menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search

Danh sách các điểm vệ sinh miễn phí cho du khách đã đi vào hoạt động do Khám phá Huế tổng hợp

Làng Sình và lịch sử dòng tranh dân gian nức tiếng
Xem cỡ chữ:
Từ trung tâm thành phố Huế, xuôi theo dòng sông Hương khoảng 9km, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang ôm gọn 7 ngôi làng với thế đắc địa, trù phú. Phía Đông và Bắc tựa lưng vào làng Phổ Lợi (xã Phú Dương) và làng Vĩnh Đại (xã Phú Thanh), Phía Tây và Nam quay mặt ra sông Hương, nơi có làng Lại Ân với nghề làm tranh dân gian nổi tiếng.

Làng Lại Ân là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Đây còn là một trung tâm văn hóa của vùng cố đô, có chùa Sùng Hoá trong làng, đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa. Từ giữa thế kỷ XVI, đã được Dương Văn An nhắc đến trong Ô châu cận lục như một điểm giao thương nhộn nhịp: “Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập, làng Lại Ân tiếng gà gáy sáng giục khách thương tài lợi cạnh tranh…”, hay “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc - Giục khách thương mua một bán mười”.



Ngày nay, làng Lại Ân có tên Nôm là Sình còn được biết đến như một làng văn vật của đất cố đô, nơi còn lưu giữ nghề làm tranh cổ truyền và một hội vật nổi tiếng, tổ chức vào ngày mồng mười tháng giêng âm lịch hàng năm: “Dù ai đi đó đi đây - Đến ngày Hội vật nhớ quay về Sình”. Ngoài ra, làng còn có nghề làm hương, làm hạt bỏng để cúng. Có lẽ do những truyền thống này mà nghề in tranh mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là nhu cầu tín ngưỡng, dùng để thờ, để hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.


Lễ hội vật làng Sình đi vào tranh
(Ảnh: Internet).

Cái tên Sình có nhiều cách giải thích khác nhau: Có người cho rằng đó là dấu ấn Chăm còn sót lại như Truồi, Sịa, Ô Lâu… Nhưng nếu đi từ sự luận giải về quá trình lịch sử hình thành gắn với hoạt động kinh tế, văn hoá của làng thì có hai ý kiến. Một là, Sình là biến âm của Hình – một thế võ của làng. Hai là, Sình gọi theo tên chợ của làng – chợ Sình – vốn nổi tiếng lắm cá nhiều tôm đến nỗi dư thừa, ế ươn nên người dân gọi là Sình.

Ra đời trong lòng dân gian nên dòng tranh làng Sình chịu ảnh hưởng và mang dáng dấp của tín ngưỡng dân dã riêng biệt cùng đặc thù trong mỗi chất liệu, màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục…

Theo truyền thuyết kể lại, thời Trịnh - Nguyễn, trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hòa, mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản của làng quê mình để mưu sinh, tranh làng Sình ra đời từ đó. Huế, mảnh đất của rất nhiều những tín ngưỡng văn hóa dân gian như lễ thờ cúng tổ tiên; lễ kỵ giỗ; lễ cúng “bất đắc kỳ tử”; lễ tảo mộ; lễ cúng gia tiên theo sóc vọng lễ tiết; lễ trai điếu bạt độ; thờ thần cửa ngõ; lễ cúng tiên sư;… Chính vì đặc điểm này mà tranh làng Sình có cơ sở để phát triển lâu dài. Nghề tranh hình thành từ khi lỵ sở của Huế còn ở Hóa thành, nghề tranh phát đạt không lâu sau đó. Tranh làng Sình hay làng Lại Ân là một loại tranh in rời từng tờ một bằng khuôn khổ gỗ thị, mít, kền để tạo đường nét. Sau khi in xong người ta tô lại bằng những gam màu được chế từ vỏ sò điệp, màu lá, tro, gạch…


Tranh làng Sình (Ảnh: Internet)
 

Ngay từ khi hình thành, tranh làng Sình tuy có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ, nhưng “để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác. Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng”, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết.

Tranh làng Sình là dòng tranh chính phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Huế từ bao đời nay. Nó xuất hiện trong các dịp cúng bái, lễ tết. Sau khi cúng xong thì được đốt đi, hoá cho ông bà, tổ tiên. Mặc dù có nhu cầu sử dụng lớn như vậy, nhưng trải qua thăng trầm của lịch sử, tranh làng Sình đang dần bị mai một.

Nghề làm tranh giấy truyền thống làng Sình mai một dần từ sau 1945. Chiến tranh loạn lạc chẳng mấy ai để ý đến chuyện thờ cúng cho đúng với truyền thống, lễ nghi. Tranh giấy làng Sình làm ra bán không ai mua, người dân bỏ giấy, bỏ mực chuyển sang làm những nghề khác để mưu sinh.

Sau năm 1975, tranh Sình bị xem là văn hoá phẩm dị đoan, tiếp tay cho các lễ nghi cúng bái rườm rà… nên bị cấm sản xuất, ván khắc bị thu hồi, đốt phá. Từ đó, dân cư bỏ nghề, bỏ làng hoặc chuyển sang nghề khác, cả làng chỉ còn vỏn ven ba hộ dân bám đuổi với nghề làm tranh truyền thống.

Những khuôn bản mộc để in tranh lưu truyền hơn mấy năm cũng bị thất lạc dần theo sự mai một của làng nghề này, khó có thể tìm lại những bản mộc xưa. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước kể rằng: “Để giữ được những bản mộc của ông cha để lại, tôi đã phải bọc nilon, chôn thật sâu dưới đất hàng chục năm”. Cho đến thời điểm này, ông Kỳ Hữu Phước chỉ còn giữ lại được hai bộ mộc bản có tuổi trên 150 năm.

Đất nước phát triển, người dân lao vào vòng xoáy mưu sinh, cũng không mấy người còn giữ tục lệ thờ cúng với tranh làng Sình. Nền kinh tế thị trường xâm nhập, người dân Huế cũng dần quên đi mình đã từng có một tín ngưỡng, một truyền thống tốt đẹp. Nghề tranh ở đây gần như thất truyền. Năm 1996, nhà nước có chủ trương khôi phục lại những làng nghề truyền thống, trong đó có tranh làng Sình. Tuy nhiên nghề làm tranh chỉ còn duy nhất ông Kỳ Hữu Phước nắm rõ, với quyết tâm khôi phục bằng được nghề truyền thống, ông đến từng nhà vận động người dân tham gia.

Ngày nay, cuộc sống thay đổi, ý thức con người cũng  thay đổi, muốn tìm về những giá trị tinh thần đã nhạt phai. Năm 2007, tranh được tôn vinh như một di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước là sự phát triển của loại hình Du lịch văn hóa làng nghề đã tạo điều kiện hồi sinh cho tranh cổ Làng Sình. Tranh Làng Sình đã dần lấy lại được hình ảnh và vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của một làng tranh truyền thống. Nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều nghệ nhân cũng đã khẳng định giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa của tranh làng Sình trong đời sống, đặc biệt là những giá trị trong đời sống tâm linh.

Trước nhu cầu của thị trường, nghề làm tranh giấy truyền thống làng Sình có cơ hội phục hưng. Những khuôn mộc thất truyền, người làm tranh cố gắng tìm lại nhưng số lượng không nhiều. Để có khuôn mộc in tranh truyền thống người làm tranh chỉ còn cách tìm lại những bức tranh được cất giữ rồi tự làm lấy bản mộc. Hiện tại, người làm tranh làng Sình phục hồi được 25 bản mộc để in tranh truyền thống. Từ việc đứng trước nguy cơ biến mất, tới vài ba hộ dân, tăng lên chục hộ rồi dần tăng lên con số vài chục hộ trở lại với nghề. Đến thời điểm này, làng Sình có 32 hộ làm nghề tranh truyền thống, chủ yếu làm lúc nông nhàn.


Tranh làng Sình đợc người dân làm tranh thủ những ngày nông nhàn, đặc biệt là dịp giáp Tết (Ảnh: Internet). 

Mặc dù dòng tranh này đang được phục hồi, song nó vẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ câu chuyện hội nhập của nước ta. Tranh dân gian làng Sình thời hiện đại không còn giữ nguyên được bản chất truyền thống, bởi lẽ từ nguyên vật liệu đã được thay bằng những nguyên vật liệu công nghiệp, tiện lợi hơn gấp nhiều lần.

Trước kia, tranh làng Sình hoàn toàn sử dụng giấy dó. Nhưng nay, để tiện và đỡ tốn kém, người ta đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp và tô bằng phẩm màu công nghiệp. Chỉ riêng ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và màu tự nhiên. Ông bảo: “đó là nét đẹp cũng là tinh hoa của nghề tranh nên phải giữ lấy”.

Tuy nhiên để giữ được nét nguyên thủy của nghề không đơn giản. trước đây các nghệ nhân làm tranh cũng đã học được cách chế tạo giấy dó, nhưng biến thiên của thời cuộc đã khiến người dân làng Sình quên hẳn cách làm giấy dó. Hiện tại, muốn làm tranh trên giấy dó, ông Phước phải đặt mua từ làng Đông Hồ. Đau đáu khôn nguôi, ông chia sẻ: “Tôi tiếc lắm nhưng giờ không biết cách làm thì đành chịu, phải mua giấy từ nơi khác về. Nhưng tranh làm trên giấy dó giờ cũng chỉ để bán cho khách du lịch vì chi phí lớn, còn bán cho người dân trong vùng để thờ cúng thì chủ yếu dùng giấy công nghiệp”.

Chính vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy hết giá trị của tranh dân gian làng Sình không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được.

Kỳ công quá trình tạo tác

Tranh làng Sình đã mang lại “những đặc trưng tiêu biểu cho loại hình hội hoạ dân gian của một vùng đất”. Vì vậy, nó cũng chứa đựng trong đó những giá trị không thể phủ nhận.



Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước bên tranh làng Sình (Ảnh: Internet) 

Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Giấy dó được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy. Theo ông Phước, trước kia làng Sình còn có tên làng Hồ Điệp, cũng bởi xuất phát từ công đoạn này. Khi nghiên cứu về tranh làng Sình, nhiều nhà nghiêu cứu cho rằng gam màu sử dụng trên tranh làng Sình gần giống với gam màu được sử dụng trên tranh pháp lam tại các kiến trúc kinh thành Huế: hoà sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hoả hoàng, phí thuỷ với hổ phách. Bức tranh khi hoàn thành sẽ lấp lánh bởi vỏ điệp, nền nã bởi chất màu thô mộc, quyến rũ và quan trọng hơn cả là khi bức tranh đến tay người sử dụng đã ẩn chứa một cái gì đo thiêng liêng của cõi tâm linh.

Chẳng riêng quét hồ điệp lên giấy, pha màu tự nhiên cũng đòi hỏi không ít công phu. Tranh làng Sình có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen… đều được làm từ cây cỏ. Nhưng để cho ra các màu khác nhau lại phải có bí quyết chế riêng đòi hỏi sự am hiểu và biết nghề. Màu đỏ sẽ được làm từ rễ cây vang lấy từ rừng sâu, mang về sắc trên nồi đất nung lửa đỏ bốn năm ngày. Màu xanh lại chế từ hỗn hợp hoa dành dành hái dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm và lá mối. Đến mùa nắng lại đi hái lá đung về, trộn cùng hoa hòe cô đặc lên cho ra màu vàng. Chỉ riêng màu tím làm ra khá dễ dàng bởi nguyên liệu hạt mồng có khá nhiều. Cứ tầm tháng 5, tháng 6 người dân đi hái trái mồng tơi về giã nhỏ, vắt thành nước pha với phèn chua cho giữ màu. Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại. Màu cam (gạch) làm từ gạch non mài ra trộn thành bột. Còn màu đen là hỗn hợp của tro bếp trộn với lá bàng ngâm ủ trong một tháng. Ngay đến chiếc bút dùng tô màu tranh cũng được làm từ chính sản vật của quê hương. Rễ cây dứa hoang sẽ được lấy về, phơi khô, lột vỏ chừa phần ruột trong để chổi, vừa giữ màu lại không bị lem. Tùy từng kích cỡ vật liệu khác nhau sẽ cho ra các loại bút to nhỏ khác nhau.


Các du khách nước ngoài rất thích thú về dòng tranh độc đáo này tại làng Sình (Ảnh: Internet). 

Mỗi bức tranh là một khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh dùng mực màu đen phết lên bản mộc, rồi dùng giấy in thành một bức tranh thô. Đem phơi tranh cho khô mực, rồi tỉ mẫn dùng các loại màu tô lên tranh. Nét độc đáo ở tranh làng Sình là màu sắc, mỗi bức mang một nét riêng. Tông màu chính là xanh, đỏ, đen, vàng, tím. Bố cục màu được quy định chặt chẽ nhưng không hề đơn điệu bởi sắc màu tươi tắn cùng đường nét tự nhiên.

Đa dạng hệ thống các chủ đề

Về chủ đề, có thể chia tranh Sình thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật.

Tranh nhân vật: Gồm các loại tượng Bà, tượng Bếp; con ảnh; ông Điệu, ông Đốc... Tượng Bà là những bức tranh thờ trên những chiếc trang bà treo trên xà nhà, gọi là trang bổn mạng. Bà sẽ là người giúp đỡ và giải hạn cho nữ gia chủ. Bà bổn mạng trên tranh Sình thường được thể hiện trong hình tướng của một nữ nhân cưỡi trên lưng voi, ở trong một khung hình chữ nhật, phía sau có hai thị nữ cầm quạt đứng hầu, hoặc chỉ cưỡi voi và có thị nữ hầu cận, hay ngồi trên một đài cao. Tượng Bếp (cũng gọi là tờ Bếp) là những bức tranh in hình ba người ngồi trên trang bếp là bà Thổ Kỳ và hai ông Thổ Công và Thổ Địa; xung quanh là hình các khí dụng, vật phẩm, kẻ hầu người hạ. Con ảnh là những “tờ thế mạng”, gồm ảnh xiêm in hình người đàn ông hoặc đàn bà để cầu đảo để thế mạng cho người lớn, và ảnh phền in hình bé trai hoặc bé gái để thế mạng cho trẻ em. Ngoài ra còn có các bộ tranh thờ thần để cầu an cho người như tiên sư, ông Điệu, ông Đốc, bà Thủy, tam vị Phạm Tinh…

Tranh súc vật: Đây là những bức tranh in hình 12 con vật cầm tinh cho thập nhị địa chi trong âm lịch gồm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Tranh in hình các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa,... dùng để cúng tế hoặc treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, phát triển đầy đàn; tranh có hình các linh thú như voi, cọp để dâng cúng nơi các miếu nhằm tỏ lòng thành kính của con người với các loài mãnh thú và cầu mong các mãnh thú này không giáng họa cho người.

Tranh đồ vật: Là những bức tranh in hình các loại áo quần; khí dụng; cung tên;… hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí. 

Ngày nay, với nhu cầu hiện đại, ngoài dòng tranh thờ cúng người ta cũng rất quan tâm đến tranh trang trí, treo tường. Tranh Sình giờ đã có thêm các nội dung khác ngoài thờ cúng. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này rất được khách du lịch ưa chuộng. Đó có thể là hội vật với các thế vật ngồi, nằm, đứng; hay các trò chơi kéo co nam, nữ, bịt mắt bắt dê…; rồi hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.

Mặc dù, trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế, tranh Sình vẫn có mặt như một phần không thể thiếu, nhưng cái cốt cách, hồn vía xa xưa của một thời thịnh vượng dường như đã không còn nữa. Những bộ ván cổ thất lạc cùng thời gian, mục nát cùng những mùa lũ hàng năm. Cùng với sự xuất hiện rất nhiều thứ tranh tượng lòe loẹt của các đồ cúng đồ thờ cao cấp Trung Hoa, khiến dòng tranh ngày thêm mai một. Thêm vào đó tính chất nhất thời của các bức tranh làm ra chỉ để hóa mã chứ không phải để treo như lối chơi tranh Tết của Đông Hồ, Hàng Trống, nên càng ngày tính chất đại khái và rẻ tiền của các nguyên vật liệu làm tranh càng được ưa chuộng hơn. Điều đó khiến cho tranh làng Sình đã không còn giữ được cái phong vị vốn có một thời. Đây cũng là một điều đáng tiếc. Vì vậy muốn bảo tồn và phát huy hết giá trị của tranh dân gian làng Sình như một nét đẹp lâu đời của vùng đất kinh kỳ này, làng tranh cần có nhiều hơn nữa những người tâm huyết với nghề như nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Hai năm trở lại đây, ngày nào làng Sình cũng đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh làm quà lưu niệm. Nhiều du khách còn thử tự vẽ cho mình những bức tranh riêng. Đây cũng là một hoạt động quảng bá du lịch, quảng bá sản phẩm làng nghề. Và cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông.

Kỳ Dương Nhật Linh