menu_open
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
05/05/2024 10:28:18 SA
Xem cỡ chữ:
Giáo dục di sản bằng việc đi thực tế tạo sự hào hứng cho học sinh 
Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.
Giáo dục di sản bằng việc đi thực tế tạo sự hào hứng cho học sinh 

Là đơn vị trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời gian qua, ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học, trưng bày, triển lãm, đón tiếp khách tham quan, Bảo tàng CVCĐ Huế rất chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa thông qua chương trình “Giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật” cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Ông Ngô Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng CVCĐ Huế thông tin: Tính riêng từ tháng 10/2023 - 4/2024, tại hai địa chỉ Bảo tàng CVCĐ Huế (số 3 Lê Trực) và di tích Cung An Định (179B Phan Đình Phùng), đơn vị đã tổ chức 51 chương trình GDDS cho 4.783 học sinh đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thuyết minh, GDDS cho hơn 3.000 học sinh, sinh viên các cấp từ PTTH đến CĐ, ĐH và các trường chuyên, chất lượng cao trong và ngoài tỉnh thông qua môn học “Giáo dục địa phương”.

Tham gia chương trình trải nghiệm, Bảo Hân, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng hào hứng kể: “Được “mắt thấy tai nghe” tại những di tích cổ kính và biết nhiều kiến thức về các công trình kiến trúc và những giá trị văn hóa lịch sử đã giúp chúng em hiểu thêm về di sản được thế giới công nhận và thêm yêu vùng đất quê hương mình”.

Đến với chương trình GDDS do Bảo tàng tổ chức, học sinh không chỉ được nghe, tìm hiểu về đời sống vật chất, lễ nghi, chính trị và tư tưởng... của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn nói riêng và lịch sử, bản sắc văn hóa Huế nói chung, mà còn có cơ hội trau dồi những kiến thức lịch sử, văn hóa liên quan một cách trực quan và sinh động nhất.


 Các bạn nhỏ thích thú tham gia những trò chơi cung đình
Để phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, Bảo tàng đã nghiên cứu xây dựng nội dung thuyết minh, hướng dẫn phong phú, đa dạng, bám sát giáo trình các môn học lịch sử, văn học, mỹ thuật, công nghệ… theo từng thời điểm cụ thể. “Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, chúng tôi luôn chú trọng làm phong phú các nội dung trải nghiệm bằng việc kết hợp các trò chơi làm tăng tính hấp dẫn, hứng thú cho mỗi chương trình. Nổi bật với các trò chơi cung đình như Xăm hường, Bài vụ, Đầu hồ vốn là những trò chơi, thú tiêu khiển của giới quý tộc xưa, được xem là “đặc sản”, là hình ảnh thương hiệu của Bảo tàng CVCĐ Huế”, Phó Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế Trương Quý Mẫn nói.

Đơn vị cũng tìm tòi, bổ sung, sáng kiến, ứng dụng thêm các trò chơi mang tính GDDS cao như “Hỏi đáp di sản” hay “Truyền tin”. Đây như một hình thức trắc nghiệm lại những nội dung, kiến thức đã cung cấp cho các em trong quá trình thuyết minh, hướng dẫn... Các trò chơi này đã giúp gia tăng sự tương tác; rèn luyện kỹ năng nghe, nhìn, đọc, viết; kỹ năng làm việc nhóm; nâng cao tinh thần đoàn kết; và hơn hết đó chính là tạo sự hứng thú, vui vẻ và giúp học sinh có những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng ở trường nhưng vẫn đảm bảo mục đích GDDS, khơi dậy trong các em niềm đam mê, hứng thú với cổ vật, với di tích, với di sản nói riêng và niềm tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước nói chung.

Theo ông Ngô Văn Minh, thời gian đến, Bảo tàng sẽ tăng cường sự kết nối chặt chẽ hơn nữa với các trường học để xây dựng thêm nhiều chương trình phù hợp, hấp dẫn. Không chỉ cung cấp thông tin theo hướng một chiều – những cái bảo tàng “có”, mà theo những gì học sinh “cần”. Ngoài ra, để tránh tình trạng tẻ nhạt, nhàm chán, rập khuôn, đơn vị sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều trò chơi mang tính sáng tạo, phù hợp từng độ tuổi, vừa đảm bảo tiêu chí “vừa học vừa chơi”, vừa bao hàm mục đích GDDS, giúp các em có sự hứng thú khi đến với các chương trình do đơn vị tổ chức. Trong tương lai gần, Bảo tàng CVCĐ Huế sẽ hoàn thiện bộ tài liệu GDDS, góp phần chuẩn hóa nội dung dựa trên những tiêu chí và yêu cầu thực tiễn của quá trình tổ chức chương trình, tạo hiệu quả thiết thực cho việc GDDS học đường.