức uống lạ đi. Đây mới thực là tha hương ly tổ, vì đời đổi nên chi phải đổi đời để mưu cầu cuộc sống. Sao lại không có một ngày họp mặt với nhau?
 
Ngày hội Huế, vì thế, là cơ hội để cho những kỷ niệm xưa sống lại, dù chỉ để nhớ những chuyện tào lao, đại loại như chuyện con ma Ơi tôi kể, tưởng cũng đủ làm cho Huế mình gần nhau hơn, tìm lại chút hương xưa./
VÕ HƯƠNG-AN