menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search

Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp

Hình tượng con gà trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam
Xem cỡ chữ:
Gà trên Chương đỉnh (đồng)
Trong quan niệm tâm linh và biểu tượng triết mỹ phương Đông, hình tượng con gà trong nghệ thuật là biểu tượng về những phẩm chất, khí tiết của người quân tử, tượng trưng cho chân thiện mỹ, nhân sinh và thời gian, tuần hoàn vũ trụ với ánh sáng xua tan bóng tối.
Gà trên Chương đỉnh (đồng)

Trong quan niệm tâm linh và biểu tượng triết mỹ phương Đông, hình tượng con gà trong nghệ thuật là biểu tượng về những phẩm chất, khí tiết của người quân tử, tượng trưng cho chân thiện mỹ, nhân sinh và thời gian, tuần hoàn vũ trụ với ánh sáng xua tan bóng tối.

Gà trống với tiếng gáy vang tận đỉnh núi cao làm ma quỷ khiếp sợ, là biểu tượng của thần hộ mệnh, diệt trừ, chế ngự cái xấu. Vì vậy trong mỹ thuật cổ Việt Nam, hình tượng con gà đã sớm được phản ánh qua tượng đất nung, tác phẩm điêu khắc bằng đồng vào thời Đông Sơn như  tượng gà tìm thấy ở Vinh Quang (Hà Tây) với hình dáng gà cách điệu đến mức tối giản nhưng vẫn nhận ra là con vật quen thuộc qua những nét tạo hình của đầu, mào, đuôi mang tính nghệ thuật cao. Trong tranh dân gian Việt Nam với các dòng tranh Kim Hoàng (Hà Tây), Hàng trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh) và tranh dân gian làng Sình (Huế) đều có hình tượng con gà, tuy nhiên ý nghĩa và tính biểu hiện của chúng thì không còn hoàn toàn giống nhau. Từ thế kỷ 16, Hoàng Sĩ Khải trong bài Tứ thời khúc vịnh đã cho biết cảnh Tết ở kinh thành Thăng Long với “Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm”, đến thế kỷ 20, Tú Xương đã tả: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột; lòe loẹt trên vách bức tranh gà”.  Như vậy hình tượng con gà được đưa vào trong tranh đã trở thành tranh Tết trong đời sống của người Việt bình dân từ xa xưa.


Bản khắc con gà làng Sình (gỗ)

Con gà xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ với những hình tượng đặc sắc mang nét bình dị chân quê, những gam màu trầm mộc mạc, nhưng mỗi bức tranh lại hàm chứa những ý nghĩa chúc tụng cầu mong, biểu hiện những khát khao, khát vọng cuộc sống của người xưa như tranh Gà đàn, Trống mái với hình tượng gà trống mái và lũ gà con như tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, con cái đầy đàn và quây quần bên nhau sum vầy.


Gà trên Chương đỉnh (đồng)

Một trong những tranh xưa  nổi bật và mang ý nghĩa triết lý một cách sâu sắc là tranh Đại cát thể hiện một con gà trống khỏe mạnh với đường nét đầy đặn, chắc nịch. Con gà được tạo hình với một chân bước lên trong thế dáng dũng mãnh, hiên ngang, bởi vì đó là hình tượng gà biểu tượng cho năm đức tính (ngũ đức) cao quý của người quân tử qua sự nhân cách hóa rõ nét. Một là, chiếc mào đỏ tượng trưng cho quan tước (văn), với sự cầu mong học hành đỗ đạt làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ. Hai là, gà gáy đúng giờ buổi ban mai tượng trưng cho chữ  phẩm hạnh trung thực, giữ lời, không khuất tất (Tín), một phẩm chất cao đẹp mà Nho giáo đề cao. Ba là, gà trống luôn gọi bầy đàn đến ăn khi có mồi, hình ảnh này trở thành biểu tượng của nhân nghĩa (Nhân). Bốn là, gà trống cũng có cựa sắc nhọn, như là binh khí nên đó cũng là hình ảnh của  người võ binh (Vũ). Năm là, gà trống cũng sẵn sàng chiến đấu xả thân bảo vệ bầy đàn, đó cũng là biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường (Dũng). Trong tranh Hàng Trống với sự xuất hiện những con gà bên những khóm hoa mẫu đơn biểu hiện cho những mong muốn cuộc sống an lạc, thanh tịnh và  còn là sự thể hiện khí chất của người quân tử trong sự hòa hợp với tự nhiên. Gà là vật nuôi gắn bó với cuộc sống con người, nên con gà được quan sát, diễn tả rất chính xác, được chạm nổi trong các thế dáng vô cùng sinh động, dân dã mà tinh tế trong từng chi tiết, đặc biệt là trong bức chạm chọi gà, phản ảnh không chỉ là sinh hoạt lễ hội vui chơi của làng Việt xưa kia mà đó cũng là ngụ ý nhắc nhở trai tráng hăng say luyện rèn.

Ở Huế trong tranh dân gian làng Sình, có tranh con gà trong bộ 12 con giáp với nhiều kiểu thức tạo hình khác nhau một cách mộc mạc, đơn giản bằng đường nét khắc nổi rồi bôi mực đen, in lên giấy, sau đó điểm tô màu. Trong trang trí cung đình thời Nguyễn ở Huế, hình tượng con gà xuất hiện trên Cửu Đỉnh và các trang trí kiến trúc nề đắp nổi, nề họa, khảm sứ, đất nung. Con gà khắc đúc trên Chương đỉnh, một trong 9 đỉnh đặt tại Thế Miếu là hình tượng rất khỏe khoắn, con gà đầy khí dũng và tạo hình sống động của hình tượng linh cầm, mang ý nghĩa đại cát, bình an. Có thể nói bố cục chặt chẽ, tỷ lệ chính xác giữa hoa lá, gà, không gian và sự diễn tả từng dải lông, vệt sóng trên thân con gà cùng vân hoa mào gà, các gò đất, hoa cỏ… xung quanh càng làm cho hình tượng gà trên Chương đỉnh càng thêm sự hài hòa và đầy tính hiện thực ẩn dụ. Tại điện Ngưng Hy, nổi bật là hình tượng gà với trong bố cục đã được định vị sẵn cho trang trí kiến trúc, với con gà trống - mái khỏe khoắn, sống động, ánh lên màu men nâu chắc bóng gắn trên dải gờ mái. Chúng ta cũng có thể thấy một chú gà gần như vậy ở Hưng Miếu (Đại Nội), nhưng là bằng nghệ thuật nề đắp nổi, tô màu trong cổng của miếu thờ này.


Gà trên cổng Hưng miếu (chất liệu nề đắp nổi tô)

Với những ý nghĩa mang tinh thần triết lý, mỹ cảm phương Đông và tượng trưng sâu sắc, con gà đã trở thành một trong những hình tượng nghệ thuật gần gũi, chân thực được phán ánh trong nghệ thuật cổ, những bức tượng gà, tranh gà trở thành những tác phẩm tạo hình quý giá, đầy trân trọng và được người dân yêu thích. chính vì vậy con gà luôn có mặt trong những tờ tranh Tết của người bình dân xưa kia với mong ước một sự may mắn, bình an cho cuộc sống con người, cho quê hương đất nước).

Phan Thanh Bình