menu_open
Ngũ Hồ trong lòng Bạch Mã
15/10/2014 3:09:37 CH
Xem cỡ chữ:
Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), vốn đã nổi tiếng từ lâu vì vẻ đẹp và những huyền thoại, một trong những kỳ quan ấy là Ngũ Hồ.

 

Hồ thứ 3 trong Ngũ Hồ. (Ảnh: Phạm Quang Tuân - VnE)

Ngược theo con đường nhựa lên phía đỉnh Bạch Mã, từ đây rẽ vào rừng theo những bậc đá hạ thấp dần độ cao sẽ tới một con suối nước trong vắt và lạnh, từ đó dẫn đến Ngũ Hồ.

Hồ thứ nhất hình thành do một vùng suối được mở rộng và uốn cong như hình quả mướp. Hồ dài tới vài chục mét, đá xếp theo dạng bậc, xen kẽ các khối tảng cuội đủ màu sắc trong khá đẹp. Nước ở đây chảy chậm và trong suốt nên có thể nhìn xuyên tận đáy. Hai bồn thu nước màu xanh thẫm dưới tán rừng xanh làm tăng thêm cảm giác lạnh của một vùng nước có nhiệt độ thấp nhất núi rừng Bạch Mã.

Men triền suối, xuống từng bậc theo chiếc thang tạm được làm từ những cây gỗ rừng tết lại thành các bậc, cao khoảng 12m chúng ta xuống tới hồ thứ hai. Hồ chỉ rộng khoảng vài mét nhưng dài và xoắn theo hướng dòng chảy. Những khối đá granit bị mài mòn từ hàng triệu năm tạo nên các khe, rãnh khá lớn. Bề mặt đá nhẵn, có chỗ đen bóng, có chỗ loang lổ như bức tranh khảm không hài hòa.

Hồ thứ ba có hình khá tròn trịa như trăng đêm rằm. Nước sâu dần vào chân thác. Ngọn nước đổ từ độ cao 6m, mở rộng ở khoảng giữa rồi thu hẹp lại, tạo thành hình chiếc đó khổng lồ, trắng bạc và sáng lòa dưới ánh sáng Mặt Trời buổi trưa chiếu xuyên qua kẽ lá cây rừng. Những hòn tảng, cuội to nằm kềnh càng và sõng soài viền quanh mép hồ phía dưới. Mạn nước gợn sóng vỗ nhẹ vào bờ đá làm rung rinh bóng mấy cây dương xỉ thân gỗ mọc trên vách dựng đứng phía mặt trời. Những tảng đá to, đường kính có dễ đến 40-70 cm, nhẵn bóng với màu sắc và hình thù kỳ dị càng tô điểm cho sự huyền ảo của vùng hồ.

Ngay phía dưới chân hồ nước là những phản đá nằm ngang, gợn lên những nếp nhăn theo cấu trúc phân tầng của nó, trông tựa mặt biển với những con sóng đang bắt đầu dâng trào. Một khoảng hẹp chỉ độ 2m nhưng dòng nước chảy sâu và khá xiết tạo nên những âm thanh ồn ào mà không quá đỗi xa lạ.

Từ đây đi xuống hồ thứ tư không quá nguy hiểm nhưng vẫn phải bám men vào các bậc đá ven lòng suối. Không cẩn thận, có thể bị trượt chân hoặc bị một cành cây nằm ngang nào đó đập vào đầu. Trên các tảng đá thường xuất hiện một lớp rêu mỏng màu xanh, xen kẽ là các vũng nước, đường kính khoảng 0,5 đến 2m và sâu tới hàng mét. Đi tiếp khoảng 20m là tới bờ phía trên của hồ thứ tư. Tuy vậy để thực sự xuống được hồ, chúng ta phải bám ngược vách đá, sau đó theo sợi dây thép tụt xuống chân hồ. Hồ thứ tư hình ô van nhưng đường viền không mềm mại. Dòng nước bị những tảng đá lớn xẻ rách thành hai đổ xuống hồ hình thành hai thác nước. Thác 1 không quá dốc do dòng nước ăn sâu vào đá, tạo nên hình máng đổ nghiêng xuống hồ. Vì vậy, dòng nước cũng không bắn tung mà chỉ vờn cao cách mặt hồ khoảng chừng gang tay. Thác 2 nằm bên hữu ngạn và lớn hơn thác 1, đổ xuống bề mặt khối đá lớn sừng sững làm nước bắn tung và xòe ra như chiếc váy trắng của vũ nữ ba lê. Mặt nước hồ luôn ở trạng thái dập dềnh, những tảng đá gần chân thác luôn ướt đẫm màu xanh đen của một lớp rêu mỏng. Có khá nhiều ngọn nứa uốn cong, rủ xuống quanh bờ làm chúng ta dễ liên tưởng hồ có dáng dấp của một sân vận động mi ni có mái xe mát rượi.

Qua hồ thứ tư, dòng nước tiếp tục uốn mình chảy thêm vài chục mét thì đột ngột đổ mình xuống và tạo nên hồ thứ năm. Đây là thực sự là một kiệt tác của thiên nhiên, là sự chạm trổ, khắc họa đan xen giữa nước, đá, cây và không gian trời đất. Bờ hồ là những tảng đá granit màu xám với kích cỡ khá đều, cao tới 2m. Hồ không rộng, hình như chiếc kèn sắcxôphôn lùn nằm cong giữa thành đá. Dòng thác đổ mạnh nhưng theo từng bậc đá, chảy tràn từ bậc trên xuống bậc dưới rồi đổ ào xuống phần trên của "chiếc kèn". Phần này rộng khoảng 2m, dài 3m, sâu tới trên 2m và xoáy sâu vào mép đá nên trông rất cổ kính và kỳ dị. Dòng nước mặt đập vào đá rồi bật ngược trở lại tạo nên những gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Phần dưới cạn hơn nhưng khá rộng và dài tới 5m. Nước trong suốt, dòng chảy chậm nên có thể quan sát rõ từng viên cuội dưới đáy hồ. Bên hồ lại xuất hiện thêm một thân cây gỗ nằm chúc đầu xuống nước, thân ẩm ướt và mọc đầy rêu xanh.

Dòng nước chảy thêm một đoạn ngắn rồi đổ tiếp vào hồ hình thoi. Thác đổ xuống hồ chỉ cao khoảng chiều cao một người lớn nên dòng chảy chảy không dữ dội. Phần trong hồ nước sâu, màu xanh đen do thiếu ánh sáng mặt trời. Phía bên này, hình thành một đụn cát sỏi khá lớn và mở rộng dần xuống đáy sâu phía trong, tạo nên bề mặt đáy đơn nghiêng vào chân thác. Đây cũng là phần kết thúc của Ngũ Hồ.

Tuy nơi đây vẫn còn đậm nét hoang sơ, chưa có sự đầu tư nhưng với những người ưa thích cảnh quan thiên tạo thì Ngũ Hồ là một địa chỉ không thể không đến.

 

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>