menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search

Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp

Lễ cúng bổn mạng đầu năm ở Huế
Xem cỡ chữ:
Tranh bổn mạng làng Sình - Huế
Theo truyền thống hàng năm, vào những ngày đầu năm đến giữa tháng Giêng, người Huế thường tổ chức cúng bổn mạng đầu năm (thường gọi tắt là cúng đầu năm) với cầu mong bình an, sức khỏe và may mắn cho các thành viên trong gia đình trong suốt một năm.
Tranh bổn mạng làng Sình - Huế

Thông thường lễ cúng bổn mạng được tổ chức từ ngày mùng 4 – 16 tháng Giêng. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất là tối mồng 8-9 tháng Giêng, vì đó là ngày “Tiên Sư giáng hạ”.

Việc chuẩn bị lễ cúng Tiên Sư bổn mạng cũng được chuẩn bị tương tự như lễ cúng ông Công ông Táo và cúng gia tiên. Mục đích của lễ cúng bổn mạng là cầu cho thân mạng của người đàn ông hoặc đàn bà được vẹn toàn, thoát khỏi những “tai ương” và rủi ro trong cuộc sống thường nhật, ước nguyện gặp điều tốt lành trong năm. Hay nói cách khác là cầu mong được bảo toàn tính mạng. Chính vì vậy, mâm cỗ cúng Tiên Sư bổn mạng bên cạnh cau trầu, rượu, xôi chè... tùy theo kinh tế mỗi gia đình có thể thêm đồ cúng mặn (xôi, gà, giò chả…), đồ cúng ngọt (hoa quả, bánh kẹo…) không thể thiếu tranh bổn mạng và bông đũa làm từ cây tre.

Tùy theo độ tuổi, giới tính của các thành viên trong gia đình như thế nào mà có tranh bổn mạng tương ứng. Gia đình nào theo đạo Phật nghĩa là đã "gửi thân mạng" của mình cho Quan Âm Bồ Tát thì lễ bổn mạng gồm xôi chè, hoa quả, bánh kẹo và cặp bông tre. Ngoài 60 tuổi thì không còn phải làm lễ "cúng bổn mạng" nữa. Nếu gia đình không theo đạo Phật thì sau khi mua tranh bổn mạng về, gia chủ sẽ viết lên mỗi bức tranh câu: "Thế tai - Thế nạn - Thế bệnh - Thế hoạn - Thế mạng - Sanh nhân" kèm theo tên tuổi của từng thành viên tương ứng trên mỗi bức tranh.

hoa tre xứ huế

Bông đũa (hoa tre) là vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng bổn mạng đầu năm

Bông đũa (hoa tre) được làm bằng tre tươi, kích thước khoảng bằng chiếc đũa. Một đầu được vót thành nhiều sợi mỏng rồi xoa lại cho tròn, nhuộm phẩm màu thành những bông hoa đỏ, hồng, cam hoặc vàng. Một đầu được vót nhọn để cắm vào chén xôi. Việc lựa chọn cây tre để làm hoa một phần vì tre là một loài cây gần gũi, gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam; cũng là một loài cây có nhiều linh khí, thân cây tre cũng được dựng làm cây nêu trong ngày Tết nhằm xua đuổi tà ma, cây tre có sức sống bền bỉ và khi đủ 100 năm thì cây tre sẽ ra hoa. Chính bởi vậy mà làm hoa tre từ thân cây tre cũng với mong muốn sức khỏe và trường thọ cho mỗi thành viên trong gia đình.

Những ngày đầu xuân năm mới, ở các chợ của xứ Huế đều được bày bán các loại bông đũa với đủ sắc màu, có giá dao động từ 2-4 ngàn đồng/cặp tùy từng chợ, từng người bán. Thông thường người mua chọn màu đỏ nhiều hơn vì người ta quan niệm rằng đầu năm sẽ được gặp nhiều may mắn, cái gì cũng “đỏ” như bông hoa tre.

Cùng với các nghi lễ đặc trưng như lễ cúng đất, lễ xuân tế…, lễ cúng bổn mạng đầu năm cũng góp phần tạo nên nét độc đáo trong văn hóa của mảnh đất Cố đô.