menu_open
Khám phá Huế là khám phá bất tận “Huế luôn luôn mới”
Xem cỡ chữ:
Chương trình khai mạc - tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại của vùng đất cố đô
Festival Huế lần thứ 11 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 6-4-2020 đánh dấu chặng đường 20 năm từ khi Festival Huế được tổ chức lần đầu tiên và trở thành một sự kiện văn hóa du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, có sức thu hút mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế.
Chương trình khai mạc - tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại của vùng đất cố đô
Trải qua 10 kỳ tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tích nhất định, khẳng định thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, thành nơi quy tụ, gặp gỡ, giao lưu của nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của những nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
 
Ông Amadu Matar M’Bow, nguyên Tổng GĐ UNESCO, trong chuyến ghé thăm Huế vào năm 1981 đã nhận xét: “Huế là một bài thơ về kiến trúc đô thị tuyệt tác, Huế là TP của sự hài hòa trọn vẹn”, câu nói đó đã phần nào khẳng định giá trị của Huế, vùng đất của di sản, cổ kính nhưng không bao giờ cũ. Khám phá Huế là khám phá bất tận, chính vì thế “Huế luôn luôn mới”.

Festival Huế 2020 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế luôn luôn mới” sẽ khai mạc vào 1-4-2020 và bế mạc vào 6-4-2020. Quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới. Đồng thời, là cơ hội để quảng bá Huế - TP văn hóa, di sản, Festival, TP xanh, TP du lịch đặc trưng của Việt Nam, là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.
 
Đặc biệt, tham gia Festival Huế cũng là cơ hội để du khách tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016) và hai di sản phi vật thể mà Huế đồng sở hữu: Nghệ thuật Bài chòi và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
 
Festival Huế 2020 gắn với hàng loạt sự kiện và mốc thời gian trọng đại của cả nước nói chung và của Thừa Thiên - Huế nói riêng: 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 45 năm Ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, 60 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (1960), 215 năm Kinh thành Huế được khởi công xây dựng (1805), 25 năm TP Huế là thành viên tổ chức các TP Di sản thế giới (1995) và 20 năm Festival Huế hình thành và phát triển (2000).
 
Với chủ trương, giữ vững vị thế, thương hiệu quốc tế của Festival Huế, góp phần phát huy và quảng bá truyền thống văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam hiệu quả nhất, Festival Huế 2020 tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghệ thuật, kết cấu hợp lý giữa các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội, có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấp dẫn, có sức hút mạnh mẽ đối với công chúng.
 
Festival Huế 2020 còn gắn với các hoạt động quảng bá tuyên truyền môi trường, chương trình “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Xây dựng TP Xanh- Sạch- Sáng” để Huế trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi du khách, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ.
 
Đồng thời, Festival Huế 2020 tiếp tục tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của Huế như những kỳ trước đây. Không gian trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với hệ thống các sân khấu ngoài trời, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của những đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các sân khấu ở Cung An Định, quảng trường Ngọ Môn, công viên Trịnh Công Sơn, công viên Cầu Dã Viên, các sân khấu cộng đồng khác trên địa bàn TP Huế, các buổi diễn của những đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.
 
Festival Huế 2020 sẽ có sự góp mặt của hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Israel, Pháp, Nga, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Hungary, CH Séc, Mỹ, Mexico, Colombia, Cuba, Úc, Ai Cập… hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, ngoạn mục, đa sắc màu văn hóa.
 
Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sỹ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP HCM, cùng với lực lượng văn nghệ sỹ của Thừa Thiên - Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
 
Đặc biệt, nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 6 ngày đêm như: Chương trình khai mạc – tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại của vùng đất Cố đô, của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới; Lễ tế giao- lễ hội thuộc hàng đại tự trong hệ thống các lễ hội cung đình triều Nguyễn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa; Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ”- kể lại câu chuyện lịch sử hào hùng của nước Việt thế kỷ 19 bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế; Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn; Lễ hội Áo dài; Lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực”; Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”; Đêm ASEAN – cuộc trình diễn của văn hóa Đông Nam Á qua những sắc màu độc đáo của trang phục dân tộc, thời trang và âm nhạc huyền ảo; Liên hoan Múa quốc tế; Các chương trình nghệ thuật đến từ hơn 20 quốc gia ở các châu lục và các đoàn nghệ thuật Việt Nam; Chương trình nghệ thuật bế mạc…
 
Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, cộng đồng diễn ra liên tục trong suốt 6 ngày như: Lễ hội Diều, Festival Khoa học, lễ hội Bia, Hội chợ thương mại quốc tế, đại hội Phượt quốc tế, các cuộc trưng bày và triển lãm mỹ thuật, các tour tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô – vịnh đẹp nhất thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai…
 
Thái Phương